Truy cập hiện tại

Đang có 226 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý!

(TGAG)- Nhà nước pháp quyền là cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ. Dân chủ là bản chất, là điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà nước pháp quyền. Bộ máy nhà nước pháp quyền được tổ chức và vận hành trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức quyền lực một cách dân chủ. Mỗi quốc gia, dân tộc, tùy thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp.

Một trong những tinh hoa văn hóa mà Hồ Chí Minh tiếp thu từ quá trình ra đi tìm đường cứu nước là vấn đề Dân chủ. Ngay từ rất sớm Người đã khẳng định: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Bước vào đổi mới, vấn đề “Pháp trị” hay “Đức trị” đã được Đảng ta nhận định hết sức biện chứng với quan điểm: “Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý”. Nói như vậy có nghĩa là phải quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội… Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng đã chính thức nêu vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân. Từ đó đến nay việc nhận thức cũng như thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng phát triển.

Trong những năm vừa qua, quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng và cơ bản. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có bước phát triển. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…

Tuy nhiên, đến nay cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp vẫn chưa được chế định rõ, chưa thật đồng bộ, hiệu quả. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn những điểm chưa thật sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền …

Để khắc phục những hạn chế nói trên nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo Nhà nước không có mục đích nào khác là nhằm phát huy tối đa dân chủ. Thực tiễn khẳng định: Buông lỏng có sự lãnh đạo của Đảng thì quyền lực nhà nước sẽ bị biến dạng, biến chất… Nhưng Đảng lãnh đạo không có nghĩa là áp đặt, ra lệnh, bao biện làm thay công việc của Nhà nước.

Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng quan điểm, đường lối chính trị và cầm quyền lãnh đạo bằng pháp luật: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền”. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện thông qua bộ máy nhà nước, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội của nhân dân; luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ quyển con người. Đảng giải quyết đúng đắn quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, phân định rõ chức năng của Đảng và Nhà nước để vừa phát huy vai trò lãnh đạo vừa tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên cả phương diện chính trị và pháp lý; đồng bộ cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là không ngừng thực hiện và mở rộng dân chủ.

Để khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng xác định: “Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Vì vậy, phải đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Chú trọng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phân định rõ chức năng của các cơ quan nhà nước, nhất là ở Trung ương, giảm bớt sự chồng chéo.

Hoàn thiện tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; trong đó, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước được coi trọng; khẳng định sự thống nhất của quyền lực nhà nước trong phân công, phối hợp, kiểm soát các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là dối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyển hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Xác định đúng vị trí, chức năng, thẩm quyền của từng cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp trong mối liên hệ với khâu trung tâm là xét xử theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dân chủ, minh bạch, theo tinh thần độc lập, khách quan, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư… Trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, “Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức”. Đảng bố trí cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền các cấp, qua đó giữ vững sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài cùng với thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức là đảng viên và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm pháp luật.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị./.

TRUNG THÀNH




Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37043440