Truy cập hiện tại

Đang có 78 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911)

(TGAG)- Trong thời gian nước ta chịu dưới ách thống trị của chính quyền thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy đã diễn ra nhưng thất bại. Trong thời gian này, có nhiều lý thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhiều con đường, phương pháp để đấu tranh cứu nước, trong đó có người chọn con đường đi ra nước ngoài như Nhật Bản (phong trào Đông du); tuy nhiên, cũng chưa có ai thành công.
Bến Nhà Rồng những năm đầu thế kỷ XX. (ảnh: tư liệu)

Lúc ấy, Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) từ Huế hướng vô Nam, ghé qua Qui Nhơn, Phan Thiết và vào Sài Gòn.
Nguyễn Tất Thành xin được làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Treville của hãnh vận tải Hợp nhất (Compagnie des Chargeunis) đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mac Xây, Pháp. Thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen hỏi: “Anh có thể được việc gì?” Nguyễn Tất Thành trả lời: “Tôi có thể  làm bất cứ việc gì? Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm phụ bếp với tên gọi Văn Ba trên tàu Đô đốc Latouche-Treville.  Và trưa ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, con tàu này chính thức lên đường sang Pháp mang theo người thanh niên yêu nước chỉ với hai bàn tay trắng và khát vọng cháy bỏng tìm "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi".

Tàu Đô đốc Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn với 72 thủy thủ trên tàu. Trong chuyến hành trình đó, tàu đi qua các nước như Singapore, Colombo thuộc Sri Lanka, Djibouti, Port Said và Marseille. Đến ngày 15 tháng 7 năm 1911, tàu này đến Le Havre, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp và lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên nước Pháp, bắt đầu sống và làm việc, tìm hiểu bản chất chế độ Thực dân Pháp.  Ngày 18 tháng 6 năm 1919, nhân danh  người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Tất Thành  nêu "Yêu sách của nhân dân An Nam", gồm tám điểm và được viết bằng tiếng Pháp (Revendications du peuple annamite) ký tên Nguyễn Ái Quốc, gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles, đòi chính phủ Pháp ân xá chính trị phạm, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo L'Humanité (tờ này là cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Pháp), từ đó xác định lý tưởng của mình là chủ nghĩa cộng sản. Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại Tours với tư cách là đại biểu Đông Dương, trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale - Association des indigènes de toutes les colonies). Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc  cùng một số nhà cách mạng thuộc địa ra báo Le Paria (Người cùng khổ). Tờ này ra được 38 số với mỗi số bán được quãng 1000 tới 5000 bản. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn viết bài cho hàng loạt báo khác. Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Procès de lagg colonisation française) do Nguyễn Ái Quốc viết được xuất bản năm 1925, đã tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của Pháp và đề cập đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.

Trong toàn bộ thời gian sống trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc làm rất nhiều nghề để trang trải cuộc sống, trong đó có nghề rửa ảnh, vẽ truyền thần và thuê một phòng tại căn nhà số 9 ngõ Compoint, Quận 17, Paris. Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Moskva học tập tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc được cử làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.

Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tranh thủ viết bài cho các báo Nhân đạo (L’Humanité), Đời sống công nhân (La Vie Ouvrière), Sự thật (Pravda), Người cùng khổ (Le Paria), Thư tín quốc tế (Inprékor), Tạp chí Cộng sản vv.v.. Các bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa.

Ngày 11 tháng 11 nǎm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô tới Quảng Châu, lấy tên là Lý Thụy, làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mang tên Vương, lập ra Cộng sản đoàn, rồi tiếp tục dựa trên Cộng sản đoàn mà thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và lập ra tờ Thanh niên làm cơ quan phát ngôn của hội tới tháng 2 năm 1930, tờ này ra được 208 số. Cuốn Đường Kách mệnh tập hợp các bài giảng của ông, được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927. 

Tháng 5 năm 1927, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu đi Hồng Kông, rồi sang Moskva. Tháng 11 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc  được cử đi Pháp, rồi từ đó đi dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc từ ngày 9 tháng 12 đến ngày 12 tháng 12 năm 1927 tại Bruxelles, Bỉ. Sau đó, ông cũng qua Ý, đến Thái Lan và lấy tên Hồ Chí Minh. Cuối năm 1929, Hồ Chí Minh rời Thái Lan sang Trung Quốc. Tháng 3 năm 1930, ông trở lại Thái Lan trong một thời gian ngắn, sau đó quay lại Trung Hoa.

Năm 1931, dưới tên giả là Tống Văn Sơ, Hồ Chí Minh  bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam. Ông bị giam cả thảy hơn một năm. Các đồng chí của Hồ Chí Minh - (Hồ Tùng Mậu và Trương Vân Lĩnh) liên hệ được với Công hội Đỏ và gia đình luật sư Frank Loseby can thiệp, bào chữa cho Hồ Chí Minh, và ngày 28/12/1932, tại tòa án trong điện Buckingham, có mặt Đức vua Anh, hầu tước chánh án đã phán quyết Tống Văn Sơ vô tội.

Đầu năm 1933, Hồ Chí Minh đã có mặt ở Liên Xô tham dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản (từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1935. Năm 1935, Hồ Chí Minh được bầu làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản…

Từ Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thực hiện một hành trình đi tìm chân lý kéo dài  hơn 30 năm (1911-1941). Hồ Chí Minh đã đi xuyên qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ,  tìm hiểu bản sắc văn hóa, kinh tế, chính trị của biết bao quốc gia, dân tộc… để hiểu hơn Tổ quốc mình. Ðiều quan trọng nhất là Người đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Hơn 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những trở ngại, để đến ngày 28-1-1941, Người đã trở về Tổ quốc và đến ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Về đây, Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam được bổ sung, phát triển thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh, dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đi đến những thắng lợi vẻ vang. Cả cuộc đời Bác Hồ là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta tự hào ôn lại đôi điều để thấm thía hơn sự hy sinh cao cả của vị lãnh tụ kính yêu, anh hùng của dân tộc Việt Nam và còn là Nhà văn hóa kiệt xuất khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ./.
Mai Bửu Minh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37473666