Truy cập hiện tại

Đang có 123 khách và không thành viên đang online

Châu Thành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

(TGAG)- Châu Thành là huyện nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên với diện tích tự nhiên 35.506 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 30.739 ha. Toàn huyện có 13 đơn  vị: 01 thị trấn, 12 xã và 64 ấp đều đạt chuẩn văn hóa, có 03 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Dân số trên 170.507 người (theo niên giám thống kê năm 2015) với 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (dân tộc kinh trên 165.099 người, dân tộc Khmer 3.579 người, Chăm 874 người, các dân tộc khác trên 171 người).

Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Kế hoạch số 18-KH/TU, ngày 14/10/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 15/9/2011 về “xây dựng nông thôn mới”, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 18/7/2016 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, Châu Thành ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Kế hoạch hành động số 27-KH/HU ngày 14/11/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện” về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Kế hoạch hành động số 27/KH-UBND, ngày 7/4/2009 của UBND huyện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020; Kế hoạch số 89/KH-UBND, ngày 14/6/2012 của UBND huyện về việc phát động phong trào thi đua cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới; Chương trình hành động số 11-CTr/HU, ngày 08/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020... Theo đó, khẳng định lại quan điểm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích, lấy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới; phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách địa bàn, các đồng chí Ban Chấp hành, các ban ngành đoàn thể phụ trách xã phải bám sát từng tiêu chí, đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ các xã trong xây dựng nông thôn mới.
 
Công tác tuyên truyền, quán triệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các cấp, các ngành triển khai thường xuyên, liên tục đến tận địa bàn dân cư gắn với phát động phong trào thi đua “xây dựng nông thôn mới”, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng giúp người dân dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và sẵn sàng tham gia với phương châm “dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau”, “không cần vốn đi vào triển khai thực hiện trước”. Nhờ đó, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. 

Trong giai đoạn 2011 - 2016, các cấp ủy, ban ngành, đoàn thể và chính quyền từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân 1.209 cuộc, có 72.634 lượt cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham dự.

Trong những năm qua, huyện chủ động mở 59 lớp tập huấn trang bị kiến thức cho cán bộ từ huyện đến các xã - thị trấn và nông dân am hiểu thực hiện tiêu chí nông thôn mới, kỹ năng công tác, dân vận, nắm thông tin dư luận. Ngoài ra, Châu Thành cũng được sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành tỉnh như biên soạn tài liệu cung cấp cho hoạt động tuyên truyền đến địa bàn dân cư.

Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới do Trung ương, tỉnh phát động, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ phát động thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện. Song song đó, Trung tâm văn hóa cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về nông thôn mới... Ngoài ra, cổng thông tin Huyện có xây dựng chuyên mục xây dựng nông thôn mới và thường xuyên cập nhật, kịp thời thông tin; Đài Truyền thanh huyện và xã - thị trấn dành thời lượng chủ yếu để thông tin nội dung này.

Năm năm qua, toàn huyện đã huy động trên 378 tỷ đồng cho việc xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 68 tỷ, ngân sách tỉnh gần 85 tỷ, ngân sách huyện và xã hơn 75 tỷ đồng, người dân và cộng đồng đóng góp trên 150 tỷ. Đến nay, Châu Thành đã đạt được 8/19 tiêu chí với 25/50 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã Vĩnh Nhuận trở thành xã nông thôn mới thứ 2 của huyện sau xã Vĩnh Thành. Bên cạnh, quyết tâm nâng chất, giữ vững các tiêu chí, chỉ tiêu mà xã nông thôn mới Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận đã đạt được, huyện còn tập trung các nguồn lực phấn đấu đưa xã Cần Đăng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017, xã Bình Hòa năm 2018, xã An Hòa năm 2019.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng địa phương và quan trọng là công tác huy động sức dân, tập trung các nguồn lực từ xã hội hóa. Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, huyện tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình đề án và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Thường xuyên sơ kết, tổng kết chương trình, qua đó rút ra những bài học từ thực tiễn, phát hiện và nhân rộng những mô hình triển khai có hiệu quả.

Với những kết quả bước đầu đạt được, Đảng bộ Châu Thành tiếp tục phát huy dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp, tập trung huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc để công cuộc xây dựng nông thôn mới đảm bảo đúng với nghị quyết của Đảng bộ đề ra.

HỒ HỮU TÀI
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40608106