Truy cập hiện tại

Đang có 90 khách và không thành viên đang online

Những dấu mốc lịch sử và ý nghĩa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

(TGAG)- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Theo truyền thuyết, thủy tổ của người Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh được bọc trăm trứng sau nở thành trăm người con. Hùng Vương chính là thế hệ con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng nằm phía tây bắc thành phố Việt Trì, thuộc phần đất trong địa giới hành chính của 7 xã: Hy Cương, Chu Hóa, Tiên Kiên, Thanh Đình, Phù Ninh, Kim Đức và Vân Phú. Lễ hội đền Hùng xưa gắn với lễ hội rước vua Hùng về làng bản ăn tết của người dân làng He nằm liền kề chân núi Nghĩa Lĩnh (làng He, sau này tách ra thành hai làng Vi và Trẹo).

Về mặt lịch sử, ngày Giỗ Tổ đã được các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây ghi nhận trong nhiều văn bản. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông (đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm) để tại Đền Hùng, nói rằng: “... Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt ở Đền Thượng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

Ngay sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư (khóa VII) ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam, trong đó Phú Thọ có 326 di tích, Vĩnh Phúc có 62 di tích, Hà Nội có 525 di tích, Hưng Yên có 60 di tích, Hải Dương có 40 di tích, Hà Nam có 143 di tích, thành phố Hải Phòng có 14 di tích, Thừa Thiên Huế có 1 di tích, Thành phố Hồ Chí Minh có 14 di tích, Lâm Đồng có 2 di tích, Đồng Nai có 2 di tích... Riêng tại địa bàn An Giang, theo ngành chuyên môn, nghi thức cúng Tổ Hùng Vương chỉ duy nhất diễn ra trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Tại đây, cúng Tổ được gắn với lễ Kỳ yên của đình thần Thoại Sơn, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Bên cạnh ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng cũng là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản văn hóa vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, muôn người như một, tới ngày Giỗ Tổ luôn thành kính hướng về Đền Hùng - biểu tượng linh thiêng của cội nguồn dân tộc. Ngày Giỗ Tổ là ngày để người dân Việt Nam tự hào nhắc nhở nhau rằng: chúng ta là “đồng bào”, là một mẹ sinh ra! Cùng với đề cao niềm tự hào dân tộc, Giỗ Tổ Hùng Vương còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở chúng ta phải luôn quan tâm tìm hiểu thấu đáo bản sắc văn hóa của dân tộc. Đặt ra trách nhiệm cho mỗi chúng ta: phải làm gì để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội; phải làm gì để nhân rộng yêu thương, để đoàn kết tương trợ nhau, để chung tay bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước, như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

VĂN AN



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40737873