Truy cập hiện tại

Đang có 181 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Thanh niên khuyết tật có ý chí vượt lên số phận

(TUAG)- Triệu Hồng Hồ Em, sinh năm 1989 ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) bị teo cơ tay và chân, sau cơn sốt bại liệt năm lên 10 tuổi. Hồ Em không những không trở thành gánh nặng của gia đình, mà còn là niềm tự hào của cha mẹ, anh chị và trở thành tấm gương thanh niên khuyết tật được mọi người nhắc đến như một biểu tượng của nghị lực và là bài học cho sự lỗ lực không ngừng của thanh niên địa phương.



Được sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến gia đình Hồ Em, ngụ tại ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A. Từ cổng chùa Phước Điền đi vào khoảng vài trăm mét là đến. Gặp chúng tôi, em niềm nở, vui vẻ và đón tiếp rất nhiệt tình. Trao đổi, chúng tôi được biết gia đình có 4 anh em, cha thì mất sớm, người anh thứ 3 cũng ra đi cùng người cha thân yêu của mình trong một vụ tai nạn giao thông, còn chị hai và anh tư thì có gia đình riêng ở xa. Hiện tại em sống cùng mẹ già. Tuy nhiên, những khó khăn em vừa chia sẻ chúng tôi nhận thấy điều đó không làm cho em có cảm giác tủi thân hay chán nản cuộc sống mà ngược lại, trên gương mặt em luôn luôn rạng rỡ một nụ cười lạc quan và yêu đời.

Hồ Em nhớ lại: “Mấy năm trước lúc em mới làm cái nghề thủ công bằng tre, lúc đó em còn yếu lắm, ngồi làm một chút xíu lại mệt, một số cử động tay chân còn không được nữa. Ví dụ như chân đau đến nỗi ngồi xe máy chỉ ngồi được một bên, làm rớt gì dưới chân cũng không ngồi xuống hay khom xuống để lượm nó lên được, phải dùng chân kẹp lên. Tay thì bị liệt hết một cái, khoanh tay, đưa tay ra sau gãi lưng, giơ cao tay gội đầu tất cả đều làm không được, thậm chí chuyện tế nhị như mặc đồ còn không tự mặc được, em phải chế ra một cái móc bằng nhôm để có thể tự mặc quần áo”.

Đó là những lời chia sẻ chân thành từ em và để có được như ngày hôm nay, hàng ngày Hồ Em đều siêng năng chăm chỉ luyện tập thể dục để dần lấy lại sức khỏe. Trong quá trình nằm một chỗ cảm thấy rất buồn, chợt thấy những que tre trước đây được ba vót để đan lợp bắt cá, Hồ Em đã nảy sinh ý tưởng làm những mô hình trang trí từ tre để tạo niềm vui trong cuộc sống. Dần dần, việc này trở thành niềm đam mê tự lúc nào không hay. Triệu Hồng Hồ Em hồi tưởng: “Hồi xưa ba em làm lợp làm lờ, tre dư bỏ, em thấy tre rất đẹp và tình yêu thương tre trong em có từ đó. Sau này em bị tật nằm một chỗ, em nhớ lại khi xưa có chơi những sản phẩm từ tre, từ đó tạo thành sản phẩm từ tre, ban đầu làm chủ yếu là để trưng chơi chứ không có nghĩ là để bán. Nhưng khi bạn bè đến thăm nhìn thấy khen đẹp, em tặng cho bạn bè đem về, người ta nhìn thấy đẹp quá rồi giới thiệu với nhau, rồi người ta đặt mua, em bán luôn. Sản phẩm lúc đó làm thô sơ, không có sơn như bây giờ, bán giá cũng rẻ khoảng 20-30 ngàn đồng/sản phẩm”.



Trong thời gian tập tành làm, hoàn chỉnh sản phẩm là Hồ Em dành tặng người thân, bạn bè. Mãi đến năm 2010, khi tay nghề đã thành thạo, Hồ Em quyết định làm đồ handmade từ tre để bán kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Sản phẩm đầu tiên là mô hình nhà rông, giá 35.000 đồng, cảm giác sau khi làm thành công một sản phẩm ưng ý, lúc đó em rất vui và phấn khởi. Điều này cũng làm cho người mẹ thân yêu của mình xúc động. Bà Võ Thị Ảnh, mẹ của Hồ Em, năm nay gần 70 tuổi, chia sẻ với chúng tôi: “Làm đồ này, đồ kia, nó tự sáng kiến làm vậy đó, rồi mọi người ở xóm lại thấy mua, lần đầu tiên nó bán được cái nhà rông lâu quá cô không nhớ bao nhiêu, nhưng cô mừng lắm, mừng muốn khóc luôn. Từ đó tới giờ nó phát triển làm lên hoài, làm cái này cái kia, khách hàng lại đâu phải thấy đồ làm sẵn mà mua liền đâu, người ta đặt làm theo ý. Giờ tôi thấy cuộc sống của hai mẹ con sống vậy là được, không dư cũng không giàu, có điều nó làm thì làm hoài, cô cũng làm tiếp nó”.

Liên tục những sản phẩm khác từ chính đôi bàn tay khéo léo của Hồ Em tạo ra có độ khó hơn, cần có sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và đầy sáng tạo: Bộ nhạc cụ, mô hình nhà rông, xe đạp, móc khóa, chậu hoa, đài sen, v.v… Do tay cử động rất khó khăn, cổ không thể xoay chuyển được nên tùy vào từng sản phẩm Hồ Em phải mất vài ngày, 2 tuần hoặc hơn 2 tháng mới hoàn thiện. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng hay thậm chí là vài triệu đồng, trong đó khó nhất là bộ sưu tập 11 loại nhạc cụ thu nhỏ như: Đàn bầu, gui-tar, đàn cò, đàn tranh... có độ tỉ mỉ từng chi tiết, với giá khoảng 2 triệu đồng. Bộ sản phẩm này được nhiều Việt kiều đặt mua và mất thời gian gần 2 tháng mới hoàn thiện. Nguyên liệu dùng chủ yếu là thân tre sau khi được mẹ mua về đem phơi khô, cưa ống, vót, mài, đục đẽo, rồi dùng keo ráp lại thành phẩm, công đoạn cuối là sơn PU cho sản phẩm là hoàn thành.

Hồ Em chia sẻ: “Khó khăn thì có nhiều khó khăn, tại vì mình đâu có bình thương như mọi người. Thứ nhất là đi đứng, thứ 2 là khi rớt một chi tiết nào xuống đất là lượm không được. Còn cái tay bị liệt, khi vót tre cố gắng đưa tay lên giữ thanh tre cho được vững là vót, mà vót tre chỉ có một tay thôi”.



Nếu không tận mắt chứng kiến Hồ Em làm từng công đoạn của sản phẩm, chắc khó có thể hình dung được, một người khuyết tật vận động, khó khăn đi lại như Hồ Em lại có thể một mình làm ra những sản phẩm tinh xảo và đẹp đến thế. Và đối với mình đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc lớn nhất, hơn thế có thể tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ mẹ già. Khi được hỏi về ước mơ về tương lai sau này, Hồ Em đã mạnh dạn chia sẻ: “Nếu có một ước mơ thì em cũng có ước mơ. Thứ nhất là mở rộng ra có nhiều sản phẩm có nhiều thị trường hơn. Thứ hai nếu có điều kiện sẽ dạy lại cho các bạn cùng cảnh ngộ với mình, vì mình cũng từng mặc cảm và chính vì mặc cảm đó đã giết mình nên giờ mình nghĩ có cái nghề sẽ vui vẻ hơn, lạc quan hơn. Từ đó mình muốn truyền cái lửa lại cho các bạn cùng cảnh ngộ, thậm chí các bạn không khuyết tật mình cũng dạy để cho các bạn có cái nghề để làm không tụ tập ăn chơi, hạn chế được tệ nạn xã hội hơn".

Mỗi người sinh ra đều có một số phận, một hoàn cảnh, nhưng bằng niềm tin và nghị lực của mình, Triệu Hồng Hồ Em đã vươn lên để tự khẳng định mình. Đó chính là điều mà nhiều thanh niên hay những người khuyết tật giống như Hồ Em cần phải biết nâng niu, trân trọng và học hỏi. Tấm gương của Hồ Em là một điều nhắc nhở thanh niên chúng ta phải luôn có nghị lực, tình yêu cuộc sống, ý chí mãnh liệt vượt lên số phận, để trở thành những người có ích cho gia đình và cho xã hội./.

Hải Đăng, Hồ Toàn
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37185624