Truy cập hiện tại

Đang có 140 khách và không thành viên đang online

Lịch sử hình thành Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

(TGAG)- Tôn sư trọng đạo là một truyền thống quý báu lâu đời của dân tộc ta. Lịch sử giáo dục Việt Nam còn ghi nhớ mãi công lao những người thầy làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của dân tộc, được nhân dân mãi mãi tôn vinh như thầy Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu...

Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Hằng năm, vào dịp 20/11, Nhân dân ta và các thế hệ học trò tổ chức thăm hỏi, quan tâm hoặc trao đổi với các nhà giáo về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp toàn xã hội động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang của mình.

Lịch sử ngày 20/11 được bắt nguồn từ một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ trên thế giới thành lập vào tháng 7/1946 tại thủ đô Paris (Pháp) lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (viết tắt là FISE). Ba năm sau, vào năm 1949, tại thủ đô Varszawa (Ba Lan), tổ chức FISE họp Hội nghị thông qua bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học, trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Ngày 22/7/1951, Công đoàn giáo dục Việt Nam được thành lập. Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt nhưng Công đoàn giáo dục Việt Nam đã tìm mọi cách đặt quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với Nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh, đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân ta. 

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại thủ đô Varszawa (Ba Lan), Hội nghị FISE được tổ chức có đại biểu của 57 nước tham dự, trong đó có đoàn đại biểu của Công đoàn giáo dục Việt Nam. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo.

Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngành giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tổ chức trên toàn miền Bắc từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra rất ác liệt, ngày 20/11 vẫn là ngày hội được tổ chức rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong các thầy, cô giáo, cán bộ ngành giáo dục và học sinh, sinh viên. Ngày 20/11 cũng được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam; hằng năm cơ quan Tiểu ban giáo dục trong vùng kháng chiến thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em, giáo viên kháng chiến.

Sau ngày giải phóng miền Nam, nền giáo dục cả nước thống nhất và bước vào thời kỳ xây dựng nền giáo dục mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đây, Quốc tế hiến chương các nhà giáo đã hoàn thành sứ mệnh với giáo giới Việt Nam. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, ngày 20/11 đã đi vào trí nhớ, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, trở thành hoạt động chủ động và tự giác được tổ chức đều đặn hằng năm. Nhân dân Việt Nam mà trước hết là giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh luôn mong muốn mỗi năm có một ngày để thể hiện tình cảm và tôn vinh nhà giáo. Theo đề nghị của Bộ Giáo dục, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167/HĐBT về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngay tại Điều 1, Quyết định ghi rõ “Từ nay hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Như vậy, ngày 20/11/1982 là Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên và cũng từ đó, ngày này trở thành ngày hội truyền thống Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 14/6/2005 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Giáo dục 2005. Điều 76 luật này quy định: “Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam”. Những quyết định và điều luật trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nắm vững lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng nhắc nhở mỗi người khi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không nhầm lẫn với Quốc tế hiến chương các nhà giáo - một hoạt động đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử với giáo giới Việt Nam.

Hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước là sự đầu tư cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước những đòi hỏi đó, ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo hơn lúc nào hết, rất nặng nề; nhà giáo, hơn ai hết, hiểu rõ mình cần phải tạo dựng những phẩm chất và năng lực để tự khẳng định nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng. Cùng với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, đội ngũ nhà giáo tỉnh An Giang xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp “trồng người”, giữ gìn và phát huy những thành quả của các thế hệ nhà giáo đi trước, không ngừng phấn đấu trau đồi đạo đức nhân cách, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW, cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020./.

PHAN VĂN KIẾN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37266320