Truy cập hiện tại

Đang có 142 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự

(TUAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát”, nhưng để đạt hiệu quả cao thì “việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của Nhân dân”. Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Người, trong suốt các chặng đường cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân; dựa vào Nhân dân; khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tiềm năng và sáng kiến của Nhân dân; vận động Nhân dân tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ thuộc về tay Nhân dân, việc xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng là một nội dung quan trọng, đòi hỏi tất yếu của thực tiễn lúc bấy giờ. Trong đó, nhanh chóng giữ gìn ổn định xã hội, giữ vững ANTT cho Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở để bảo vệ chính quyền. Để thực hiện được nội dung đó, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thành lập ra lực lượng Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh. Mặt khác, Người cũng nhận thức rõ, muốn giữ gìn trật tự, an ninh cần thiết phải dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò to lớn của Nhân dân.
 

Trong thư gửi Tổng thống Tơruman vào ngày 18/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Chính phủ lâm thời của chúng tôi được thành lập, phục hồi nước Việt Nam mới, ổn định trật tự xã hội, loại trừ tận gốc nguy cơ phát xít ở Việt Nam. Được sự ủng hộ của toàn dân, chúng tôi nhất định sẽ thực hiện thành công một chương trình dân chủ và xây dựng trật tự, kỷ cương xã hội”.

Tháng 8/1949 trong thư gửi Hội nghị tình báo, Hồ Chí Minh viết: “Tình báo cũng như mọi việc khác phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho Nhân dân giúp sức, thì sẽ thành công to”.

Trong buổi nói chuyện tại Trường Công an Trung cấp khóa 2, năm 1951, Hồ Chí Minh đã nêu ra một minh chứng vô cùng sắc bén để khẳng định Nhân dân là một lực lượng quyết định thành công hoặc thất bại của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Người nói: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng Nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân không được xa rời dân. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò quyết định của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Người cho rằng, tuy đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ ANTT, song lực lượng ấy phải dựa vào dân, xa dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được.

Sau khi chúng ta giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trước khi vào tiếp quản Thủ đô, trên báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết nhan đề “Giữ gìn trật tự, an ninh”. Nội dung bài viết không chỉ cho thấy rõ nhận thức của Người về tầm quan trọng của việc giữ gìn trật tự, an ninh là nội dung quan trọng nhất, là cơ sở để khôi phục lại đời sống của Nhân dân, là cơ sở để Nhân dân an cư, lạc nghiệp mà còn thể hiện rõ nhận thức của Người về vai trò to lớn của Nhân dân trong việc giữ gìn trật tự, an ninh. Người viết: “Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của Nhân dân để phụng sự lợi ích của Nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của Nhân dân. Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự, an ninh, vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người. Qua sự phân tích đó, tiếp tục cho chúng ta thấy rõ sự nhận thức toàn diện của Hồ Chí Minh về việc cần thiết phải dựa vào Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh; khẳng định giữ gìn trật tự, an ninh là nhiệm vụ của Nhân dân; Nhân dân có lực lượng đông đảo, to lớn cho nên bọn tội phạm không thể lọt qua sức mạnh to lớn của Nhân dân.

Tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân, Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận điểm mang tính chân lý: Người khẳng định: “Phải gần gũi Nhân dân, dựa vào lực lượng của Nhân dân, xa rời Nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”.

Đánh giá cao vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh, trong Thư chúc tết, đăng trên báo Nhân Dân, số 1062, ngày 31/01/1957, Hồ Chí Minh viết: “Nhờ sự cố gắng của Nhân dân ta và sự giúp đỡ của các nước anh em, chúng ta đã vượt được nhiều khó khăn, thu được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự. Đồng bào miền Nam thì anh dũng và bền bỉ đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước”.

Bước sang năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có sự nhận thức sâu sắc hơn vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Theo Người, vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh không chỉ thể hiện ở thành thị, nông thôn mà còn thể hiện trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong buổi nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, vào ngày 24/8/1958, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh vào việc dựa vào Nhân dân để giữ gìn trật tự, an ninh: “Giữ gìn trật tự, trị an tốt thì dân mới an cư lạc nghiệp. Muốn giữ gìn trật tự, an ninh tốt, phải dựa vào Nhân dân để ngăn ngừa bọn làm trái phép”. Nói chuyện với Nhân dân, bộ đội, cán bộ tại huyện Yên Châu (Sơn La) vào ngày 08/5/1959, Người tiếp tục khẳng định: “Một điểm nữa, để giữ gìn an ninh trật tự trong bản mường, phải có dân quân; để giữ gìn Tổ quốc mình không cho Tây, Mỹ vào được, phải có bộ đội. Bộ đội là ai? Bộ đội là con, em, cháu của đồng bào, bộ đội không phải trên trời rơi xuống. Vì vậy đồng bào nên giúp đỡ cán bộ làm nghĩa vụ quân sự cho tốt”. Tại buổi lễ thành lập Công an vũ trang, Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là công an biên phòng, ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho lực lượng Công an nhân dân, lực lượng nòng cốt, tiên phong trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: “Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào Nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công”. Qua lời căn dặn đó đã cho chúng ta thấu hiểu rõ Nhân dân là cội nguồn của mọi sức mạnh của sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự.
 

Lực lượng Công an chính quy phối hợp lực lượng bảo vệ dân phố thị trấn Phú Mỹ tuần tra đêm (ảnh N.T)

Thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn các tổ chức quần chúng tự nguyện trong công tác bảo vệ ANTT; trực tiếp nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu, tại chỗ các vấn đề ANTT ở cơ sở. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của tình hình ANTT, hoạt động của lực lượng công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, cũng như sự hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên luôn cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng là đòi hỏi tất yếu. Thực tiễn từ trước đến nay, lực lượng này luôn tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự điều chỉnh của những nhóm quy phạm pháp luật khác nhau. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khách quan đó tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 30/2023/QH15). Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 05 chương, 33 điều, sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, quy định về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở từ việc kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động hoặc được tuyển chọn tham gia hoạt động trong lực lượng này; qua đó, tăng cường hiệu quả trong việc bảo vệ an ninh và trật tự tại cơ sở. Đồng thời, tập trung nguồn lực và cơ sở vật chất, giảm bớt sự chồng chéo và mâu thuẫn trong nhiệm vụ giữa các lực lượng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc xây dựng và ban hành Luật là sự thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong các văn bản quan trọng như: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở; Nghị quyết số 51 ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân tại Điều 14 và quy định về nghĩa vụ tham gia bảo vệ ANTT tại Điều 46.

Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến ANTT đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn; do đó, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở cho thấy sự quyết tâm và sự vận dụng sáng tạo từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của đất nước hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, tin rằng sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT.

Nguyễn Lam
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40460359