Truy cập hiện tại

Đang có 272 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 -“Cương lĩnh văn hóa” đầu tiên của Đảng

(TGAG)- Trong đời sống của một xã hội, bên cạnh kinh tế thì văn hóa và chính trị đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử, không khó để nhận ra rằng những tư tưởng và hoạt động văn hóa luôn song hành cùng mọi biến thiên của xã hội. Văn hóa đi trước để dọn đường, đi cùng để tập hợp để hiệu triệu và đi sau để hoàn tất các cuộc cách mạng xã hội.

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của văn hóa. Điều này thể hiện rõ ở việc ngay sau hội nghị lịch sử họp bàn công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân do Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức (từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943). Trước bộn bề các công việc cấp bách cần gấp rút chuẩn bị, Tổng Bí thư Trường Chinh lại bắt tay ngay vào việc soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Điều đó không chỉ nói lên tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa đối với chính trị, đối với xã hội mà nó còn khẳng định sự sáng suốt, tài tình của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được trình bày trong 5 phần: Phần I: Cách đặt vấn đề; Phần II: Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Phần III: Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Phần IV: Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam và Phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa mác xít Việt Nam. Tuy ngắn gọn nhưng Đề cương đã trình bày một cách hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến. Đây vừa là kết quả của tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo trên mặt trận văn hóa từ khi Đảng ta ra đời, vừa là đỉnh cao trí tuệ, là sự nhận thức sắc bén về tình hình, là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ của văn hóa; là sức mạnh tinh thần vĩ đại mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang cần. Đề cương xác định nội hàm chủ yếu của văn hóa bao gồm: Tư tưởng, Học thuật và Nghệ thuật. Xác định văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), nêu bật những quan điểm tư tưởng chỉ đạo cách mạng văn hóa ở Việt Nam, đó là phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Đề cương cũng làm rõ mục tiêu trước mắt là xây dựng nền văn hóa mới với hai tính chất dân tộc và dân chủ.

Những quan điểm, tư tưởng cơ bản nêu trong Đề cương có sức thuyết phục sâu sắc và là ngọn cờ tập hợp đông đảo tầng lớp trí thức Việt Nam vào cuộc vận động văn hóa, vào cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng văn hóa cho mỗi người, mỗi tầng lớp, giai cấp và toàn dân tộc. Với ba phương châm: Dân tộc, khoa học và đại chúng, bản đề cương văn hóa đã nhanh chóng tác động, thu hút đông đảo giới trí thức, văn nghệ sĩ. Cuốn họ vào dòng chảy đất nước, sát cánh với người dân, có mặt trên tất cả mặt trận sản xuất, chiến đấu, khoa học, giáo dục... nhờ đó hàng loạt tác phẩm, thành tựu văn hóa mới đã ra đời trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ động viên quần chúng nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hòa trong không khí hân hoan của đất nước mừng 88 năm thành lập Đảng, mừng xuân mới Mậu Tuất 2018, cũng là dịp Đảng ta, Nhân dân ta kỷ niệm 75 năm ra đời của Bản đề cương Văn hóa Việt Nam (1943). 75 năm đã đi qua nhưng những thành tựu to lớn, những quan điểm sâu sắc, những bài học thực tiễn mà bản Đề cương mang lại đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phấn đấu đưa đất nước tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển. Trong những giai đoạn về sau, Đảng cũng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về văn hóa, tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hay Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Mỗi một Nghị quyết ban hành thể hiện bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về ý nghĩa, vai trò, nội hàm, cũng như chức năng nhiệm vụ của văn hóa với đời sống xã hội. Từ đó đề ra các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tính chất và xu thế phát triển trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo trong bản đề cương văn hóa năm 1943 vẫn là những giá trị cốt lõi, luôn được kế thừa, vận dụng và phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay, xu thế hội nhập toàn cầu hóa, cùng với sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin làm cho việc bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc hứng chịu nhiều áp lực và thách thức. Sự giao thoa với bên ngoài trong quá trình hội nhập; sự chống phá của các thế lực thù địch; mặt trái của kinh tế thị trường là những nguyên nhân khách quan xói mòn, làm mất đi nhiều giá trị truyền thống. Về mặt chủ quan còn không ít cấp ủy, chính quyền quá chú trọng tới phát triển kinh tế mà quên đi việc chăm lo bảo tồn gìn giữ và phát triển văn hóa; một bộ phận dân cư trong xã hội chạy theo lợi ích vật chất, sa ngã, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống... là những nguyên nhân trực tiếp làm cho đạo đức xã hội có những mặt xuống cấp, một số giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có nguy cơ mai một, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh và diễn biến phức tạp v.v... là mầm mống gây nên bất ổn xã hội, cản trở phát triển.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi”! Không chỉ dừng lại ở nghĩa định hình những giá trị bản sắc riêng có của cộng đồng của quốc gia dân tộc, mà trong xu thế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, văn hóa đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực, là lợi thế so sánh, là tiềm năng, là “vốn liếng” quan trọng nhất cho phát triển. Bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị! Văn hóa cần phải được hiểu, được quan tâm chú trọng đúng với vị thế, vai trò và bản chất vốn có! Bản đề cương văn hóa Việt Nam đã chứng minh cho một chân lý là: cho dù là ai, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, để thành công luôn phải bắt đầu từ văn hóa!

NGUYỄN MẠNH HÀ

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40454080