Truy cập hiện tại

Đang có 99 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Lực lượng Dân Quân tự vệ tỉnh An Giang nòng cốt phong trào toàn dân đánh giặc

* Kiên cường bám trụ

Từ tháng 6-1946 tỉnh An Giang thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời, đồng chí Phạm Thành Dân - Bí thư Tỉnh ủy được phân công kiêm phụ trách công tác xây dựng lực lượng Dân quân của tỉnh. Tỉnh ủy chủ trương “Tích cực xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), tiếp tục thực hiện “Vườn không nhà trống” kiên quyết không hợp tác với giặc. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trừ gian, diệt ác ở khắp nơi”. Như vậy là ngay từ những ngày đầu, Đảng bộ tỉnh An Giang đã sớm quan tâm, coi trọng nhiệm vụ chính trị lãnh đạo lực lượng DQTV, xem đây là LLVT nòng cốt để kết hợp với bộ đội Khu làm nhiệm vụ kiềm chân, chốt chặn, đánh phá địch, phục vụ yêu cầu kháng chiến chung của tỉnh và Khu.

Cuối năm 1948, tỉnh thành lập đại đội Dân quân tập trung do các đồng chí: Lê Quang Huế làm đại đội trưởng, Lê Quang Xuân làm chính trị viên, Bùi Quang Chẩn làm đại đội phó. Lễ thành lập đơn vị tại căn cứ Nam Thới Sơn, quân số lúc đầu khoảng 70 người.

Địa bàn hoạt động của đại đội Dân quân tỉnh chủ ở vùng Bảy Núi, Châu Phú, Châu Đốc. Nhiệm vụ của đơn vị là trừ gian, diệt tề, đánh phá giao thông cơ sở địch tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực đánh trận lớn kết hợp mặt trận võ trang tuyên tuyền trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (01/1959), Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo xây dựng lực lượng DQTV đều khắp trong tỉnh.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, dân quân du kích An Giang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và hiệu quả hoạt động. Đỉnh cao là vào cuối thập niên sáu mươi, sang đầu những năm bảy mươi, lực lượng Dân quân đã nòng cốt cùng toàn dân và các đơn vị chủ lực đánh tan chiến lược bình định, tìm diệt của Mỹ - Ngụy. Xã Thới Sơn huyện Tịnh Biên là một trong những địa phương điển hình phong trào này. Về cá nhân có một số gương tiêu biểu trong thời kỳ này như: Đồng chí Huỳnh Thị Hưởng, xã đội phó Hội An, huyện Chợ Mới, sau này được truy tặng “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Chị đã chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Khi bị giặc bắt chúng tra tấn dã man, nhưng chị không hề khai báo. Chị đã dũng cảm hy sinh trước sự khuất phục của kẻ thù. Hai là đồng chí Chau Pút du kích xã Ô Lâm, Tri Tôn trên đường đi giao thư và nhận tiếp tế bị địch bắt. Chúng ta tấn mọi cực hình như cắt lỗ tai, đánh gãy chân, tay nhưng đồng chí không hề khai báo. Đồng chí đã thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân thà hy sinh chứ không đầu hàng địch. Về tập thể có Đội nữ pháo binh Châu Đốc. Sau khi pháo kích vào thị xã Châu Đốc, đơn vị bị 2 tiểu đoàn địch bao vây. 3 đồng chí đã chiến đấu kiên cường, 2 đồng chí hy sinh, đồng chí “Hoa” đội trưởng chiến đấu đến quả viên đạn cuối cùng rồi bị thương. Giặc bắt được, trên đường  đưa từ Vĩnh Ngươn về Châu Đốc chị vẫn hát vang bài ca cách mạng, động viên các đồng chí đơn vị khác bị bắt đi cùng luôn vững vàng ý chí, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của  cách mạng giải phóng Miền Nam.

*Nòng cốt toàn dân đánh giặc

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Trong lúc DQTV đang tham gia truy quét tàn quân ngụy thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lại diễn ra. Đêm 30-4-1977 quân Pôn Pốt từ bên kia biên giới tràn sang tàn sát dã man đồng bào 14 xã dọc biên giới An Giang. Lực lượng DQTV cùng với các lực lượng tại chỗ kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngay giai đoạn đầu đã đẩy lùi địch ra khỏi biên giới. Tháng 01-1978 chấp hành nghị quyết của Tỉnh ủy, lực lượng Dân quân mỗi ấp trong tỉnh có từ một đến hai trung đội; các xã biên giới mỗi xã có ba trung đội thoát ly; các xã phía sau mỗi xã có hai đến ba tiểu đội bán thoát ly và một trung đội thường trực khi cần rút lên bộ đội huyện. Cơ quan, đường phố, xí nghiệp, trường học mỗi nơi có từ một đến hai tiểu đội tự vệ. Một số huyện đã có đại đội DQTV như: Chợ Mới, Châu Phú, Châu Đốc . Đặc biệt huyện Phú Châu có tới năm đại đội DQTV liên xã. Sau đó các xã ở huyện phía sau thường xuyên có hai trung đội luân phiên nhau lên tham gia chiến đấu ở biên giới.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, lực lượng DQTV đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Tham gia chiến đấu dũng cảm,  bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và tính mạng của nhân dân. Một số trận đánh tiêu biểu giai đoạn này như: Ngày 05-01-1976, du kích các xã An Nông, An Cư, Xuân Tô, kết hợp với bộ đội địa phương huyện chiến đấu liên tục 4 ngày tiêu hao 1 tiểu đoàn lính Pôn Pốt trên hướng Tịnh Biên. Đêm 30-4-1977, lực lượng du kích xã Vĩnh Ngươn và Vĩnh Hội Đông kiên cường bám trụ, chặn bước tiến của địch tạo điều kiện cho bộ đội địa phương đánh tiêu diệt và đẩy lùi chúng ra khỏi biên giới. Riêng lực lượng dân quân du kích xã Nhơn Hưng huyện Tịnh Biên với 72 trận đánh lớn nhỏ đã giữ vững được địa bàn. Đặc biệt là trận đánh ngày 01-5-1977, sau 2 giờ chiến đấu, ta bắn hơn 2.000 quả đạn pháo các loại, địch dùng một tiểu đoàn tràn vào trận địa, lực lượng du kích xã đã mưu trí dũng cảm, kiên cường chống trả, ngăn địch tràn qua biên giới. Kết quả ta đã đẩy lùi một tiểu đoàn địch về bên kia biên giới.

Còn rất nhiều trận chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo bằng lòng quả cảm kết hợp nghệ thuật đánh địch bằng chông tre, hầm hào, mìn… do lực lượng Dân quân du kích các xã tự làm và vận dụng trong chiến tranh bảo vệ biên giới, thể hiện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ và chính quyền An Giang.

Văn Tranh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37168050