Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch
Quản lý văn hóa và văn hóa quản lý đối với lễ hội cổ truyền ở Việt Nam hiện nay
- Được đăng: Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 10:05
- Lượt xem: 3500
Là loại hình văn hóa tiêu biểu nhất trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam, lễ hội mang tính tổng hợp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Hiện nay, việc xây dựng mô hình quản lý lễ hội cho phù hợp vẫn là một vấn đề còn tranh luận. Làm thế nào để xây dựng những mô hình quản lý, tổ chức lễ hội chuẩn mực nhằm phát huy được tính tích cực của lễ hội dân gian ở Việt Nam và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa trong hoạt động lễ hội hiện tại và lâu dài?
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tới cuối năm 2011, cả nước có 7.966 lễ hội, (trong đó có 7.039 lễ hội dân gian/lễ hội cổ truyền), 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, (544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác), được thực hành hằng năm tại hầu khắp 63 tỉnh, thành phố, trong đó mật độ đậm đặc nhất là vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ, theo các cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau. Với các di tích - lễ hội đón nhận hằng năm từ một triệu lượt khách hành hương trở lên, có thể kể đến các lễ hội Yên Tử, chùa Hương, đền Hùng, đền bà Chúa Xứ, chùa bà Thiên Hậu, Chùa Bái Đính. Với các di tích - lễ hội đón hàng trăm nghìn lượt khách trở lên, có thể kể đến các lễ hội đền Trần, Phủ Dầy, Côn Sơn - Kiếp Bạc, hội Lim... Ngoài ra (chiếm đa số) là các lễ hội thuộc phạm vi thôn/làng, mang tính tự quản của đại diện các dòng họ, cùng đại diện cộng đồng làng/xã (liên làng) và (thường có sự tham gia) của chính quyền sở tại (xã, phường, thị trấn). Từ “điểm nóng” trong sinh hoạt xã hội cộng đồng này (chủ yếu là các lễ hội lớn), nhìn vào không gian văn hóa lễ hội tại bất kỳ vùng - miền nào, cũng có thể nhận thấy, bên cạnh sự phục hồi tích cực của các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian cùng những giá trị văn hóa phi vật thể có tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt xã hội cộng đồng hiện tại, vẫn còn không ít những sự kiện, hiện tượng bất cập, mang tính phản văn hóa của những hành vi/hành động nhuốm màu mê tín dị đoan (xóc thẻ, bói toán, tung tin thần bí, bịa đặt tín ngưỡng,...), thương mại hóa hoạt động nghi lễ (dịch vụ vàng mã, khấn thuê, đánh bài ăn tiền,...), bất minh hoặc quản lý lỏng lẻo di tích, lễ hội (biển lận tiền công đức, mờ ám trong tài chính, đưa người thân vào hoạt động dịch vụ tư nhân,...), hủy hoại môi trường sinh thái (xả rác bừa bãi, thay đổi cảnh quan, lấn chiếm đất đai di tích,...), gây mất an ninh trật tự (đánh nhau, trộm cắp, lừa đảo,...). Xuất phát từ thực trạng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng - tâm linh, những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng trăm bài báo, công trình khoa học, hàng chục cuộc hội thảo từ cấp quốc gia đến địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến sự hiện tồn các hiện tượng tiêu cực trong không gian các di tích văn hóa tín ngưỡng và lễ hội tại các địa phương. Tựu trung, từ các nghiên cứu và phản biện văn hóa đó, có thể nhận thấy, mọi phân tích, đánh giá đều chủ yếu hướng đến hai phía hợp thành chủ thể cho một lễ hội: Đó là đội ngũ các nhà quản lý, tổ chức và người dân sở tại cũng như khách hành hương. Không phải ngẫu nhiên mà khoảng chục năm qua, nhiều cuộc hội thảo khoa học cấp Trung ương, cấp địa phương (tỉnh - thành, huyện - thị) đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng lễ hội ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề quản lý, tổ chức và vận hành lễ hội, những mong tìm ra quy luật vận hành và phát triển tích cực của loại hình văn hóa dân gian này, phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại và lâu dài. Chính vì thế, mục tiêu mà giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn hướng đến đã đồng thuận với các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa và gần đây nhất là Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị và Công điện số 162/CĐ-TTg, ngày 9-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, làm cho các lễ hội được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm an ninh trật tự, gìn giữ cảnh quan môi trường...
Cũng từ hiện trạng của không gian văn hóa lễ hội đa dạng và phức tạp lâu nay, một số câu hỏi được đặt ra, như những vấn đề nào đã và đang được đặt ra trong quá trình quản lý văn hóa? Việc quan tâm đến văn hóa quản lý được thể hiện như thế nào trong quá trình ứng xử với môi trường sinh hoạt văn hóa sôi động, đa dạng và phức tạp tại các không gian văn hóa lễ hội ở các địa phương? Khả năng xây dựng những tiêu chí về văn hóa quản lý song hành với việc xây dựng những mô hình quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống chuẩn mực, khả dĩ mang tính phổ biến để ứng dụng khả thi cho quá trình “tồn tại và phát triển bền vững” hàng nghìn lễ hội dân gian ở Việt Nam, phát huy được mặt tích cực và xử lý triệt để những tiêu cực, phản văn hóa trong hoạt động lễ hội hiện tại và lâu dài?
Khái niệm “quản lý văn hóa” trong xã hội hiện đại được hiểu là công việc của nhà nước, được thực hiện thông qua việc ban hành quy chế, chính sách, tổ chức triển khai, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước. Nhìn vào thực tiễn, không khó để nhận thấy, quản lý văn hóa còn được hiểu là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức, phương pháp của chủ thể quản lý (các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự, các cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (mọi thành phần/thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu mong muốn (bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, cải thiện chất lượng sống của người dân...).
Để góp phần tìm ra các giải pháp khả thi đối với những vấn đề thiết thực trên đây, qua quá trình điền dã và nghiên cứu (trong khoảng chục năm qua), chúng tôi bước đầu đi sâu khảo sát thực trạng hoạt động quản lý văn hóa tại một số di tích và địa phương tổ chức lễ hội mang tính phổ biến/đại diện, hiện hữu trong không gian văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, khả dĩ cho phép nhận diện một số vấn đề (cả lý luận lẫn thực tiễn) liên quan đến công tác quản lý văn hóa và văn hóa quản lý đã và đang đặt ra ở Việt Nam lâu nay.
Khảo sát hệ thống di tích - lễ hội dân gian tại vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ (và ở mức độ nào đó, mang tính tương đồng trên phạm vi cả nước), có thể nhận diện một số dạng (mô hình) tổ chức bộ máy quản lý đã và đang được vận hành tại các địa phương:
- Trung tâm quản lý di tích (và danh thắng) - lễ hội;
- Ban quản lý di tích - lễ hội (có thể đã bao gồm ban khánh tiết);
- Ban khánh tiết đảm trách quản lý, tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội;
- Thủ nhang kết hợp với đại diện các dòng họ đứng ra thành lập ban tổ chức lễ hội (đảm trách mọi khâu chuẩn bị, điều hành trong kỳ lễ hội) tại làng/thôn;
- Ban tổ chức do chủ sở hữu là tư nhân (gia đình) thành lập (với sự tham gia của người thân, thuê mướn người ngoài hoặc do quan hệ xã hội tùy theo nhu cầu công việc).
Tại không ít địa phương, ban khánh tiết lại nằm trong nguồn nhân lực của ban quản lý di tích - lễ hội hoặc do dân làng lựa chọn theo tiêu chí nhất định, qua mỗi kỳ thực hành lễ hội. Nhưng nói chung, trường hợp chỉ thành lập ban khánh tiết, thường hiện hữu ở những di tích - lễ hội nhỏ, thuộc phạm vi một làng, có tổ chức hội làng thường niên, di tích thường chưa được xếp hạng.
Về tổ chức quản lý, có thể khái quát theo 4 cấp độ quản lý - tổ chức lễ hội:
- Cấp độ quản lý, tổ chức (các trung tâm hoặc ban quản lý) do các cấp chính quyền thành lập;
- Cấp độ quản lý, tổ chức (các ban quản lý di tích - lễ hội) mang tính kết hợp giữa chính quyền (cấp xã, phường, thị trấn) và cộng đồng (làng hoặc liên làng) thống nhất xác lập và lựa chọn nhân sự;
- Cấp độ quản lý, tổ chức do cộng đồng làng/thôn tự chọn lựa/bầu theo tiêu chí riêng;
- Cấp độ quản lý, tổ chức do tư nhân tự thành lập, điều hành (có thể phối kết hợp ở mức độ nhất định, tùy theo thời điểm nhất định với chính quyền sở tại).
Nhìn nhận một cách kết hợp giữa các dạng/ mô hình và cấp độ quản lý - tổ chức lễ hội được khái lược trên đây, soi vào thực tiễn, có thể bước đầu đánh giá được, về cơ bản, những khía cạnh mang tính tích cực cùng những bất cập, hạn chế của từng khuôn dạng tổ chức - quản lý di tích, lễ hội trong không gian văn hóa đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.
Chỉ cần dừng lại để xem xét bước đầu sự bất cập trong mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do các cấp chính quyền xác lập, thông qua những tư liệu về thực trạng thu nhận được, liên quan đến vấn đề xây dựng kịch bản và chỉ đạo diễn trình lễ hội mang tính đại diện ngẫu nhiên, có thể nhận ra không ít vấn đề cần trao đổi.
Trước hết, có thể nhận thấy rằng, cho đến nay, đứng về phương diện quản lý nhà nước trong phạm vi hoạt động văn hóa, gần như toàn bộ hệ thống lễ hội dân gian tại các địa phương (trừ các di tích - lễ hội lớn, cấp quốc gia hoặc cấp đặc biệt) đều được đặt dưới sự chỉ đạo, giám sát, điều hành trực tiếp của các phòng văn hóa thể thao cấp huyện/thị xã hoặc dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội do chủ tịch xã/phường làm trưởng ban. Những di tích - lễ hội có phạm vi và mức độ hoạt động tương đối lớn, lượng người tham gia đông, thường thành lập các trung tâm quản lý di tích văn hóa (cấp hàm tương đương với phòng văn hóa thể thao huyện hoặc thị xã; nếu ở phạm vi lớn/đặc biệt, hàm tương đương với cấp sở văn hóa, thể thao và du lịch), do cấp tỉnh hoặc thành phố ra quyết định. Thực tế cho thấy, trước khi lễ hội diễn ra, các cấp quản lý này thường/luôn là nơi xây dựng “kịch bản lễ hội” hoặc trực tiếp duyệt kịch bản từ các làng/xã gửi tới. Cũng bởi vậy, ở khá nhiều trường hợp, kịch bản của một lễ hội tại làng/xã lại chính là sản phẩm của nhà quản lý văn hóa các huyện hoặc của các trung tâm quản lý di tích, chính quyền sở tại. Từ đó, có nguy cơ dẫn đến sự áp đặt cho cộng đồng những “kịch bản” mang tính phi truyền thống và thiếu tính khoa học. Và do vậy, không ít lễ hội đã biến tướng thành những cuộc mít tinh, kỷ niệm dưới sự phù trợ của hình thức rước kiệu và biểu diễn/diễn xướng cùng trò chơi dân gian, đa phần người dân (trừ một số lượng nhất định “được chọn” làm những “diễn viên” do ban tổ chức căn cứ theo kịch bản mà phân bổ, lựa chọn và hướng dẫn triển khai) trở thành khán giả, với vị thế của người ngoài cuộc!
Xin nêu dẫn chứng.
Quần thể di tích đền Sóc thuộc địa phận thôn/làng Vệ Linh, (thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) vốn/nguyên là nơi thờ thần núi, từ sau thế kỷ X trở thành nơi phụng thờ Thánh Gióng, thờ Mẫu Thượng ngàn và thờ Phật, do người dân Vệ Linh qua ngàn đời kế tiếp nhau trông coi, phụng thờ. Hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng giêng âm lịch, lễ hội Gióng lại được tổ chức, với sự tham gia của 72 làng quanh vùng (theo lời khắc trên tấm bia tám mặt hiện lưu tại đền), tạo ra một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Từ năm 1945 đến nay, việc hương khói vẫn do người dân Vệ Linh đảm trách, nhưng tham gia thực hành trong kỳ lễ hội chỉ co lại ở sự tham gia của 8 làng/thôn thuộc 6 xã trong huyện. Từ tháng 1-2004, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định thành lập Trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa Sóc Sơn, trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, đóng tại khuôn viên đền Sóc, có trách nhiệm quản lý đền Sóc và di tích phụ cận, hằng năm đứng ra tổ chức lễ hội truyền thống đền Sóc - nơi tôn vinh Thánh Gióng, người anh hùng chống ngoại xâm. Song hành với việc thực thi theo nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của một Trung tâm tổ chức, quản lý di tích - lễ hội, việc đầu tư quy hoạch, phục dựng, tôn tạo di tích đã được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng xác lập, triển khai. Chính vì vậy, cũng từ năm 2004, vai trò chủ thể trong việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội của cộng đồng Vệ Linh và 7 làng/thôn khác đã dần chuyển sang vị thế của lực lượng thực hành tín ngưỡng và lễ hội theo yêu cầu, quy chế và kịch bản của lãnh đạo Trung tâm (do chính quyền lập ra). Theo mô hình tổ chức này, mọi hoạt động tại quần thể di tích đền Sóc gần chục năm qua, vì thế đã bị hành chính hóa. Các thành viên của Trung tâm đã đứng ra quản lý toàn bộ nguồn công đức, tổ chức hệ thống các dịch vụ và tự quyết việc thu chi tài chính. Và đương nhiên, cộng đồng người dân Vệ Linh cũng như các làng xã liên quan đến di tích này dần dần trở thành khách thể, chỉ thực sự tham gia thực hành lễ hội hằng năm theo sự phân công công việc của đội ngũ điều hành Trung tâm. Cũng do vậy, từ vị thế những người làm chủ, được hưởng lợi (cả về vật chất lẫn tinh thần) từ quần thể di tích - lễ hội do các thế hệ tiền nhân trong cộng đồng sáng tạo ra, người dân “chuyển vai” thành những “diễn viên một buổi”, thụ hưởng thù lao (tượng trưng) theo công việc được phân công qua mỗi kỳ lễ hội người dân của 8 làng/thôn được yêu cầu tham gia rước lễ dần dần mang tâm lý miễn cưỡng, cảm nhận sự “giải thiêng” trong lễ hội truyền thống quê mình. Sự am hiểu về di tích, lễ hội của nhiều bậc cao niên của các làng không được phát huy. Sự trao truyền di sản qua các thế hệ vì thế đã sút giảm nghiêm trọng. Và cạnh đó, bộ máy quản lý cùng cán bộ nghiệp vụ của Phòng Văn hóa - Thể thao huyện cũng trở thành người ngoài cuộc. Trong khi đó, các nhân viên của Trung tâm chỉ tập trung vào công việc sự vụ, hành chính tại di tích, năng lực nghiệp vụ và sự hiểu biết về di sản nơi đây còn hạn chế. Điều đó dẫn đến những thiếu hụt cơ bản trong việc quảng bá, giới thiệu di sản cho khách hành hương, vô tình góp phần ngáng trở kế hoạch phát triển du lịch bền vững của địa phương. Thực trạng của mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do chính quyền xác lập như đang hiện diện tại Sóc Sơn đã và đang đặt ra những dự báo bất cập cho sự tồn tại của di sản, đặc biệt đây lại là một trong những trung tâm hợp thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” do UNESCO công nhận vào năm 2010.
Từ một dẫn chứng (mang tính đại diện) được nêu ra qua việc xem xét mô hình quản lý, tổ chức tại di tích - lễ hội truyền thống dân gian trên đây, do các trung tâm quản lý di tích hoặc ban quản lý di tích/ ban tổ chức lễ hội ở các địa phương, được các cấp chính quyền nhà nước thành lập đứng ra chỉ đạo, thực thi hành hội, dừng ở phạm vi xác lập kịch bản hội, tổ chức diễn trình lễ hội, có thể nhận thấy, bên cạnh những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ các nhà quản lý văn hóa, còn là việc nhận thức một cách đúng đắn về vấn đề “văn hóa quản lý” của chính những bộ máy đảm trách nhiệm vụ điều hành, thực thi công tác xây dựng và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở các địa phương.
Những năm gần đây, có một số tỉnh, thành đã có những sáng tạo thay đổi “tư duy”, thể hiện nét văn hóa quản lý trong quá trình tham gia tổ chức, điều hành hoạt động sinh hoạt lễ hội ở địa phương mình, vừa được cộng đồng ủng hộ, vừa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Thực hành một lễ hội tiêu biểu tại thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) trong mùa lễ hội năm Ất Mùi 2015 là một ví dụ. Đó là lễ hội tri ân anh hùng dân tộc Trương Định. Chủ thể điện thờ là Trương Định, một nhân vật lịch sử, vì có công với dân với nước nên đã được người dân Gò Công nói riêng và người dân khắp vùng Nam Bộ nói chung tôn vinh, thiêng hóa để trở thành nhân vật được tri ân, tôn kính thông qua sinh hoạt lễ hội hằng năm tại nhiều làng/xã. Tại hai trung tâm thực hành lễ hội này (phường 1, thị xã Gò Công và Ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông), cộng đồng cùng chính quyền sở tại đã đồng thuận, dành ngày đầu tiên của lễ hội (ngày 19-8) cho người dân trực tiếp điều hành, thực hành, hưởng thụ những nhu cầu văn hóa - tâm linh của mình. Mọi hình thức sinh hoạt nghi lễ, hội hè truyền thống của cộng đồng đã được thực hành theo ý nguyện của người dân gần xa. Ngày sau đó (ngày 20-8), các hình thức thực hành nghi lễ và tưởng niệm anh hùng Trương Định được dành cho chính quyền các cấp và quan khách tứ phương. Hàng loạt nghi thức dâng hương, dâng lễ của cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ, các ban, ngành địa phương đã diễn ra trang trọng, dưới sự quan chiêm, hưởng ứng của cộng đồng. Sự kết hợp giữa công tác quản lý văn hóa và cung cách ứng xử theo văn hóa quản lý đó đã tạo ra mối quan hệ hòa đồng giữa cộng đồng dân chúng và đội ngũ thực thi nhiệm vụ văn hóa - chính trị do Nhà nước giao phó. Có thể nói, “mô hình” tổ chức lễ hội như đã được nhận diện ở Tiền Giang nên được coi là một hình thức “sáng tạo truyền thống trong đương đại” phù hợp, đáp ứng nhu cầu vận hành lễ hội truyền thống của làng/xã trong điều kiện lịch sử xã hội hiện nay ở Việt Nam.
Từ những vấn đề đã và đang đặt ra đối với việc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý văn hóa với văn hóa quản lý trong phạm vi lễ hội cổ truyền ở Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số nhận thức sau đây:
Thứ nhất, để tổ chức và quản lý tốt việc phục dựng một lễ hội truyền thống tại bất kỳ địa phương nào, cần phải thống nhất quan điểm, rằng: Lễ hội dân gian, trong bất kỳ điều kiện xã hội và hoàn cảnh lịch sử nào, đều là sản phẩm sáng tạo văn hóa chung của cộng đồng, gắn chặt với di tích văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Sản phẩm văn hóa đó, trên tiến trình lịch sử, luôn là nơi gửi gắm/thể hiện quan điểm nhận thức, đánh giá lịch sử - xã hội, là niềm tin thiêng liêng, sự tôn vinh một khuôn mẫu cũng như nguyện vọng của cộng đồng thông qua chủ thể được phụng thờ và diễn xướng, là quan niệm thẩm mỹ và ý thức để giáo dục con cháu đời sau tiếp nhận, lưu truyền những giá trị văn hóa được thế hệ tiền nhân sáng tạo nên. Lễ hội cổ truyền/ truyền thống tại địa phương (làng, liên làng) vì thế luôn là đỉnh cao, điểm nóng của một mô thức văn hóa do cộng đồng nhất định làm chủ nhân sở hữu, thực hành và hưởng thụ những giá trị tinh thần được gửi gắm trong đó. “Sân khấu” lễ hội là “sân khấu” dân gian, ôm trùm toàn bộ không gian văn hóa di tích tín ngưỡng, trong đó người dân vừa là tác giả kịch bản, vừa là diễn viên và người thưởng thức. Chính vì thế, lễ hội dân gian trước hết phải được trả/giao cho cộng đồng, do cộng đồng làm chủ, bảo vệ, trao truyền qua các thế hệ. Nhà nước (với đại diện là chính quyền các cấp) thực sự chỉ là “người bảo trợ”, hỗ trợ về kinh phí (nếu có), an ninh, động viên, khích lệ cộng đồng tự bảo tồn các sáng tạo văn hóa của mình. Xuyên suốt hàng nghìn năm, nhà nước của các triều đại phong kiến (ở cấp độ và mức độ nhất định) đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, quan tâm giao công điền, công thổ cho dân có kinh phí thờ phụng, tế lễ và tổ chức lễ hội, ban sắc phong để khẳng định giá trị, tính thiêng các chủ điện thờ, ra các điều luật để bảo tồn di tích tín ngưỡng... Trong hoạt động nghi lễ, lễ hội làng/xã thông thường, các quan chức từ cấp hàng tổng đến triều đình không khi nào trực tiếp can dự, chi phối hoặc cưỡng ép thực hành nghi lễ, diễn xướng tại các lễ hội cổ truyền làng/xã.
Thứ hai, đối với việc phục dựng một lễ hội truyền thống, việc xây dựng kịch bản là cần thiết cho quá trình tổ chức, điều hành. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, kịch bản lễ hội truyền thống dân gian không phải là thứ “kịch bản” sân khấu hiện đại, kịch bản phục vụ cho việc tổ chức sự kiện văn hóa, mang yếu tố sáng tạo chủ quan của cá nhân. Lễ hội dân gian không phải/không nên là cuộc hành hội phục vụ một lễ kỷ niệm, mít tinh trong dân chúng, dưới sự điều hành, chỉ đạo của bộ máy công quyền. Đó thực chất chính là một thứ sản phẩm văn hóa mang tính tổng hợp, được cộng đồng chắt lọc, sáng tạo, bồi đắp, chỉnh sửa, trao truyền trong suốt tiến trình lịch sử dựng làng/nước và giữ làng/nước, làm ăn và sáng tạo văn hóa, gửi gắm ý thức về lịch sử, xã hội, tâm thức tôn vinh các nhân vật được phụng thờ, thông qua hàng loạt biểu tượng/hệ biểu tượng văn hóa và mang tính lịch sử nhất định. Do vậy, để có được một “kịch bản” lễ hội truyền thống, nhất thiết phải có sự nghiên cứu, chắt lọc từ ít nhất 3 nguồn tư liệu chính: 1- Nguồn tư liệu từ truyền thuyết dân gian, các thần tích, văn bia, sắc phong; 2- Nguồn tư liệu từ các nhà nghiên cứu đi trước, ghi chép từ quá trình tham dự trong quá khứ; 3- Nguồn tư liệu hồi cố từ các bậc cao niên trong cộng đồng. Người biên soạn “kịch bản” trước hết phải có ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng sáng tạo văn hóa trong cộng đồng, không thể và không nên gán ghép các sự kiện, nhân vật hiện đại vào diễn trình văn hóa trong lễ hội, không gán ghép các sự kiện, nhân vật vào chung cuộc hành hội một cách tùy tiện, phi khoa học, phá vỡ giá trị văn hóa - lịch sử vốn có của di sản văn hóa do cộng đồng hun đúc nên.
Thứ ba, với sự hiện diện của các trung tâm quản lý di tích - lễ hội hoặc các ban quản lý di tích/ ban tổ chức lễ hội do chính quyền lập ra, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong các khâu tổ chức hoạt động sự vụ, hành chính, tập trung bảo đảm an ninh di tích, an ninh cộng đồng, hỗ trợ các khâu tổ chức mang tính sự vụ mỗi khi tiến hành lễ hội dân gian tại một địa phương nhất định. Trong mô hình quản lý văn hóa do Nhà nước (đại diện là các cấp chính quyền) thành lập, điều hành đã và đang lộ rõ không ít vấn đề khiếm khuyết (cả về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ và cung cách điều hành, tổ chức lễ hội dân gian ở các địa phương). Giải pháp khả dĩ chính là có sự kết hợp chặt chẽ với đại diện cộng đồng, coi cộng đồng là chủ thể (cả về nhân lực lẫn quyền hạn) trong quá trình tổ chức, điều hành diễn trình thực hành lễ hội, đặc biệt là các lễ hội cần được phục dựng hiện nay.
Thứ tư, các cấp chính quyền đại diện cho Nhà nước không can thiệp sâu vào nội dung thực hành diễn xướng của lễ hội truyền thống. Trong kịch bản lễ hội, không thể (hoặc không nên) dành thời lượng thực hành nghi lễ (dâng hương, dâng lễ, khai ấn,...) cho đại diện chính quyền các cấp. Có như vậy, mới bảo đảm tính toàn vẹn cho sinh hoạt nghi lễ và thực hành diễn xướng của lễ hội dân gian do cộng đồng làm chủ, tính đa dạng văn hóa và bản sắc văn hóa từng địa phương. Nếu trong trường hợp thấy sự hiện diện thực hành nghi lễ của đại diện chính quyền nhà nước là cần thiết, nên tổ chức/bố trí vào thời khắc trước (hoặc sau) khi diễn ra cuộc thực hành nghi lễ của cộng đồng, điều đó vừa bảo đảm được quyền tham gia sinh hoạt tín ngưỡng cho mọi thành phần dân cư một cách dân chủ, vừa tránh được sự phản cảm, ức chế trong tâm lý, ý thức cộng đồng dân chúng. Bộ máy điều hành chính quyền, với chức trách và nhiệm vụ cùng quyền hạn của mình, chỉ nên dừng lại ở phạm vi hỗ trợ kinh phí (nếu cộng đồng có nguyện vọng đề đạt), bảo đảm an ninh trật tự và các biện pháp phục vụ y tế cần thiết hoặc chỉ can thiệp mỗi khi nội tình sinh hoạt lễ hội có biểu hiện tiêu cực (xuyên tạc lịch sử - văn hóa, chống phá Nhà nước, nhân dân, có hành vi phá hoại di sản văn hóa cộng đồng,...).
Thứ năm, thực tế những năm gần đây cho thấy, đã và đang có hiện tượng các nhà doanh nghiệp tại một số địa phương, ở những mức độ khác nhau, tác động không nhỏ đến công việc của các nhà quản lý văn hóa. Ỷ thế vào kinh phí hỗ trợ/tài trợ cho địa phương tu bổ, phục dựng di tích - lễ hội, một số cá nhân đã thể hiện khá rõ sự chi phối trong phục dựng, tu bổ không gian thực hành văn hóa - tín ngưỡng, vượt ngoài tầm quản lý của chính quyền và đội ngũ làm công tác văn hóa địa phương, thậm chí vi phạm Luật Di sản văn hóa, không được cộng đồng chấp thuận. Và do vậy, thứ văn hóa ứng xử với di sản truyền thống như trên, trong đó có lễ hội cổ truyền, đã và đang bị nhuốm màu sắc chủ quan cùng những lợi ích cá nhân, không phù hợp với thiết chế văn hóa xã hội hiện tại.
Nhìn chung, theo nhận thức của chúng tôi, không thể có một mô hình duy nhất, độc tôn trong quản lý di tích văn hóa - lễ hội (về phương diện quản lý), nên chăng chỉ cần xác lập các nguyên tắc hoặc tiêu chí chung, phù hợp với từng loại cấp độ di tích - lễ hội (cấp quốc gia, cấp vùng, cấp làng/xã). Không thể lấy vai trò quản lý của chính quyền hoặc chủ nhân của nguồn kinh phí tài trợ cho quá trình phục dựng, tu bổ không gian thực hành văn hóa để thay đổi diện mạo di tích, áp đặt những “kịch bản” mang tính chủ quan, sân khấu hóa và theo hướng tổ chức - quản lý sự kiện văn hóa hiện đại. Lễ hội truyền thống ở Việt Nam là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa xã hội sinh động, đa dạng, phức tạp và là đối tượng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng, bức xúc, cấp thiết trong đời sống văn hóa xã hội hiện tại cũng như lâu dài. Lễ hội cổ truyền/truyền thống tại các làng/xã (mang tính phổ biến) là sản phẩm văn hóa của chung cộng đồng, việc làm chủ văn hóa, thụ hưởng giá trị văn hóa (cả về vật chất lẫn tinh thần) phải thuộc về cộng đồng chứ không thể thuộc về một “nhóm lợi ích” hoặc cá nhân nào. Hạt nhân của quá trình đoàn kết sáng tạo, thực hành, thụ hưởng và trao truyền văn hóa truyền thống, do vậy, chính là quá trình bảo tồn tính thiêng và sự trung thực, công khai, minh bạch (lựa chọn nhân sự diễn xướng - hành hội, thu - chi tiền công đức, và các dịch vụ khác) theo nhu cầu thẩm định, đồng thuận của cộng đồng. Chính vì thế, để bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội dân gian một cách khoa học, bền vững, phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại và lâu dài, việc quan tâm đến công tác tổ chức, quản lý di tích - lễ hội dân gian, do vậy, phải là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn xã hội, của cả hệ thống thể chế lẫn nhận thức, ý thức và hành động chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Có bảo đảm được sự thống nhất giữa quản lý văn hóa và văn hóa quản lý, chúng ta mới có điều kiện thuận lợi để thực thi tốt nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị hiện tại và lâu dài./.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tới cuối năm 2011, cả nước có 7.966 lễ hội, (trong đó có 7.039 lễ hội dân gian/lễ hội cổ truyền), 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, (544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác), được thực hành hằng năm tại hầu khắp 63 tỉnh, thành phố, trong đó mật độ đậm đặc nhất là vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ, theo các cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau. Với các di tích - lễ hội đón nhận hằng năm từ một triệu lượt khách hành hương trở lên, có thể kể đến các lễ hội Yên Tử, chùa Hương, đền Hùng, đền bà Chúa Xứ, chùa bà Thiên Hậu, Chùa Bái Đính. Với các di tích - lễ hội đón hàng trăm nghìn lượt khách trở lên, có thể kể đến các lễ hội đền Trần, Phủ Dầy, Côn Sơn - Kiếp Bạc, hội Lim... Ngoài ra (chiếm đa số) là các lễ hội thuộc phạm vi thôn/làng, mang tính tự quản của đại diện các dòng họ, cùng đại diện cộng đồng làng/xã (liên làng) và (thường có sự tham gia) của chính quyền sở tại (xã, phường, thị trấn). Từ “điểm nóng” trong sinh hoạt xã hội cộng đồng này (chủ yếu là các lễ hội lớn), nhìn vào không gian văn hóa lễ hội tại bất kỳ vùng - miền nào, cũng có thể nhận thấy, bên cạnh sự phục hồi tích cực của các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian cùng những giá trị văn hóa phi vật thể có tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt xã hội cộng đồng hiện tại, vẫn còn không ít những sự kiện, hiện tượng bất cập, mang tính phản văn hóa của những hành vi/hành động nhuốm màu mê tín dị đoan (xóc thẻ, bói toán, tung tin thần bí, bịa đặt tín ngưỡng,...), thương mại hóa hoạt động nghi lễ (dịch vụ vàng mã, khấn thuê, đánh bài ăn tiền,...), bất minh hoặc quản lý lỏng lẻo di tích, lễ hội (biển lận tiền công đức, mờ ám trong tài chính, đưa người thân vào hoạt động dịch vụ tư nhân,...), hủy hoại môi trường sinh thái (xả rác bừa bãi, thay đổi cảnh quan, lấn chiếm đất đai di tích,...), gây mất an ninh trật tự (đánh nhau, trộm cắp, lừa đảo,...). Xuất phát từ thực trạng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng - tâm linh, những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hàng trăm bài báo, công trình khoa học, hàng chục cuộc hội thảo từ cấp quốc gia đến địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến sự hiện tồn các hiện tượng tiêu cực trong không gian các di tích văn hóa tín ngưỡng và lễ hội tại các địa phương. Tựu trung, từ các nghiên cứu và phản biện văn hóa đó, có thể nhận thấy, mọi phân tích, đánh giá đều chủ yếu hướng đến hai phía hợp thành chủ thể cho một lễ hội: Đó là đội ngũ các nhà quản lý, tổ chức và người dân sở tại cũng như khách hành hương. Không phải ngẫu nhiên mà khoảng chục năm qua, nhiều cuộc hội thảo khoa học cấp Trung ương, cấp địa phương (tỉnh - thành, huyện - thị) đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng lễ hội ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề quản lý, tổ chức và vận hành lễ hội, những mong tìm ra quy luật vận hành và phát triển tích cực của loại hình văn hóa dân gian này, phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại và lâu dài. Chính vì thế, mục tiêu mà giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn hướng đến đã đồng thuận với các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa và gần đây nhất là Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị và Công điện số 162/CĐ-TTg, ngày 9-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, làm cho các lễ hội được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm an ninh trật tự, gìn giữ cảnh quan môi trường...
Cũng từ hiện trạng của không gian văn hóa lễ hội đa dạng và phức tạp lâu nay, một số câu hỏi được đặt ra, như những vấn đề nào đã và đang được đặt ra trong quá trình quản lý văn hóa? Việc quan tâm đến văn hóa quản lý được thể hiện như thế nào trong quá trình ứng xử với môi trường sinh hoạt văn hóa sôi động, đa dạng và phức tạp tại các không gian văn hóa lễ hội ở các địa phương? Khả năng xây dựng những tiêu chí về văn hóa quản lý song hành với việc xây dựng những mô hình quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống chuẩn mực, khả dĩ mang tính phổ biến để ứng dụng khả thi cho quá trình “tồn tại và phát triển bền vững” hàng nghìn lễ hội dân gian ở Việt Nam, phát huy được mặt tích cực và xử lý triệt để những tiêu cực, phản văn hóa trong hoạt động lễ hội hiện tại và lâu dài?
Khái niệm “quản lý văn hóa” trong xã hội hiện đại được hiểu là công việc của nhà nước, được thực hiện thông qua việc ban hành quy chế, chính sách, tổ chức triển khai, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước. Nhìn vào thực tiễn, không khó để nhận thấy, quản lý văn hóa còn được hiểu là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức, phương pháp của chủ thể quản lý (các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự, các cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (mọi thành phần/thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu mong muốn (bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, cải thiện chất lượng sống của người dân...).
Để góp phần tìm ra các giải pháp khả thi đối với những vấn đề thiết thực trên đây, qua quá trình điền dã và nghiên cứu (trong khoảng chục năm qua), chúng tôi bước đầu đi sâu khảo sát thực trạng hoạt động quản lý văn hóa tại một số di tích và địa phương tổ chức lễ hội mang tính phổ biến/đại diện, hiện hữu trong không gian văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, khả dĩ cho phép nhận diện một số vấn đề (cả lý luận lẫn thực tiễn) liên quan đến công tác quản lý văn hóa và văn hóa quản lý đã và đang đặt ra ở Việt Nam lâu nay.
Khảo sát hệ thống di tích - lễ hội dân gian tại vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ (và ở mức độ nào đó, mang tính tương đồng trên phạm vi cả nước), có thể nhận diện một số dạng (mô hình) tổ chức bộ máy quản lý đã và đang được vận hành tại các địa phương:
- Trung tâm quản lý di tích (và danh thắng) - lễ hội;
- Ban quản lý di tích - lễ hội (có thể đã bao gồm ban khánh tiết);
- Ban khánh tiết đảm trách quản lý, tổ chức thực hành nghi lễ và lễ hội;
- Thủ nhang kết hợp với đại diện các dòng họ đứng ra thành lập ban tổ chức lễ hội (đảm trách mọi khâu chuẩn bị, điều hành trong kỳ lễ hội) tại làng/thôn;
- Ban tổ chức do chủ sở hữu là tư nhân (gia đình) thành lập (với sự tham gia của người thân, thuê mướn người ngoài hoặc do quan hệ xã hội tùy theo nhu cầu công việc).
Tại không ít địa phương, ban khánh tiết lại nằm trong nguồn nhân lực của ban quản lý di tích - lễ hội hoặc do dân làng lựa chọn theo tiêu chí nhất định, qua mỗi kỳ thực hành lễ hội. Nhưng nói chung, trường hợp chỉ thành lập ban khánh tiết, thường hiện hữu ở những di tích - lễ hội nhỏ, thuộc phạm vi một làng, có tổ chức hội làng thường niên, di tích thường chưa được xếp hạng.
Về tổ chức quản lý, có thể khái quát theo 4 cấp độ quản lý - tổ chức lễ hội:
- Cấp độ quản lý, tổ chức (các trung tâm hoặc ban quản lý) do các cấp chính quyền thành lập;
- Cấp độ quản lý, tổ chức (các ban quản lý di tích - lễ hội) mang tính kết hợp giữa chính quyền (cấp xã, phường, thị trấn) và cộng đồng (làng hoặc liên làng) thống nhất xác lập và lựa chọn nhân sự;
- Cấp độ quản lý, tổ chức do cộng đồng làng/thôn tự chọn lựa/bầu theo tiêu chí riêng;
- Cấp độ quản lý, tổ chức do tư nhân tự thành lập, điều hành (có thể phối kết hợp ở mức độ nhất định, tùy theo thời điểm nhất định với chính quyền sở tại).
Nhìn nhận một cách kết hợp giữa các dạng/ mô hình và cấp độ quản lý - tổ chức lễ hội được khái lược trên đây, soi vào thực tiễn, có thể bước đầu đánh giá được, về cơ bản, những khía cạnh mang tính tích cực cùng những bất cập, hạn chế của từng khuôn dạng tổ chức - quản lý di tích, lễ hội trong không gian văn hóa đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.
Chỉ cần dừng lại để xem xét bước đầu sự bất cập trong mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do các cấp chính quyền xác lập, thông qua những tư liệu về thực trạng thu nhận được, liên quan đến vấn đề xây dựng kịch bản và chỉ đạo diễn trình lễ hội mang tính đại diện ngẫu nhiên, có thể nhận ra không ít vấn đề cần trao đổi.
Trước hết, có thể nhận thấy rằng, cho đến nay, đứng về phương diện quản lý nhà nước trong phạm vi hoạt động văn hóa, gần như toàn bộ hệ thống lễ hội dân gian tại các địa phương (trừ các di tích - lễ hội lớn, cấp quốc gia hoặc cấp đặc biệt) đều được đặt dưới sự chỉ đạo, giám sát, điều hành trực tiếp của các phòng văn hóa thể thao cấp huyện/thị xã hoặc dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội do chủ tịch xã/phường làm trưởng ban. Những di tích - lễ hội có phạm vi và mức độ hoạt động tương đối lớn, lượng người tham gia đông, thường thành lập các trung tâm quản lý di tích văn hóa (cấp hàm tương đương với phòng văn hóa thể thao huyện hoặc thị xã; nếu ở phạm vi lớn/đặc biệt, hàm tương đương với cấp sở văn hóa, thể thao và du lịch), do cấp tỉnh hoặc thành phố ra quyết định. Thực tế cho thấy, trước khi lễ hội diễn ra, các cấp quản lý này thường/luôn là nơi xây dựng “kịch bản lễ hội” hoặc trực tiếp duyệt kịch bản từ các làng/xã gửi tới. Cũng bởi vậy, ở khá nhiều trường hợp, kịch bản của một lễ hội tại làng/xã lại chính là sản phẩm của nhà quản lý văn hóa các huyện hoặc của các trung tâm quản lý di tích, chính quyền sở tại. Từ đó, có nguy cơ dẫn đến sự áp đặt cho cộng đồng những “kịch bản” mang tính phi truyền thống và thiếu tính khoa học. Và do vậy, không ít lễ hội đã biến tướng thành những cuộc mít tinh, kỷ niệm dưới sự phù trợ của hình thức rước kiệu và biểu diễn/diễn xướng cùng trò chơi dân gian, đa phần người dân (trừ một số lượng nhất định “được chọn” làm những “diễn viên” do ban tổ chức căn cứ theo kịch bản mà phân bổ, lựa chọn và hướng dẫn triển khai) trở thành khán giả, với vị thế của người ngoài cuộc!
Xin nêu dẫn chứng.
Quần thể di tích đền Sóc thuộc địa phận thôn/làng Vệ Linh, (thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) vốn/nguyên là nơi thờ thần núi, từ sau thế kỷ X trở thành nơi phụng thờ Thánh Gióng, thờ Mẫu Thượng ngàn và thờ Phật, do người dân Vệ Linh qua ngàn đời kế tiếp nhau trông coi, phụng thờ. Hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng giêng âm lịch, lễ hội Gióng lại được tổ chức, với sự tham gia của 72 làng quanh vùng (theo lời khắc trên tấm bia tám mặt hiện lưu tại đền), tạo ra một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Từ năm 1945 đến nay, việc hương khói vẫn do người dân Vệ Linh đảm trách, nhưng tham gia thực hành trong kỳ lễ hội chỉ co lại ở sự tham gia của 8 làng/thôn thuộc 6 xã trong huyện. Từ tháng 1-2004, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định thành lập Trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa Sóc Sơn, trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, đóng tại khuôn viên đền Sóc, có trách nhiệm quản lý đền Sóc và di tích phụ cận, hằng năm đứng ra tổ chức lễ hội truyền thống đền Sóc - nơi tôn vinh Thánh Gióng, người anh hùng chống ngoại xâm. Song hành với việc thực thi theo nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của một Trung tâm tổ chức, quản lý di tích - lễ hội, việc đầu tư quy hoạch, phục dựng, tôn tạo di tích đã được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng xác lập, triển khai. Chính vì vậy, cũng từ năm 2004, vai trò chủ thể trong việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội của cộng đồng Vệ Linh và 7 làng/thôn khác đã dần chuyển sang vị thế của lực lượng thực hành tín ngưỡng và lễ hội theo yêu cầu, quy chế và kịch bản của lãnh đạo Trung tâm (do chính quyền lập ra). Theo mô hình tổ chức này, mọi hoạt động tại quần thể di tích đền Sóc gần chục năm qua, vì thế đã bị hành chính hóa. Các thành viên của Trung tâm đã đứng ra quản lý toàn bộ nguồn công đức, tổ chức hệ thống các dịch vụ và tự quyết việc thu chi tài chính. Và đương nhiên, cộng đồng người dân Vệ Linh cũng như các làng xã liên quan đến di tích này dần dần trở thành khách thể, chỉ thực sự tham gia thực hành lễ hội hằng năm theo sự phân công công việc của đội ngũ điều hành Trung tâm. Cũng do vậy, từ vị thế những người làm chủ, được hưởng lợi (cả về vật chất lẫn tinh thần) từ quần thể di tích - lễ hội do các thế hệ tiền nhân trong cộng đồng sáng tạo ra, người dân “chuyển vai” thành những “diễn viên một buổi”, thụ hưởng thù lao (tượng trưng) theo công việc được phân công qua mỗi kỳ lễ hội người dân của 8 làng/thôn được yêu cầu tham gia rước lễ dần dần mang tâm lý miễn cưỡng, cảm nhận sự “giải thiêng” trong lễ hội truyền thống quê mình. Sự am hiểu về di tích, lễ hội của nhiều bậc cao niên của các làng không được phát huy. Sự trao truyền di sản qua các thế hệ vì thế đã sút giảm nghiêm trọng. Và cạnh đó, bộ máy quản lý cùng cán bộ nghiệp vụ của Phòng Văn hóa - Thể thao huyện cũng trở thành người ngoài cuộc. Trong khi đó, các nhân viên của Trung tâm chỉ tập trung vào công việc sự vụ, hành chính tại di tích, năng lực nghiệp vụ và sự hiểu biết về di sản nơi đây còn hạn chế. Điều đó dẫn đến những thiếu hụt cơ bản trong việc quảng bá, giới thiệu di sản cho khách hành hương, vô tình góp phần ngáng trở kế hoạch phát triển du lịch bền vững của địa phương. Thực trạng của mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do chính quyền xác lập như đang hiện diện tại Sóc Sơn đã và đang đặt ra những dự báo bất cập cho sự tồn tại của di sản, đặc biệt đây lại là một trong những trung tâm hợp thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” do UNESCO công nhận vào năm 2010.
Từ một dẫn chứng (mang tính đại diện) được nêu ra qua việc xem xét mô hình quản lý, tổ chức tại di tích - lễ hội truyền thống dân gian trên đây, do các trung tâm quản lý di tích hoặc ban quản lý di tích/ ban tổ chức lễ hội ở các địa phương, được các cấp chính quyền nhà nước thành lập đứng ra chỉ đạo, thực thi hành hội, dừng ở phạm vi xác lập kịch bản hội, tổ chức diễn trình lễ hội, có thể nhận thấy, bên cạnh những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ các nhà quản lý văn hóa, còn là việc nhận thức một cách đúng đắn về vấn đề “văn hóa quản lý” của chính những bộ máy đảm trách nhiệm vụ điều hành, thực thi công tác xây dựng và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở các địa phương.
Những năm gần đây, có một số tỉnh, thành đã có những sáng tạo thay đổi “tư duy”, thể hiện nét văn hóa quản lý trong quá trình tham gia tổ chức, điều hành hoạt động sinh hoạt lễ hội ở địa phương mình, vừa được cộng đồng ủng hộ, vừa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Thực hành một lễ hội tiêu biểu tại thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) trong mùa lễ hội năm Ất Mùi 2015 là một ví dụ. Đó là lễ hội tri ân anh hùng dân tộc Trương Định. Chủ thể điện thờ là Trương Định, một nhân vật lịch sử, vì có công với dân với nước nên đã được người dân Gò Công nói riêng và người dân khắp vùng Nam Bộ nói chung tôn vinh, thiêng hóa để trở thành nhân vật được tri ân, tôn kính thông qua sinh hoạt lễ hội hằng năm tại nhiều làng/xã. Tại hai trung tâm thực hành lễ hội này (phường 1, thị xã Gò Công và Ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông), cộng đồng cùng chính quyền sở tại đã đồng thuận, dành ngày đầu tiên của lễ hội (ngày 19-8) cho người dân trực tiếp điều hành, thực hành, hưởng thụ những nhu cầu văn hóa - tâm linh của mình. Mọi hình thức sinh hoạt nghi lễ, hội hè truyền thống của cộng đồng đã được thực hành theo ý nguyện của người dân gần xa. Ngày sau đó (ngày 20-8), các hình thức thực hành nghi lễ và tưởng niệm anh hùng Trương Định được dành cho chính quyền các cấp và quan khách tứ phương. Hàng loạt nghi thức dâng hương, dâng lễ của cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ, các ban, ngành địa phương đã diễn ra trang trọng, dưới sự quan chiêm, hưởng ứng của cộng đồng. Sự kết hợp giữa công tác quản lý văn hóa và cung cách ứng xử theo văn hóa quản lý đó đã tạo ra mối quan hệ hòa đồng giữa cộng đồng dân chúng và đội ngũ thực thi nhiệm vụ văn hóa - chính trị do Nhà nước giao phó. Có thể nói, “mô hình” tổ chức lễ hội như đã được nhận diện ở Tiền Giang nên được coi là một hình thức “sáng tạo truyền thống trong đương đại” phù hợp, đáp ứng nhu cầu vận hành lễ hội truyền thống của làng/xã trong điều kiện lịch sử xã hội hiện nay ở Việt Nam.
Từ những vấn đề đã và đang đặt ra đối với việc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý văn hóa với văn hóa quản lý trong phạm vi lễ hội cổ truyền ở Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số nhận thức sau đây:
Thứ nhất, để tổ chức và quản lý tốt việc phục dựng một lễ hội truyền thống tại bất kỳ địa phương nào, cần phải thống nhất quan điểm, rằng: Lễ hội dân gian, trong bất kỳ điều kiện xã hội và hoàn cảnh lịch sử nào, đều là sản phẩm sáng tạo văn hóa chung của cộng đồng, gắn chặt với di tích văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Sản phẩm văn hóa đó, trên tiến trình lịch sử, luôn là nơi gửi gắm/thể hiện quan điểm nhận thức, đánh giá lịch sử - xã hội, là niềm tin thiêng liêng, sự tôn vinh một khuôn mẫu cũng như nguyện vọng của cộng đồng thông qua chủ thể được phụng thờ và diễn xướng, là quan niệm thẩm mỹ và ý thức để giáo dục con cháu đời sau tiếp nhận, lưu truyền những giá trị văn hóa được thế hệ tiền nhân sáng tạo nên. Lễ hội cổ truyền/ truyền thống tại địa phương (làng, liên làng) vì thế luôn là đỉnh cao, điểm nóng của một mô thức văn hóa do cộng đồng nhất định làm chủ nhân sở hữu, thực hành và hưởng thụ những giá trị tinh thần được gửi gắm trong đó. “Sân khấu” lễ hội là “sân khấu” dân gian, ôm trùm toàn bộ không gian văn hóa di tích tín ngưỡng, trong đó người dân vừa là tác giả kịch bản, vừa là diễn viên và người thưởng thức. Chính vì thế, lễ hội dân gian trước hết phải được trả/giao cho cộng đồng, do cộng đồng làm chủ, bảo vệ, trao truyền qua các thế hệ. Nhà nước (với đại diện là chính quyền các cấp) thực sự chỉ là “người bảo trợ”, hỗ trợ về kinh phí (nếu có), an ninh, động viên, khích lệ cộng đồng tự bảo tồn các sáng tạo văn hóa của mình. Xuyên suốt hàng nghìn năm, nhà nước của các triều đại phong kiến (ở cấp độ và mức độ nhất định) đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, quan tâm giao công điền, công thổ cho dân có kinh phí thờ phụng, tế lễ và tổ chức lễ hội, ban sắc phong để khẳng định giá trị, tính thiêng các chủ điện thờ, ra các điều luật để bảo tồn di tích tín ngưỡng... Trong hoạt động nghi lễ, lễ hội làng/xã thông thường, các quan chức từ cấp hàng tổng đến triều đình không khi nào trực tiếp can dự, chi phối hoặc cưỡng ép thực hành nghi lễ, diễn xướng tại các lễ hội cổ truyền làng/xã.
Thứ hai, đối với việc phục dựng một lễ hội truyền thống, việc xây dựng kịch bản là cần thiết cho quá trình tổ chức, điều hành. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, kịch bản lễ hội truyền thống dân gian không phải là thứ “kịch bản” sân khấu hiện đại, kịch bản phục vụ cho việc tổ chức sự kiện văn hóa, mang yếu tố sáng tạo chủ quan của cá nhân. Lễ hội dân gian không phải/không nên là cuộc hành hội phục vụ một lễ kỷ niệm, mít tinh trong dân chúng, dưới sự điều hành, chỉ đạo của bộ máy công quyền. Đó thực chất chính là một thứ sản phẩm văn hóa mang tính tổng hợp, được cộng đồng chắt lọc, sáng tạo, bồi đắp, chỉnh sửa, trao truyền trong suốt tiến trình lịch sử dựng làng/nước và giữ làng/nước, làm ăn và sáng tạo văn hóa, gửi gắm ý thức về lịch sử, xã hội, tâm thức tôn vinh các nhân vật được phụng thờ, thông qua hàng loạt biểu tượng/hệ biểu tượng văn hóa và mang tính lịch sử nhất định. Do vậy, để có được một “kịch bản” lễ hội truyền thống, nhất thiết phải có sự nghiên cứu, chắt lọc từ ít nhất 3 nguồn tư liệu chính: 1- Nguồn tư liệu từ truyền thuyết dân gian, các thần tích, văn bia, sắc phong; 2- Nguồn tư liệu từ các nhà nghiên cứu đi trước, ghi chép từ quá trình tham dự trong quá khứ; 3- Nguồn tư liệu hồi cố từ các bậc cao niên trong cộng đồng. Người biên soạn “kịch bản” trước hết phải có ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng sáng tạo văn hóa trong cộng đồng, không thể và không nên gán ghép các sự kiện, nhân vật hiện đại vào diễn trình văn hóa trong lễ hội, không gán ghép các sự kiện, nhân vật vào chung cuộc hành hội một cách tùy tiện, phi khoa học, phá vỡ giá trị văn hóa - lịch sử vốn có của di sản văn hóa do cộng đồng hun đúc nên.
Thứ ba, với sự hiện diện của các trung tâm quản lý di tích - lễ hội hoặc các ban quản lý di tích/ ban tổ chức lễ hội do chính quyền lập ra, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong các khâu tổ chức hoạt động sự vụ, hành chính, tập trung bảo đảm an ninh di tích, an ninh cộng đồng, hỗ trợ các khâu tổ chức mang tính sự vụ mỗi khi tiến hành lễ hội dân gian tại một địa phương nhất định. Trong mô hình quản lý văn hóa do Nhà nước (đại diện là các cấp chính quyền) thành lập, điều hành đã và đang lộ rõ không ít vấn đề khiếm khuyết (cả về nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ và cung cách điều hành, tổ chức lễ hội dân gian ở các địa phương). Giải pháp khả dĩ chính là có sự kết hợp chặt chẽ với đại diện cộng đồng, coi cộng đồng là chủ thể (cả về nhân lực lẫn quyền hạn) trong quá trình tổ chức, điều hành diễn trình thực hành lễ hội, đặc biệt là các lễ hội cần được phục dựng hiện nay.
Thứ tư, các cấp chính quyền đại diện cho Nhà nước không can thiệp sâu vào nội dung thực hành diễn xướng của lễ hội truyền thống. Trong kịch bản lễ hội, không thể (hoặc không nên) dành thời lượng thực hành nghi lễ (dâng hương, dâng lễ, khai ấn,...) cho đại diện chính quyền các cấp. Có như vậy, mới bảo đảm tính toàn vẹn cho sinh hoạt nghi lễ và thực hành diễn xướng của lễ hội dân gian do cộng đồng làm chủ, tính đa dạng văn hóa và bản sắc văn hóa từng địa phương. Nếu trong trường hợp thấy sự hiện diện thực hành nghi lễ của đại diện chính quyền nhà nước là cần thiết, nên tổ chức/bố trí vào thời khắc trước (hoặc sau) khi diễn ra cuộc thực hành nghi lễ của cộng đồng, điều đó vừa bảo đảm được quyền tham gia sinh hoạt tín ngưỡng cho mọi thành phần dân cư một cách dân chủ, vừa tránh được sự phản cảm, ức chế trong tâm lý, ý thức cộng đồng dân chúng. Bộ máy điều hành chính quyền, với chức trách và nhiệm vụ cùng quyền hạn của mình, chỉ nên dừng lại ở phạm vi hỗ trợ kinh phí (nếu cộng đồng có nguyện vọng đề đạt), bảo đảm an ninh trật tự và các biện pháp phục vụ y tế cần thiết hoặc chỉ can thiệp mỗi khi nội tình sinh hoạt lễ hội có biểu hiện tiêu cực (xuyên tạc lịch sử - văn hóa, chống phá Nhà nước, nhân dân, có hành vi phá hoại di sản văn hóa cộng đồng,...).
Thứ năm, thực tế những năm gần đây cho thấy, đã và đang có hiện tượng các nhà doanh nghiệp tại một số địa phương, ở những mức độ khác nhau, tác động không nhỏ đến công việc của các nhà quản lý văn hóa. Ỷ thế vào kinh phí hỗ trợ/tài trợ cho địa phương tu bổ, phục dựng di tích - lễ hội, một số cá nhân đã thể hiện khá rõ sự chi phối trong phục dựng, tu bổ không gian thực hành văn hóa - tín ngưỡng, vượt ngoài tầm quản lý của chính quyền và đội ngũ làm công tác văn hóa địa phương, thậm chí vi phạm Luật Di sản văn hóa, không được cộng đồng chấp thuận. Và do vậy, thứ văn hóa ứng xử với di sản truyền thống như trên, trong đó có lễ hội cổ truyền, đã và đang bị nhuốm màu sắc chủ quan cùng những lợi ích cá nhân, không phù hợp với thiết chế văn hóa xã hội hiện tại.
Nhìn chung, theo nhận thức của chúng tôi, không thể có một mô hình duy nhất, độc tôn trong quản lý di tích văn hóa - lễ hội (về phương diện quản lý), nên chăng chỉ cần xác lập các nguyên tắc hoặc tiêu chí chung, phù hợp với từng loại cấp độ di tích - lễ hội (cấp quốc gia, cấp vùng, cấp làng/xã). Không thể lấy vai trò quản lý của chính quyền hoặc chủ nhân của nguồn kinh phí tài trợ cho quá trình phục dựng, tu bổ không gian thực hành văn hóa để thay đổi diện mạo di tích, áp đặt những “kịch bản” mang tính chủ quan, sân khấu hóa và theo hướng tổ chức - quản lý sự kiện văn hóa hiện đại. Lễ hội truyền thống ở Việt Nam là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa xã hội sinh động, đa dạng, phức tạp và là đối tượng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng, bức xúc, cấp thiết trong đời sống văn hóa xã hội hiện tại cũng như lâu dài. Lễ hội cổ truyền/truyền thống tại các làng/xã (mang tính phổ biến) là sản phẩm văn hóa của chung cộng đồng, việc làm chủ văn hóa, thụ hưởng giá trị văn hóa (cả về vật chất lẫn tinh thần) phải thuộc về cộng đồng chứ không thể thuộc về một “nhóm lợi ích” hoặc cá nhân nào. Hạt nhân của quá trình đoàn kết sáng tạo, thực hành, thụ hưởng và trao truyền văn hóa truyền thống, do vậy, chính là quá trình bảo tồn tính thiêng và sự trung thực, công khai, minh bạch (lựa chọn nhân sự diễn xướng - hành hội, thu - chi tiền công đức, và các dịch vụ khác) theo nhu cầu thẩm định, đồng thuận của cộng đồng. Chính vì thế, để bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội dân gian một cách khoa học, bền vững, phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại và lâu dài, việc quan tâm đến công tác tổ chức, quản lý di tích - lễ hội dân gian, do vậy, phải là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn xã hội, của cả hệ thống thể chế lẫn nhận thức, ý thức và hành động chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Có bảo đảm được sự thống nhất giữa quản lý văn hóa và văn hóa quản lý, chúng ta mới có điều kiện thuận lợi để thực thi tốt nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị hiện tại và lâu dài./.
Bùi Quang Thanh
PGS, TS, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia
Nguồn: TCCS
Nguồn: TCCS