Công tác tổ chức
Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai
- Được đăng: Thứ ba, 07 Tháng 1 2020 07:20
- Lượt xem: 1550
Phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc công tác ngành nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao công tác nội chính, ngành nội chính đã làm tốt công tác tham mưu tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp cũng như tham mưu kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung khắc phục sơ hở, bất cập để hoàn thiện hệ thống thể chế về phòng chống tham nhũng, hiện thực hóa công tác phòng chống tham nhũng, làm trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên theo phương châm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Công tác nội chính không chỉ là phòng ngừa mà còn đảm bảo cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Năm 2020, cùng thời cơ và thuận lợi, chúng ta còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; do đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu ngành Nội chính Đảng cần nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, đề án lớn phục vụ tốt nhất cho Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng các cấp. Nỗ lực, quyết tâm hướng hoạt động vào việc góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách về nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ án, tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không ngoại lệ, nhất là tham nhũng vặt, ngay trong những cơ quan phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, ngành nội chính trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra, giám sát và tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tỉnh ủy, thành ủy nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhát là các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, quản lý sử dụng đất đai...
Ban Nội chính Trung ương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia có hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ. Chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, cán bộ, công chức ngành nội chính đảng phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đặc biệt phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương, nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Bảo Trị