Truy cập hiện tại

Đang có 185 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Nữ hộ sinh nhiệt huyết với nghề

(TGAG)- Trải qua hơn 28 năm gắn bó với nghề, chị Lê Thị Diễm Trang luôn là một cán bộ y tế năng nổ, đầy nhiệt huyết, với vai trò của một nữ hộ sinh phụ trách chăm sóc sức khỏe sinh sản và công tác tiêm chủng. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao để chăm sóc tốt sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em trên địa bàn xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới.

Có dịp gặp và trò chuyện với chị Diễm Trang, chúng tôi được nghe chị kể về cơ duyên gắn bó với nghề, với Trạm, với những khó khăn và đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Trung cấp hộ sinh, chị Diễm Trang từ cô gái sinh ra và lớn lên ở phố (phường Bình Đức, thị xã Long Xuyên này là phường Bình Khánh, TP Long Xuyên) về công tác tại Trạm y tế xã Hòa Bình, nơi vẫn còn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, không điện, không nước máy, đường xá đi lại khó khăn…

Nhưng với tâm huyết cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp, của địa phương, chị bắt tay vào trang bị, chuẩn bị lại phòng ốc, vật chất cho đúng quy cách yêu cầu của công tác sản khoa. Với lòng nhiệt huyết của người thầy thuốc trẻ không ngại khó khăn từ khi bắt đầu nhận công tác, chị Diễm Trang luôn tận tình chăm sóc cho các chị em phụ nữ mang thai, tư vấn hướng dẫn các chị em cần thực hiện về kế hoạch hóa gia đình và đỡ đẻ cho các chị em phụ nữ nghèo trong địa bàn, luôn coi sản phụ như người thân của mình.

Nhờ đó kịp thời cấp cứu đối với những trường hợp khẩn cấp và góp phần vào công tác chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân tại tuyến cơ sở trong điều kiện thiếu thốn, chính tay chị đã đỡ đẻ cho nhiều bà mẹ, nhiều em bé được chào đời khỏe mạnh tại Trạm y tế. Sau một năm hợp đồng công tác tại Trạm y tế xã, dù có điều kiện được chuyển về Long Xuyên nhưng chị đã quyết định ở lại gắn bó với nơi này cho đến nay.

Nói về những kỷ niệm khó quên trong gần 30 năm công tác chị kể lại: “Có một lần đó cấp cứu em bé sinh ra bị ngạt theo kiểu dây rốn quấn cổ, đến nỗi phải dùng đèn dầu đốt hai ba cái đút ở dưới bàn để cho có nhiệt độ nóng lên tại đâu có điện, rồi phải nhờ các anh y sĩ hút nhớt tiếp, rồi xử lý thuốc cấp cứu, cấp cứu gần 30 phút bé mới thở được, xong xuôi mình mới kêu người nhà trùm em bé qua tới bệnh viện. Nói về em bé cấp cứu ca đó trong đời mấy anh y sĩ phải nói là tiếp tay giống như để giành giật mạng sống, nếu mà mình không duy trì kéo dài hai ba chục phút, là kể không cứu được, mà cố gắng tại vì mình thấy vẫn còn sự sống, bây giờ là nó được hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi rồi”.

Năm 2006, do Trạm thiếu cán bộ chị Diễm Trang phụ trách thêm công tác tiêm chủng, nhận thêm công việc mới với trách nhiệm nặng nề, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ngoài việc được tập huấn, chị thường xuyên nghiên cứu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp, cùng với cộng tác viên các ấp cập nhật chính xác số trẻ trong diện tiêm chủng, quyết tâm không bỏ sót trẻ và kể cả những trẻ có cha mẹ tạm trú tại địa phương.

Trong quá trình công tác, chị Diễm Trang luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, tận tình trong việc hướng dẫn chăm sóc bà bầu, sức khỏe sinh sản, tư vấn các biện pháp tránh thai, hướng dẫn các bà mẹ nuôi con khỏe… từ đó được đồng nghiệp và bà con yêu mến.

Gắn bó với Trạm y tế và nhân dân xã Hòa Bình qua ngần ấy thời gian công tác, chị Lê Thị Diễm Trang đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp Y tế địa phương và được nhận bằng khen của Bộ Y tế, giấy khen của Sở Y tế.

Nói về nghề y, về công việc của mình, chị vui vẻ nói: “28 năm công tác mình cũng rất bằng lòng bởi vì mình chọn, mình yêu thích nó thì mình sống hết mình vì nghề y, chuyên công tác sản”. Có thể nói chị Diễm Trang là tấm gương sáng về sự tận tâm của những người thầy thuốc đúng như câu “Lương Y phải như từ mẫu”./.

Thùy Dương
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39957173