Truy cập hiện tại

Đang có 183 khách và không thành viên đang online

Bác Hồ với thế hệ “búp măng non” - người chủ tương lai của đất nước

(TGAG)- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Bác nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Đặt niềm tin và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc: “Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng. Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”, Bác còn thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể. Trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Bác Hồ căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Qua các bài nói, bài viết và bằng những việc làm cụ thể, Người đã đặt nền tảng tư tưởng và nêu tấm gương sáng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Không chỉ dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, nhưng do nước nhà bị ách cai trị của thực dân nên các “búp trên cành” cũng phải “Làm tôi tớ người ta bên ngoài”. Từ nỗi đau, xót xa ấy, Bác đã vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải hành động: Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay. Đây không chỉ thể tình cảm của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng mà còn kêu gọi các em đoàn kết cùng toàn dân tộc đánh giặc ngoại xâm. Tinh thần ấy cần phải được xây dựng từ thế hệ “búp măng non” và đó là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng. Tình cảm của Bác Hồ đối với thế hệ “búp măng non” của dân tộc có sức lan tỏa mãnh liệt, không chỉ thôi thúc các em cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà mà còn có sức sống mãnh liệt đến hôm nay.

Những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức; coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần quan trọng cho việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Sự quan tâm đó, thể hiện rõ nét nhất vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6; Tết Trung Thu hằng năm. Trong những dịp này, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh, quan tâm thích đáng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, vì sự phát triển và bình đẳng cho trẻ em.

Thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khuyến khích, vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân quan tâm ủng hộ các chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng các công trình dành cho trẻ em.

Tuy vậy, thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn một số hạn chế nhất định: một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp đến các vùng núi, sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay. Nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, chính quyền có nơi, có lúc chưa nhận thức đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác trẻ em. Sự quan tâm của các đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể và xã hội còn thiếu chặt chẽ...

Trước trực trạng trên, để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thực sự đạt hiệu quả cao, đúng với ý nghĩa ươm “mầm non” - những chủ nhân tương lai của nước nhà, rất cần sự góp sức, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, tập trung giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống của trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị suy dinh dưỡng góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tương lai của đất nước có thể chất, sức khỏe, trí tuệ, phẩm chất đạo đức nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Tóm lại, trong điều kiện nào, Đảng, Nhà nước ta luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, gia đình và cả cộng đồng bằng việc làm cụ thể, thiết thực, hãy chung tay, góp sức phấn đấu thực hiện “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, tạo mọi điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.

TRƯỜNG GIANG


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37175249