Truy cập hiện tại

Đang có 156 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa - xã hội

(TGAG)- Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một phong trào điển hình trong thi đua xây dựng đời sống văn hóa. Những năm qua, việc thực hiện phong trào của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ngày càng đi vào chất lượng.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được duy trì và phát triển, tổ chức tốt phong trào quần chúng tham gia xây dựng các danh hiệu văn hóa. Toàn tỉnh hiện có: 486.320 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm 90% so với tổng số hộ; 845 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa so với tổng số ấp chiếm 95,16% so với tổng số ấp; 60 xã đạt chuẩn xã văn hóa, đạt 38,46% so với tổng số xã; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 02 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 2.240 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 31 ấp “Điểm sáng văn hóa biên giới”.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển từ tỉnh đến cơ sở, với gần 200 đội văn nghệ quần chúng, mỗi năm tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn, phục vụ hàng triệu lượt người xem, quy tụ hàng ngàn diễn viên, quần chúng tham gia. Phát triển các lớp năng khiếu nghệ thuật và các câu lạc bộ, góp phần tích cực cho công tác xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trong tỉnh. Các hội thi văn nghệ quần chúng là nơi để phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Bác Tôn và tuyên truyền các chuyên đề phục vụ yêu cầu chính trị của đất nước, phong trào của địa phương, học tập làm theo Bác Hồ...

Ngành giáo dục và đào tạo với các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”; cuộc vận động “Hai không”, xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Dân chủ tình thương, kỷ cương và trách nhiệm”… được lồng ghép với nhau và ngày càng được phát triển. Đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề được đẩy mạnh, số giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng nhiều. Chất lượng giáo dục và đào tạo được củng cố và nâng lên. Đào tạo nghề không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của người dân. Phong trào thi đua dạy tốt trong 5 năm qua được tiếp tục phát huy mang lại lợi ích lớn cho xã hội, việc thi đua học tốt trong học sinh, sinh viên tạo ra sinh khí mới với nhiều em đạt danh hiệu học sinh, sinh viên giỏi liên tục. Ngày càng có nhiều gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, nhiều tấm gương vượt khó học giỏi ở tất cả các địa phương; nhiều giáo viên tiêu biểu vượt qua khó khăn để dạy tốt, hàng trăm giáo viên đã được tặng thưởng Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều trường học thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề với số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, được UBND tỉnh, Chính phủ tặng cờ thi đua.

Hằng năm, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường đã thật sự trở thành ngày hội lớn, thu hút mọi người tham gia, nhiều tập thể cá nhân và Hội Khuyến học vận động, đóng góp tập vở, quần áo... chính vì vậy tỷ lệ học sinh ra lớp ngày càng cao, bậc học mầm non, tiểu học huy động đạt 100% kế hoạch, THCS đạt trên 93%, THPT đạt trên 91%. Quỹ tiếp sức tài năng trẻ của tỉnh ra đời tiếp nhận hàng chục tỷ đồng tạo điều kiện động viên, tiếp sức cho học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên phấn đấu học tập và công tác tốt. Quỹ Khuyến học Doãn Tới để cấp học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc, từ năm 2010 trở đi, bình quân mỗi năm 1 tỷ đồng và còn rất nhiều tập thể, cá nhân nữa đóng góp cho công tác khuyến học khuyến tài của tỉnh…

Phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các thành tựu mới đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc áp dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào sản xuất kinh doanh, việc đổi mới các trang thiết bị hiện đại trong ngành chế biến lương thực thực phẩm, chế biến thủy sản; chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình đưa Internet vào nông thôn đã giúp cho nông dân, lao động tiếp cận với các thông tin thị trường và các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, góp phần vào nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất và áp dụng trong đời sống. Từ năm 2011 đến nay, có 383 đề tài, dự án, mô hình trong đó 52 đề tài cấp tỉnh; 284 đề tài cấp cơ sở; 47 dự án, mô hình nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, tập huấn và sản xuất thử nghiệm được triển khai thực hiện trong các lĩnh vực với tổng kinh phí 131,2 tỷ đồng, trong đó từ nguồn xã hội hóa là 74,4 tỷ đồng. 

Phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tiếp tục phát triển, thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; phối hợp tốt giữa các ban, ngành liên quan tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Thể thao thành tích cao không ngừng phát triển, giữ vững vị trí hạng nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT đồng bằng sông Cửu Long qua 5 lần tổ chức đại hội và nằm trong tốp 10 hạng đầu của cả nước, đoạt nhiều huy chương ở các giải quốc gia, Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện vì sức khỏe. Tham dự 299 giải thể thao và hội thao khu vực, toàn quốc và quốc tế, đạt được 1.596 huy chương các loại, trong đó có (558 HCV, 460 HCB, 578 HCĐ). Tổ chức thành công Đại hội TDTT lần thứ VII cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ VII năm 2014, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua.

Các phong trào thi đua làm việc tốt, việc thiện, thi đua hiến máu nhân đạo ngày càng phát triển mạnh. Người tốt, việc tốt có mặt ở khắp nơi trong tỉnh, nhất là trong công tác từ thiện như cất nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà đồng đội, các loại mái ấm với tên gọi khác nhau, kịp thời giúp đỡ gạo, tiền, vật chất cho các gia đình nghèo, gia đình gặp hoạn nạn, có người bị bệnh hoặc từ trần; thể hiện truyền thống ngàn đời của người Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Thương người như thể thương thân” của đồng bào... Cuộc vận động “ Ngày vì người nghèo” đã nhận được gần 510 tỷ đồng (gấp 2,6 lần 5 năm trước). Qua đó đã cất và sửa hàng ngàn căn nhà, cứu trợ gần 770 ngàn lượt đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo, trị bệnh miễn phí.

Phong trào hiến máu nhân đạo được nhiều người tham gia. Từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh đã huy động được gần 67.961 đơn vị máu tăng 31,5% so với 5 năm trước, qua đó cứu sống cho hàng trăm người. Huyện Châu Phú là đơn vị dẫn đầu phong trào “Hiến máu nhân đạo”, tính từ năm 2011 đến nay đã vận động được 11.417 đơn vị máu, đạt 106% chỉ tiêu tỉnh giao được Trung ương hội UBND tặng nhiều bằng khen. Toàn tỉnh có hàng trăm cá nhân hiến máu từ 20 đến 30 lần... Đặc biệt có anh Lưu Minh Tân (xã An Hảo, Tịnh Biên) đã 56 lần hiến máu nhân đạo và kêu gọi mọi người cùng hiến máu cứu người suốt 11 năm nay… Phong trào thi đua trong việc cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2011 có nhiều cá nhân đã xả thân cứu người và tài sản trong đó có cá nhân anh Huỳnh Văn Tùng, chiến sỹ dân quân tự vệ xã Thới Sơn (Tịnh Biên) đã hy sinh tính mạng để tham gia chống lũ, được tặng thưởng Huân chương Dũng cảm.

Phong trào mua xe cứu thương chuyển viện là mô đang phát triển rất mạnh, lan rộng. Tính đến nay toàn tỉnh có 169 xe chuyển viện, trong đó có 64 xe chuyên dùng từ nguồn kinh phí nhân dân đóng góp, trị giá gần 120 tỷ đồng. Huyện Châu Phú là nơi đi đầu phong trào này, huyện hiện có 23 xe chuyển bệnh từ thiện trong đó có 13 xe chuyên dùng. Huyện Phú Tân đã vận động được trên 14 tỷ đồng mua 20 xe chuyên dùng và trên 6 tỷ đồng kinh phí hoạt động...

Ban Biên tập (Tổng hợp)


Kỳ cuối: Phong trào thi đua xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37181901