Truy cập hiện tại

Đang có 27 khách và không thành viên đang online

Đại hội đồng IPU-132 thành công tốt đẹp

Chiều tối 1-4, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã thành công tốt đẹp sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao.

Văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên

Tại lễ bế mạc, các đại biểu đã nghe một số báo cáo khác của Ủy ban thường trực về Dân chủ, Nhân quyền; Ủy ban thường trực về các vấn đề của Liên hợp quốc; nghe báo cáo về chuyến đi thực địa đến làng UNICEF ở Hà Nội, trong đó các nghị sĩ từ 16 quốc gia đã đi thăm 4 trung tâm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Các đại biểu được xem đoạn phóng sự ngắn giới thiệu về chuyến thăm và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, công tác chăm sóc y tế và dinh dưỡng tại các cộng đồng dưới sự giúp đỡ của UNICEF. Đoạn video kết thúc bằng lời kêu gọi các nghị viện và nghị sĩ tăng cường giúp đỡ chăm sóc và bảo đảm quyền cơ bản của bà mẹ, trẻ em. Đại hội đồng cũng nghe các báo cáo về việc đề cử báo cáo viên phục vụ Đại hội đồng IPU-133 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ).
Sau khi Chủ tịch IPU Xa-bơ Chao-đu-ri (Saber Chowdhury) trình bày những điểm chính của Tuyên bố Hà Nội, Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố thông qua văn kiện chính thức của Đại hội đồng IPU-132. (toàn văn Tuyên bố Hà Nội đăng trong số báo ra hôm nay).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong 5 ngày làm việc, Đại hội đồng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đặc biệt là chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Các Ủy ban chuyên trách của Đại hội đồng cũng đã thảo luận và IPU đã ra nghị quyết về các vấn đề quan trọng như chiến tranh mạng, quản trị nước; luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền. Các nội dung khác liên quan đến vấn đề của Liên hợp quốc, nghị sĩ trẻ, quyền của phụ nữ, Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện, bảo vệ quyền của nghị sĩ, HIV/AIDS, trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, báo cáo nghị viện toàn cầu, loại bỏ nguy cơ về chiến tranh hạt nhân... cũng đã được thảo luận tại các Ủy ban chuyên trách và các diễn đàn của Đại hội đồng. Đại hội đồng cũng thông qua về chủ đề khẩn cấp về “Vai trò của Nghị viện trong đấu tranh với tất cả các hành động khủng bố của các tổ chức như Bô-cô Ha-ram đối với thường dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” và đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Nhân dịp này, Đại hội đồng cũng tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị nữ nghị sĩ IPU và 20 năm Tuyên bố Bắc Kinh về quyền của phụ nữ.

“Những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua tuyên bố của Đại hội đồng-Tuyên bố Hà Nội-một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững SDGs mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, với kinh nghiệm phong phú, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực và nhiệt huyết của các vị Chủ tịch và Tổng thư ký IPU, các vị lãnh đạo nghị viện và các nghị sĩ, với sự hợp tác tích cực và xây dựng của các vị khách mời, Đại hội đồng IPU-132 đã chia sẻ với nhau, phản ánh tiếng nói của người dân tất cả các châu lục về nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới nói chung và của các nghị viện quốc gia nói riêng; đề xuất phương hướng và trách nhiệm của các nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững mới. “Đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, kết quả của Đại hội đồng IPU-132 đã nói lên tiếng nói chung của Nghị viện các nước, góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, giữa các nghị viện và thúc đẩy bước phát triển mới của cộng đồng quốc tế giai đoạn sau 2015”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

IPU tôn trọng nhân quyền gắn với chủ quyền quốc gia

Trước đó, tại cuộc họp báo diễn ra chiều cùng ngày, sau khi thông báo kết quả các hoạt động của Đại hội đồng IPU-132, trả lời câu hỏi của  phóng viên về kết quả của IPU lần này đặt ra yêu cầu mới gì cho hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới như thế nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tích cực đổi mới, xây dựng luật pháp sát với đời sống và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời hành động để chuyển hóa các mục tiêu này vào hành động cụ thể, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm.

Với câu hỏi của phóng viên về vai trò của IPU trong vấn đề chủ quyền quốc gia, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ và biển đảo, Chủ tịch IPU Xa-bơ Chao-đu-ri (Saber Chowdhury) nói, tôn trọng chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết của các quốc gia và không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác đó là nguyên tắc nền tảng của IPU. Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, IPU tôn trọng nhân quyền gắn với chủ quyền quốc gia và quyền tự do dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi mỗi quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế để hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Nhấn mạnh sự khác biệt về phương thức tiếp cận vấn đề giữa Đại hội đồng IPU-132 so với các kỳ Đại hội đồng trước, Chủ tịch IPU Xa-bơ Chao-đu-ri cho biết, các nội dung, vấn đề được nêu ra và bàn thảo tại Đại hội đồng lần này không chỉ được miêu tả, dẫn chứng như những kỳ trước, mà tập trung vào việc xây dựng những giải pháp giải quyết vấn đề với mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Ngài Xa-bơ Chao-đu-ri nhấn mạnh, Tuyên bố Hà Nội-văn kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng được thông qua lần này mang ý nghĩa lớn lao và ghi dấu ấn của Quốc hội Việt Nam bởi được chính Quốc hội Việt Nam đề xuất; được thông qua tại Hà Nội và sẽ được Ban Thư ký IPU trình lên Liên hợp quốc để góp ý vào việc xác định các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015. “Đây sẽ là di sản lớn, thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới”, Chủ tịch IPU khẳng định.

* Trước đó, trong ngày làm việc cuối cùng của Đại hội đồng IPU-132, Hội đồng điều hành IPU-132 tập trung thảo luận và thông qua dự thảo các nghị quyết về nhân quyền của các nghị sĩ, bỏ phiếu bầu Chủ tịch Ủy ban mới và nghe báo cáo về kết quả của các cuộc họp chuyên môn...

* Ngày 1-4 cũng là ngày làm việc cuối cùng của Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện (ASGP). Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động Nghị viện của các cơ quan giúp việc Nghị viện, thông qua các chuyên đề như: Chiến lược triển vọng của Quốc hội, Nghị viện nhằm nâng cao hiệu quả và tính rõ ràng trong giao tiếp, và vai trò của công nghệ thông tin đối với sự phát triển của Quốc hội. Từ đó, tìm kiếm các mô hình cơ quan giúp việc Nghị viện hoạt động hiệu quả.

* Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, ngày 1-4, Ủy ban Thường trực Dân chủ và Nhân quyền đã tổ chức hội thảo với chủ đề “25 năm Công ước về quyền trẻ em: Cuộc sống của trẻ em liệu đã tốt hơn?” nhằm nhìn nhận lại tiến trình thực hiện cải thiện cuộc sống của trẻ em trên toàn cầu./.

LINH OANH (Nguồn QĐND)

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40414979