Truy cập hiện tại

Đang có 32 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

An Giang hưởng ứng Chiến dịch Điện Biên Phủ

(TUAG)- Sau thất bại ở chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp lại cầu cứu Mỹ tăng cường viện trợ, cố giành thế mạnh về quân sự để thương thuyết với ta trên mặt trận ngoại giao. Với kế hoạch quân sự của tướng Nava (Navarre) - Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương- Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trông chờ vào "Kế hoạch Nava", với hy vọng chỉ 18 tháng sẽ giành thế chủ động trên chiến trường.

 
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh tư liệu.

Đông Xuân 1953 - 1954, quân Pháp và tay sai ngày càng bị động, lúng túng trong việc đối phó với quân ta. Với mong muốn sớm xoay chuyển tình thế, Pháp tăng cường bộ binh và tập trung gần 55% toàn bộ lực lượng, hơn 90% lực lượng cơ động trên toàn chiến trường Đông Dương ra miền Bắc.

Tháng 9/1953, Bộ chính trị Trung ương Đảng tổ chức hội nghị về nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi phân tích, đánh giá cục diện chiến tranh ở Đông Dương và âm mưu mới của Pháp- Mỹ, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, bằng 3 đòn tiến công lớn tiêu diệt địch: giải phóng vùng Tây Bắc và Thượng Lào; phối hợp với quân giải phóng Lào và Campuchia giải phóng Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn; đánh thông đường chiến lược Bắc- Nam Đông Dương, phá tan âm mưu bình định miền Nam Việt Nam của địch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ

Với hệ thống phòng ngự kiên cố, Pháp và Mỹ xây dựng Điện Biên Phủ thành một "pháo đài không thể công phá", nếu chủ lực Việt Minh tấn công thì sẽ không tránh khỏi thất bại.

17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra với 3 đợt. Đợt 1: (từ 13/3 đến 17/3/1954): Quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc (gồm cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo), phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm địch. Đợt 2: (từ ngày 30/3/1954): Quân ta đồng loạt tấn công các cứ điểm phía Đông của phân khu trung tâm (E1, D1, C1, C2, A1...), quân ta khép chặt vòng vây bằng hệ thống giao thông hào, chia cắt và liên tục tấn công địch, buộc địch bị động cố thủ, bị tiêu hao sinh lực và mất tinh thần. Đợt 3: (từ 1-5 đến 7/5/1954): Quân ta đánh tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 18 giờ 45 phút ngày 6-5, khối bộc phá 1.000 kg đặt trong lòng quả đồi A1 nổ vang, quân ta tổng công kích. 17 giờ 30 phút ngày 7-5, tướng Đờ-Cát (De Castries) và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt, gần 10.000 quân địch ra hàng.

Sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng 16.200 tên địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và quân nhảy dù, 3 tiểu đoàn pháo binh và súng cối hạng nặng; 1 thiếu tướng, 16 đại tá, 1749 sĩ quan và hạ sĩ quan), bắn cháy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh cuả địch.

An Giang hưởng ứng Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thực hiện kế hoạch Nava ở Nam bộ, Pháp sử dụng lực lượng càn quét nhiều lần, lấn chiếm vùng giải phóng, ra sức bình định vùng chúng kiểm soát.

Ngày 10/12/1953, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân diễn ra, Pháp phải điều quân từ Nam bộ ra Bắc bộ để đối phó. Trung ương Đảng chỉ thị cho Nam bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, kềm chân địch, không cho chúng chi viện chiến trường chính.

Địa phận An Giang thuộc 2 tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa (từ năm 1951). Thực hiện chỉ thị cuả Trung ương Đảng, tuy còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, Tỉnh ủy Long Châu Hà, Long Châu Sa đã chủ trương hưởng ứng tổng công kích, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ: vừa ra sức củng cố vùng căn cứ về các mặt, vừa tăng cường các hoạt động quân sự, tiến công địch, mở rộng địa bàn kiểm soát; tiến hành võ trang tuyên truyền ở các huyện, tạo phong trào thi đua "Giết giặc lập công". Ta quấy rối, tiêu hao sinh lực địch và đẩy mạnh công tác địch ngụy vận, tấn công vào vùng yếu, tác chiến mở rộng vùng căn cứ, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, liên tục tấn công, bức rút đồn địch, giải phóng xã, ấp, mở lõm du kích.

Trong đêm 07/01/1954, quân dân huyện Chợ Mới đánh đại đội 1 và đại đội 3 thuộc tiểu đoàn khinh quân đóng ở xã Kiến An. Diệt 2 sĩ quan, 11 tên bị thương và phá hủy hoàn toàn nơi bảo vệ tổng hành dinh. Trận đánh thắng lợi đã khiến địch hoang mang, đồng bào tăng thêm sự phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng.

Đêm 12/01/1954, bộ đội huyện Tịnh Biên tấn công chốt canh số 6 ở núi Nước do lực lượng lính người Khmer chiếm giữ. Ta phá hủy chốt, diệt 1 tên địch, số còn lại bị bắt, thu toàn bộ vũ khí.

Từ tháng 3 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt, chiến trường chung ngày càng căng thẳng, tỉnh đưa đơn vị 947, 948 cuả tiểu đoàn 311, luân phiên kết hợp với đại đội địa phương quân các huyện tấn công, bao vây, pháo kích, làm rối loạn hậu phương địch, khiến chúng hoang mang cực độ, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta trên các mặt trận.

Tháng 4/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt 2, tấn công vào phân khu Trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Ta căng kéo địch, không để chúng tập trung lực lượng chi viện chiến trường Điện Biên Phủ.

Giữa tháng 4/1954, ta bao vây đồn Phổ Đà Ba Chúc (Tri Tôn), bắn tỉa chết 3 tên, làm bị thương 8 tên. Bị bao vây cô lập, bọn lính đồn Phổ Đà cố thủ, bắn loạn xạ ra ngoài. Các đồn khác không dám bung ra hoạt động, lo củng cố công sự phòng thủ. Đầu tháng 5/1954, ta đánh quân tiếp tế cho đồn Phổ Đà, diệt 2 tên, làm bị thương 6 tên.

Ngày 28/4, lực lượng võ trang huyện Châu Thành - Thoại Sơn pháo kích vào 1 đại đội thuộc lực lượng Hai Ngoán đóng tại cầu số 1, đồng thời kêu gọi bứt rút tháp canh số 7, giải tán tề ấp. Ngày 29/4, du kích Vĩnh Hanh (Châu Thành) tổ chức bao vây, pháo kích đồn kinh Cũ làm bị thương 1 tên lính. Đêm 30/4 công binh ta đánh sập cầu Cần Đăng (trục lộ tẻ Tri Tôn - Long Xuyên).

Bước qua tháng 5/1954, quân ta đánh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tin chiến thắng dồn dập báo về, quân dân trong tỉnh phấn khởi, phong trào cách mạng lên cao, khắp nơi diễn ra hàng loạt trận đánh.

Đêm 1/5/1954, trung đội địa phương quân, du kích xã phối hợp với bộ đội tỉnh tấn công hệ thống tháp canh thuộc đại đội 22 cuả Hai Ngoán từ Cây Mít (Nhà Bàn) ra núi Sam. Kết quả, ta tiêu diệt 3 tháp canh, đánh hư nhiều tháp canh khác.

Đêm 2/5 bộ đội địa phương huyện Châu Thành và du kích tập kích đại đội 82 (đóng ở chợ Cũ), giết 2 tên, làm bị thương 5 tên, thu 1 súng cối 60 ly, 35 tromblon, 1 súng trường, 30 lựu đạn và một số đạn các cỡ.

Ngày 4/5, bộ đội huyện phối hợp bộ đội tỉnh đánh đồn lính Hòa Hảo ở kinh 11 và tiến hành võ trang tuyên truyền, rải truyền đơn vạch trần tội ác của Hai Ngoán và bọn tay sai, dân chúng rất hài lòng, thỏa dạ.

Chiều ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tan tác, quân ta thắng lớn, được tin chiến thắng khắp nơi vui mừng, tinh thần cách mạng lên cao, không để lỡ thời cơ ta đẩy mạnh tấn công địch ở khắp các huyện.

Đêm 11/5, huyện Châu Thành huy động trên 200 quần chúng tổ chức phá lộ Mặc Cần Dưng từ cầu số 3 đến cầu số 5, tấn công chợ Bình Hòa, số lính đồn được vận động giáo dục trước đã mang toàn bộ vũ khí về với ta.

Cũng trong đêm 11/5/1954, bộ đội huyện Tịnh Biên đánh sập tháp canh xóm Gạo, nằm khoảng giữa Vĩnh trung- Tri Tôn, địch chết 6 tên, bị thương 2 tên. Cùng đêm đó, du kích làm chướng ngại vật, gài 12 trái mìn trên tuyến lộ núi Tượng- Ba Chúc để ngăn chặn đường tiếp tế cuả địch cho đồn Phổ Đà. Địch đạp trái chết 2 tên, bị thương 6 tên.

Đến giữa năm 1954, cán bộ, đảng viên đã bám được cơ sở, địa bàn. Sau các trận đánh cuả quân dân trong tỉnh, cùng với tuyên truyền, tác động bọn địch hoang mang đào ngũ, rã ngũ nhiều. Lực lượng du kích xã phối hợp với địa phương quân huyện và bộ đội tỉnh tấn công phá hoại hệ thống tháp canh, đồng thời vũ trang tuyên truyền trong đồng bào và tiếp xúc cơ sở để bắt mối liên lạc.

Đêm 3/6, lực lượng địa phương huyện phối hợp với bộ đội tỉnh tấn công 1 đồn của đại đội 116 thuộc lực lượng Năm Lửa đóng tại xã Hòa Bình Thạnh. Lực lượng ta với vũ khí thô sơ, dùng mìn, lựu đạn, dao găm, súng kíp xung phong tiêu diệt đồn. Địch chết tại chỗ 10 tên. Ta thu toàn bộ vũ khí, số còn lại đầu hàng.

Phát huy thắng lợi, ngày 04/6, Châu Thành bao vây kêu gọi 3 tháp canh cũng thuộc đại đội này ở rạch Chắc Cà Đao và kinh Bốn Tổng đầu hàng. Trước áp lực của ta, tất cả lính hoảng sợ đầu hàng, ta thu 2 trung liên, 6 tiểu liên và 11 súng trường...

Qua các trận đánh, tinh thần địch càng thêm hoang mang, lo sợ và nội bộ càng tăng mâu thuẫn. Ngày 12/6/1954, ta phát động dân quân du kích và nhân dân địa phương phá 20 thước lộ; bắn tiêu hao địch trên đoạn đường Vĩnh Trung- Tri Tôn làm bị thương 1 tên, 7 tên khác hoảng sợ bỏ trốn về nhà.

Cũng trong tháng 6/1954, bộ đội tỉnh Long Châu Sa kết hợp với bộ đội địa phương huyện Tân Châu và du kích các xã tập trung lực lượng nhằm tấn công vào thị trấn Tân Châu. Địch đưa quân chặn ở kênh Xáng và đánh vào sau lưng ta, quân ta quay lại phản công, tiêu diệt gọn 2 trung đội địch, số còn lại phải bỏ chạy. Ta thu được 6 trung liên và nhiều loại súng khác. Cũng thời gian này lực lượng địa phương quân huyện Phú Châu kết hợp du kích xã Phú Hữu đánh và diệt gọn đồn Phú Hữu, lấy toàn bộ vũ khí.

Ngày 09/7/1954 du kích xã Vĩnh Hậu phối hợp với bộ đội tỉnh và huyện chặn đánh cuộc hành quân cuả địch ở vàm Kinh Xáng, nổ súng trên toàn tuyến Vĩnh Hậu (Phú Châu), tiêu diệt 22 tên, làm bị thương 25 tên, đánh sập một bót, 5 tháp canh, thu 30 súng các loại. Ngày 11/7/1954 địch phải rút quân.

Thắng lợi của các trận đánh là điều kiện để xây dựng, phát triển cơ sở. Các huyện đã đưa được cán bộ ra các xã yếu, khó khăn và củng cố lại các xã, tạo sự chuyển biến trong phong trào du kích. Công tác địch ngụy vận được đẩy mạnh và đạt kết quả. Ta xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong lòng địch như. Nhiều binh lính, bảo an đào, rã ngũ như đại đội 82 đào ngũ 8 tên; đại đội 77 và bảo an đóng cầu số 2 đào ngũ 4 tên; đại đội 522 đóng cầu số 5 Vĩnh Hanh rã ngũ 12 tên. Đặc biệt, trưởng đồn Chắc Cà Đao đã phá hủy đồn, kêu gọi binh lính mang toàn bộ vũ khí gồm 2 trung liên, 20 súng mút về với ta.

Tháng 7/1954, Long Châu Hà được sự chi viện của Tiểu đoàn 307, thuộc phân liên khu miền Tây, hoạt động vùng Châu Thành – Thoại Sơn để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi nắm tình hình, các đơn vị của tiểu đoàn đã phối hợp với lực lượng địa phương tấn công nhiều đồn bót địch thuộc các xã vùng địch hậu: Bình Hòa, Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Hanh…


Chiến thắng Điện Biên Phủ, ảnh tư liệu.

Ngày 20/7, 2 trung đội của đại đội 932 (thuộc Tiểu đoàn 307), phối hợp lực lượng địa phương đánh 2 đồn Mặc Cần Dưng và Chắc Cà Đao. Ta vừa bắn đại liên uy hiếp tinh thần địch, vừa kêu gọi đầu hàng. Kết quả, ta bứt rút 2 đồn, thu toàn bộ vũ khí.

Trên đà thắng lợi, nhận được lệnh ngừng bắn, thi hành Hiệp định Genève. Quân dân An Giang (lúc bấy giờ thuộc 2 tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa) rất vui mừng, phấn khởi, chuyển sang đấu tranh chính trị thi hành Hiệp định.

Sau 75 ngày kiên trì thương lượng và đấu tranh gay go, Hội nghị Genève bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương đã kết thúc. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết. "Bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam" ghi rõ: "Các nước phải tôn trọng quyền độc lập cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia, ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương; Pháp phải rút quân, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền, tiến tới có tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước nhà".

Thành công của chiến lược Đông Xuân 1953-1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẩy năm châu, chấn động địa cầu, đã đánh dấu sự kết thúc chặng đường đấu tranh của dận tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng tám, mở ra giai đoạn mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

ThS. Nguyễn Thành Nhân
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40410657