Truy cập hiện tại

Đang có 119 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Khi nông dân Tân Châu biết làm giàu

(TGAG)- Trong lúc kinh tế gia đình bấp bênh do giá nông sản không ổn định, canh tác theo thói quen, tập quán cũ thì những nhà nông bán lưng cho đất, bán mặt cho trời đã trăn trở, để chọn cho mình hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế từ chính mảnh đất của gia đình. Việc đúc kết kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chịu khó lao động, say mê tìm tòi và học hỏi để xây dựng mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả đang là hướng phát triển kinh tế chủ lực và là “chìa khóa” để những nhà nông thị xã Tân Châu vươn lên làm giàu bền vững.

Dù chỉ được cha mẹ cho học đến hết cấp 2 để phụ giúp gia đình làm nông, sau khi cưới vợ ra riêng, với 10 công đất ruộng, chú Trần Minh Tâm, sinh năm 1959, ấp Phú Hưng, xã Phú Vĩnh đã lấy 01 nữa để trồng rẫy và phần còn lại làm ruộng. Cũng như bao nông dân khác, việc sản xuất của gia đình bước đầu chỉ tạm đủ sống, nên việc cho con ăn học vẫn chưa dám nghĩ đến. Thế nên, để có mức thu nhập ổn định 200 triệu đồng/năm việc chọn loại cây trồng, vật nuôi phù hợp mang lại thu nhập ổn định đã khiến chú Tâm phải suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết tâm chọn mô hình V.A.C (vườn-ai-chuồng) để phát triển kinh tế. Chính vì tính kiên trì, chịu khó cùng với ý thức tiết kiệm và biết cách làm ăn có hiệu quả mà mô hình của chú áp dụng khá thuận lợi, thu nhập từ 200 triệu đồng/năm đến nay đã tăng lên 250-300 triệu đồng/năm. Theo chú Trần Minh Tâm chia sẻ, cũng nhờ thiên thời địa lợi nhơn hòa và cũng phần may mắn mà mọi việc vạch ra, định hướng và đi đến thực hiện đều mang lại kết quả tốt đẹp.

Giờ đây, chú Tâm đã sở hữu 2,5 hecta đất ruộng, 5 công đất vườn và tiệp tạp hóa do vợ buôn bán hằng ngày, trong 6 người con thì có 4 người được chú Tâm cho ăn học đến nơi đến chốn và đã tốt nghiệp Đại học, có việc làm ổn định trong và ngoài tỉnh An Giang; ngoài nguồn thu nhập trong gia đình và nguồn của các con gởi về, cuộc sống kinh tế của vợ chồng chú hiện tại khá thoải mái. Với cái tuổi gần 60, chú Trần Minh Tâm vẫn còn đam mê và quyết gắn bó với thửa ruộng mảnh vườn và khi sức lao động không cho phép, bản thân cũng sẽ truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu trong gia đình và đặc biệt khi bà con gần xa có cần chia sẻ, giúp đỡ hay hỗ trợ nhau trong sản xuất thì chú rất sẵn sàng.

Và thêm 01 nông dân sản xuất giỏi với nguồn thu nhập không dưới 300 triệu đồng/ năm, chú Trần Thanh Hào, sinh năm 1968 ngụ khóm Long Thạnh phường Long Châu chọn hướng đi phù hợp với gia đình chuyên làm nông, vừa sản xuất nông nghiệp làm ruộng, làm vườn vừa kinh doanh dịch vụ cày, xới và cắt lúa. Hiện nay gia đình đã sở hữu có 60 công đất ruộng và 10 công đất vườn và máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như 01 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày. Khi đến mùa vụ chú không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gia đình mà còn phục vụ cày xới, cắt lúa cho bà con có nhu cầu trong và ngoài địa phương.
 

Thành quả có được như ngày hôm nay là những chuỗi ngày làm việc cực lực của chú và gia đình, chia sẻ với chúng tôi, chú Hào cho biết: Năm 1997 được cha mẹ cho 15 công đất ruộng khi ra riêng, lúc bấy giờ việc sản xuất lúa cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại do điều kiện canh tác, tình hình sâu bệnh và giá cả thị trường bấp bênh. Từ đó, chú Hào luôn trăn trở làm cách nào để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh ruộng của mình, với hy vọng nghĩ là làm ắt sẽ thành công, và chú mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng, tích cực tham gia học hỏi kỹ thuật từ các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Nói về kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh của gia đình, chú Hào tâm sự: “Học qua cô bác lớn tuổi, rồi mình rút kinh nghiệm lại, tận dụng suy nghĩ thêm từ đó mới có kết quả tốt. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng, có máy cắt liên hợp không có còn cắt tay nữa, khi thu hoạch lúa cũng nhanh thuận tiện thêm cái nữa lúa mình bán được là lúa tươi cho nên khỏi công cán phơi, từ chỗ đó mới phát triển thêm cộng tích lũy để mua thêm đất”.

Nhờ cần cù, siêng năng, chịu khó, gia đình chú Hào đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói nông dân Trần Thanh Hào không chỉ tích cực lao động sản xuất giỏi, mà luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, vừa lo công việc đồng áng vừa dành thời gian giúp đỡ xã hội, từ xây cất nhà cho hộ nghèo, hỗ trơ thuốc nam, giúp đỡ những hoàn cảnh ốm đau bệnh tật, đóng công góp của làm lộ giao thông nội đồng…. Theo chú Hào, gia đình thuê 4 công đất và phần đất nhà 5 công để làm từ thiện trồng các loại dược liệu để cung cấp cho nhà thuốc nam của phường; và niềm vui với chú vì hiện tại cuộc sống kinh tế gia đình khá thoải mái, hạnh phúc, được bà con xóm giềng quý mến là niềm động viên rất lớn để bản thân chú tiếp tục được cống hiến hết sức cho hoạt động từ thiện của địa phương. Với sự nỗ lực của bản thân, cùng với những đóng góp của mình, Chú Trần Thanh Hào đã được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm liền.

Nhiều nhà nông ở Tân Châu đã chọn Mô hình V.A.C đang là hướng phát triển kinh tế, kết quả áp dụng thực hiện khá thành công và cho hiệu quả cao. Vì đây mô hình dễ liên kết để thành lập các tổ hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng thu nhập bình quân đầu người, góp phần rất lớn trong việc hoàn thành 2 tiêu chí: Thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Cách làm giàu của những nhà nông Tân Châu là sự tổng hợp của tính cần kiệm, ham học hỏi và cách sáng tạo trong lao động sản xuất để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh  phúc và hy vọng những nhân tố tích cực như chú Trần Thanh Hào, chú Trần Minh Tâm sẽ được nhân rộng toàn thị xã để góp phần cho sự phát triển chung của quê hương Tân Châu./.

Bích Trâm


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37171916