Truy cập hiện tại

Đang có 85 khách và không thành viên đang online

Tập trung đầu tư phát triển du lịch

(TGAG)- Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về văn hóa bản địa, An Giang luôn được đánh giá là điểm đến lý tưởng trong hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng của du khách ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những năm qua, du lịch ở An Giang có bước phát triển tích cực, bước đầu hình thành và phát triển các loại hình du lịch phong phú, hấp dẫn như: du lịch sinh thái kết hợp du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích văn hóa lịch sử kết hợp du lịch mùa nước nổi, du lịch về nguồn...

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 82 di tích được xếp hạng, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu Di chỉ Văn hóa Kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê, ngoài ra còn những điểm, khu du lịch nổi tiếng trong vùng như: rừng tràm Trà Sư, khu du lịch núi Sam, núi Cấm, búng Bình Thiên... Tổng lượt khách đến tham quan các khu - điểm du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 28.623.938 lượt, tăng 29,4% (tăng 6,5 triệu lượt) so với giai đoạn 2006 - 2010. Tổng doanh thu du lịch do các doanh nghiệp lưu trú và lữ hành phục vụ giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến ước đạt 1.572 tỷ đồng, tăng 118% so với giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 852 tỷ đồng).

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn những tồn tại đã được chỉ ra đó là: công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế; một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chưa chủ động tham gia các sự kiện ngoài tỉnh; liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả...

An Giang là tỉnh nông nghiệp và có thế mạnh về thương mại, do đó trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế theo thứ tự ưu tiên: “Nông nghiệp, Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng”. Trong đó, nông nghiệp và du lịch được xác định là hai ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh tạo nền tảng để phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến và xây dựng.

Theo định hướng đến năm 2020, du lịch An Giang phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp cho GDP của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động từ lao động nông thôn sang lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch, phát triển các ngành dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Song song đó, ngành du lịch tiếp tục nâng cao, phát huy hiệu quả các chương trình xúc tiến và liên kết phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Để tạo đà cho du lịch phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng sau:

Một là, tranh thủ nguồn vốn mục tiêu từ Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả Đề án trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích văn hóa lịch sử. Song song đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phát huy tiềm năng và lợi thế của du lịch An Giang và thu hút nguồn xã hội hóa trong du lịch.

Hai là, phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ba là, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, đặc biệt là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên am hiểu về di tích lịch sử một cách thấu đáo cả về nội dung lịch sử và văn hóa lễ hội; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý di tích tại xã, phường, thị trấn; tiếp tục đào tạo các loại hình văn hóa nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, thất truyền để góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch.

 Bốn là, tiếp tục rà soát quy hoạch các khu - điểm du lịch và hoàn thành hồ sơ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận khu - điểm du lịch cấp địa phương và thành lập Ban quản lý các khu - điểm du lịch, hướng đến thành lập khu - điểm du lịch cấp quốc gia. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý di tích trực thuộc tỉnh, phân cấp các di tích trực thuộc huyện quản lý, qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Năm là, chủ động tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch hằng năm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường liên kết các vùng, miền trong và ngoài nước để giới thiệu các sản phẩm du lịch mới của An Giang.

Sáu là, định hướng quy hoạch các khu - điểm du lịch và xây dựng các chương trình du lịch gắn các di tích tôn giáo, tín ngưỡng với các loại hình du lịch khác trên cùng tuyến để tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch.

Bảy là, tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cho cộng đồng địa phương, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm, Ban Quản lý di tích, cộng đồng địa phương và những doanh nghiệp kinh doanh du lịch để họ hiểu vai trò của mình trong việc bảo vệ, bảo tồn di tích, hiểu được sự hài hòa giữa việc khai thác di tích với phát triển du lịch.

Tám là, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan tiếp tục lập lại trật tự kỷ cương đối việc xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lồng lề đường... tại các khu - điểm du lịch.

Phát triển du lịch là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển. Do đó đòi hỏi, các cấp, các ngành quyết tâm nỗ lực, ra sức phấn đấu đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch hấp dẫn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong thời gian tới.

(*) Trích tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37438489