Truy cập hiện tại

Đang có 83 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Quản lý và tổ chức lễ hội: Trông người, ngẫm ta

(TGAG)- Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội chính là một trong những sinh hoạt văn hóa quan trọng nhất, thông qua hoạt động lễ hội mà các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được giới thiệu, tôn vinh, bồi đắp và tiếp nối.

Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của lễ hội trong quá trình lãnh đạo xây dựng đời sống văn hóa mới. Trong nghị quyết các kỳ đại hội cũng như các nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa, lễ hội luôn là một nội dung trọng tâm. Ngày 05/02/2015, Ban Bí thư (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý lễ hội”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU về “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh”. Cụ thể hóa chỉ thị của Đảng về công tác lễ hội, nhiều chương trình hành động, kế hoạch đã được các cấp, các ngành triển khai và tổ chức thực hiện.

 

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động lễ hội những tháng đầu năm 2016 trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến đầy phức tạp. Hàng loạt tồn tại, hạn chế của các năm qua không những không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng cả về tần suất, mức độ lẫn tính chất. Những biểu hiện xấu trong hoạt động lễ hội đang trở thành chủ đề nóng trên mọi diễn đàn, bức xúc trong đời sống xã hội. Đó là cảnh đám đông chen chúc nhau xin ấn, thậm chí “cướp ấn” vì ngỡ có ấn này sẽ được thăng quan, tiến chức, mà phần đông trong số này là cán bộ, công chức bộ máy công quyền. Đó cũng là hành vi “hối lộ thần linh”, nhét tiền lẻ vào bất cứ đâu: mắt, mũi, miệng, hay tay chân thần, phật... đó cũng là việc vụ lợi của nhiều tổ chức cá nhân trong việc đầu tư mở rộng, hoặc xây nơi thờ tự mới, chủ yếu là để “hút” tiền công đức. Cùng với đó là hàng loạt biểu hiện phi văn hóa khác như chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau giành giật “lộc” đến chấn thương bất tỉnh, khấn hộ, đốt vàng mã tràn lan... và hàng loạt các tệ nạn “ăn theo” như cờ bạc, trộm cắp, “chặt chém”, xả rác bừa bãi.

Người ta hay đổ cho nguyên nhân đạo đức xuống cấp, văn hóa xuống cấp, đổ cho cơ chế thị trường, đổ cho thực trạng xã hội đầy những bất ổn trong mọi lĩnh vực đã ảnh hưởng tiêu cực tới hành vi ứng xử với cộng đồng của mỗi cá nhân. Có thể điều đó đúng, nhưng chưa đủ!

Văn hóa là con người, trước khi làm cho hành vi của mỗi người trở nên “văn hóa”, mang tính bản chất, tự giác thì trước hết phải có cơ chế để điều chỉnh hành vi của mỗi người theo chuẩn mực chung, đó chính là sự quản lý. Vậy, có thể thấy rằng: những tồn tại yếu kém vừa nêu, thực chất là hệ quả tất yếu của một môi trường văn hóa thiếu sự quan tâm định hướng mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về người tổ chức, quản lý.  

Giống như nhiều địa phương trong cả nước, những tháng đầu năm cũng chính là khởi đầu cho mùa lễ hội của An Giang mà điểm nhấn là lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam. Ngay từ những ngày đầu năm mới, lượng du khách đến với An Giang đã tăng nhanh so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán, các điểm du lịch trên địa bàn đã đón gần 1 triệu lượt khách, tăng tới 87% so với năm 2015. Dự báo trong các tháng tiếp theo, nhất là trung tuần tháng 4 âm lịch, thời điểm chính của lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam, lượng du khách đến với An Giang sẽ còn tăng cao hơn nữa. Lễ hội của An Giang đã góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch, một ngành kinh tế đã được Đảng bộ tỉnh xác định phải trở thành kinh tế mũi nhọn của An Giang trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tuy vậy, rảo quanh một vòng qua các điểm vui chơi giải trí phục vụ Nhân dân trong tỉnh những ngày Tết Bính Thân vừa qua, không khó để nhận thấy rằng: công tác tổ chức và quản lý lễ hội của chúng ta còn rất nhiều tồn tại hạn chế. Nhiều hạn chế yếu kém kéo dài của các năm trước vẫn chậm được khắc phục. Có thể kể đến như: tình trạng xả rác vô tội vạ tại các điểm du lịch, vui chơi giải trí. Khu du lịch lòng hồ Ông Thoại (thị trấn Núi Sập) thiếu thùng rác công cộng, rác tràn ngập các khe đá, lối đi. Hoạt động trông giữ xe giá cao ngất ngưởng, không ra biên lai, thu vượt nhiều lần so với mức quy định phổ biến ở nhiều địa phương đơn vị. Tình trạng kẹt xe, tranh mua tranh bán, ăn xin, chèo kéo, trộm cắp móc túi, xin xăm, bói toán... tại các bến phà, bến xe, khu vui chơi vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được đẩy lùi.

Để hoạt động lễ hội trên địa bàn trở thành nguồn động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, để du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đặt ra, vấn đề khắc phục những tồn tại hạn chế, đưa hoạt động lễ hội đi vào nề nếp trở thành một yêu cầu bức bách từ thực tiễn. Trông người ngẫm ta, để làm được điều đó, chỉ tăng cường công tác tuyên truyền vận động thôi thì chưa đủ, mà cần phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và kiên trì của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Thành công của Đại hội XII cùng với luồng gió mới trong công tác cán bộ đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội, củng cố niềm tin và cả sự kỳ vọng. Chợt nhận ra rằng, mọi vấn đề thực ra vẫn nằm ở yếu tố con người. Có dám nghĩ? Có dám làm? Có dám làm tới cùng hay không mà thôi.

Vẫn biết để chuyển biến một hiện tượng, một vấn đề mang tính cộng đồng rộng lớn như lễ hội là việc làm hết sức khó khăn, lâu dài và phức tạp, không thể một sớm một chiều, nhưng nếu vào cuộc với tất cả tinh thần và trách nhiệm, với sự đồng lòng của quần chúng nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm được, để lễ hội thực sự là sự kiện, là điểm nhấn quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

MẠNH HÀ

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728838