Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Tự hào về những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Chợ Mới

(TGAG)- Được mệnh danh là chiếc nôi cách mạng của tỉnh An Giang, Chợ Mới nơi sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng trung dũng, kiên cường, quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hưởng. Nữ anh hùng duy nhất, trong số 10 người con của quê hương Chợ Mới được phong tặng danh hiệu cao quý này với thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà Tôn Thị Hương - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới

Cũng trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ở huyện Chợ Mới còn có bà Tôn Thị Hương, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới là 1 trong số những người phụ nữ trung dũng luôn chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, sát cánh cùng đồng đội trước cảnh bom rơi, đạn lạc, chiến đấu cho đến ngày hòa bình lập lại tháng 04/1975 và tham gia cùng chính quyền mới - chính quyền cách mạng để xây dựng lại quê hương. Bà Hương bày tỏ: “Mấy cô mà hồi đó nếu mà không được Đảng, quan tâm thì gãy hết rồi. Không có người nào đậu đâu. Nói chứ mấy anh hồi đó quan tâm, chiếu cố, có khi có con cái, rồi có khi có con rồi gửi gắm, gia đình chồng con. Nói gì thì nói thế hệ nào cũng phải học tập và theo phong cách, đạo đức của Bác. Các cô bây giờ mỗi khi nghe nói về Bác là khóc. Phải học Bác, đối với dân, với phụ nữ tạo điều kiện. Sâu sát với dân với phụ nữ, quan tâm đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ. Khi cách mạng Tháng Tám thành công Bác đã đưa ra cái việc nam, nữ bình quyền rồi!”.

Chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sáu, xã Tấn Mỹ, mẹ kể: nhà có 6 người thì đã có 3 người tham gia kháng chiến chống Mỹ tới ngày giải phóng 30/4. Hai người con lớn của mẹ đã anh dũng hy sinh nằm lại chiến trường, người còn lại cũng mang trong mình nhiều thương tích. Khi được hỏi vì sao biết là để con và chồng tham gia kháng chiến, chuyện sống, chết có thể ngay trước mắt, vậy mà mẹ vẫn cam lòng? Và chỉ duy nhất 1 câu trả lời nhận được ở mẹ: “Biết chứ! Chiến tranh mà! Lúc đó đâu phải như bây giời đâu, bom đạn mà. Phụ nữ ngày xưa gan dạ lắm, không có sợ gì hết, thanh niên cũng vậy, thấy đi ra là phải hy sinh rồi! Mà cũng phải đi. Bởi vì nước non mình bị đè ép, khổ sở quá mà! Cũng mong muốn đi cho hòa bình, độc lập, tự do, mình được hưởng hòa bình sau này.”    

Trong chiến tranh, với phụ nữ Chợ Mới có người phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, chịu những trận đòn “thập tử nhất sinh”, hiện nay vẫn còn thương tật, có người thì đã ngã xuống vì quê hương, vì đất nước. “Tre tàn măng mọc”, lớp trước rước lớp sau. Những người phụ nữ Chợ Mới kiên cường trong kháng chiến ngày nào, nay tiếp tục ra sức bồi dưỡng thế hệ trẻ viết tiếp trang sử truyền thống huyện cù lao anh hùng.



Phụ nữ huyện Chợ Mới đã chung tay làm nên bộ mặt huyện nhà ngày một rạng ngời hơn bằng những hành động thiết thực. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như:

Bác sỹ Đặng Hà Hương, nguyên là Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Chợ Mới. Bà đã thành lập Câu lạc bộ y, bác sỹ Thân Dân ở thị trấn Chợ Mới. Điều đáng trân trọng ở những thành viên này, họ đều là những người sau khi làm tròn bổn phận của người thầy thuốc tại Bệnh viện huyện. Mỗi năm CLB đã khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo, người già yếu, neo đơn. Bác sỹ Đặng Hà Hương chia sẻ: “Tôi sinh hoạt ở chi bộ ấp Thị 1, có ý tưởng rằng mình có tay nghề về việc chăm sóc sức khỏe, do đó định thành lập CLB khám cho những người ở chi bộ. Sau đó, được nhân rộng ra cho ấp Thị 1, đầu tiên làm nhỏ lẻ, một ít tiền và một số mạnh thường quân đóng góp thực hiện. Sau khi làm 5 - 7 tháng thấy bệnh ngày càng đông, chẳng những trong ấp mà còn trong toàn thị trấn Chợ Mới và qua đó cũng đi khám các xã, hình thành từ năm 2016 đến nay Câu lạc bộ ngày càng lớn rộng”.

Cô Lê Thị Lệ Hồng, giáo viên Trường Tiểu học A thị trấn Chợ Mới, người có trên 10 năm giữ vững danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cùng nhiều bằng khen và giấy khen các cấp trao tặng vì sự nghiệp giáo dục. Tháng 6/2017 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú với hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục. Cô Lệ Hồng tâm sự: “Mình muốn thành công trong việc giảng dạy, thu hút học sinh, thứ nhất mình phải bình tĩnh, hòa đồng. Đối với các em nghịch, mình cứ bình thường đi, đừng cáu gắt lên, trẻ con mà, lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Mình đã yêu nghề, mến trẻ thì phải đeo hoài, tìm hiểu hoài, đến khi nào thành công thôi.”        



Phụ nữ Chợ Mới thời chiến thì anh hùng bất khuất, thời bình lại vững bước cùng xây dựng quê hương trên mọi lĩnh vực từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương: như Công ty TNHH MTV mỹ phẩm Mỹ Hạnh, do chị Lê Thị Lành làm chủ đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh mang về nguồn lợi kinh tế cho bản thân, gia đình, đóng góp cho sự phát triển chung với địa phương. Chị còn là một trong những người thường xuyên đồng hành với Hội LHPN huyện trong các hoạt động xã hội từ thiện, từ phát quà, trao học bỗng cho người nghèo, học sinh khó khăn, xây cầu, làm đường, khám bệnh từ thiện,… mỗi năm vài trăm triệu đồng.    
    
Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Chợ Mới nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước. Tiếp nối truyền thống của các lớp thế hệ phụ nữ đi trước, chị em luôn nỗ lực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, xây dựng hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng 4 đức tính tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.    

Kiều Tiên - Hải Đăng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39956097