Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Thành tựu công cuộc đổi mới của nước ta

(TGAG)- Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đến nay, mỗi kỳ đại hội, vấn đề đổi mới luôn đặt ra hàng đầu. Đổi mới là động lực, nguồn cảm hứng của xã hội ta và nó đã trở thành quy luật phát triển của Đảng ta.

Đại hôi VI đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cách mạng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra bước đột phá lớn, toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên. Tuy nhiên, đi vào cuộc sống là không đơn giản. Những vấn đề về đổi mới toàn diện, đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác, mà cụ thể trước hết là tư duy về kinh tế... như thế nào? Phải được cụ thể hóa bằng thời gian ở các lần đại hội tiếp theo, mới tạo ra được hiệu quả và hiệu ứng ngày một mạnh mẽ, toàn diện như ngày nay!

Đại hội VII (6/1991) có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và được thể chế hóa bằng Hiến pháp năm 1992. Nhận thức mới của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt được khẳng định và xác lập một cách rõ ràng. Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, với 6 nguyên tắc đổi mới, chỉ ra 4 nguy cơ cảnh báo sâu sắc.

Đến Đại hội VIII (6/1996), sau 10 năm đổi mới, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đường lối đổi mới tiếp tục được hoàn thiện, có điều kiện để kết hợp đẩy mạnh đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Từ đó, Đại hội IX (4/2011) khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Đại hội X (4/2006), thực tiễn qua 20 năm đổi mới, khẳng định: Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, rút ra 5 bài học lớn của công cuộc đổi mới, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng. Để rồi đến Đại hội XI (01/2011) đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển, nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới với Cương lĩnh năm 2011, xác định tám đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, đổi mới tư duy phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hiến pháp năm 2013: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta; là quá trình cách mạng, cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để. Thành tựu đó là tiền đề để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, nguồn lực đổi mới là phong phú. Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng với mục tiêu dự thảo: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là bước phát triển đường lối đổi mới của Đảng, khẳng định thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn tới./.

Lê Hồng Khâm
UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37340959