Truy cập hiện tại

Đang có 359 khách và không thành viên đang online

Trận chống càn tại Giồng Duối

(TGAG)- Giồng Duối là một dãy đất cao so với cánh đồng xã Phú Hữu, huyện Phú Châu (nay thuộc huyện An Phú), nơi đây có 2 giồng đất nổi lên song song là Giồng Duối A và Giồng Duối B. Giồng Duối A dài 2,5 km, cách đồn Đồng Đức 500m về phía Tây Bắc, cách lộ mới 1,5 km về phía Nam, cách sông Hậu 2 km về phía Tây, cách rạch Cỏ Lau 2 km về phía Đông, đoạn giữa bị cắt ngang bởi rạch Ô Môi. Giồng Duối B nằm song song Giồng Duối A dài 2 km, hai giồng này cách nhau 200m bởi dộc Hai Cô. Dộc Hai Cô như một bào nước kéo dài từ giáp biên giới Việt Nam - Campuchia tới gần lộ mới.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch tăng cường tập trung lực lượng đánh phá vùng căn cứ cách mạng, thực hiện kế hoạch bình định nông thôn, triệt phá cơ sở cách mạng. Địch xây dựng đồn Đồng Đức, đồn Chùa, đồn Xiều, đồn ký, đồn Phủ, các chốt Phú Thành cùng lực lượng tề xã gồm 2 trung đội dân vệ, thanh niên chiến đấu quân số từ 35 - 40 tên để khống chế nhân dân trong xã.

Trong trận càn Giồng Duối, địch sử dụng Tiểu đoàn 538 bảo an quân Châu Đốc, quân số khoảng 200 - 300 tên hành quân bằng xuồng đánh phá căn cứ Giồng Duối nhằm phá căn cứ của ta ở sát biên giới thuộc xã Phú Hữu để lực lượng địch ở địa phương thực hiện bình định nông thôn, triệt phá cơ sở cách mạng.

Đội du kích xã Phú Hữu có 25 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Dõng, xã đội phó chỉ huy, chốt giữ căn cứ Giồng Duối có 15 đồng chí trong đó có 5 thanh niên nam, 10 chị em phụ nữ. Đội du kích đứng chân trên địa bàn nhiều năm nên rất thông thạo địa hình, nắm chắc quy luật hoạt động của địch nên việc xây dựng căn cứ, cấu trúc công sự trận địa chống càn rất vững chắc.

Sau khi nghiên cứu tình hình địch, Ban chỉ huy Xã đội nhận định hướng tấn công chủ yếu của địch sẽ từ hướng Tây Bắc đánh xuống, nếu chiếm được Giồng Duối A, chúng cho lực lượng đánh sang Giồng Duối B. Hướng thứ yếu của địch từ hướng Đông Nam đánh lên, phương tiện cơ động chủ yếu bằng xuồng. Địch thường dùng pháo binh bắn trước, sau đó bộ binh mới xung phong đánh chiếm. Theo nhận định như trên, Ban chỉ huy Xã đội bố trí lực lượng thành 3 tổ. Tổ 1 gồm 4 đồng chí thanh niên nam do đồng chí Dõng, Xã đội phó chỉ huy, có nhiệm vụ đón đánh địch ở hướng chủ yếu, khi địch đi theo rạch Ô Môi qua dộc Hai Cô, sau đó chờ địch đến thật gần đồng loạt nổ súng. Tổ 2 gồm 5 đồng chí nữ 1 đồng chí nam do đồng chí Võ Thị Kim Thiêm làm tổ trưởng. Tổ 3 gồm 5 đồng chí nữ do đồng chí Lê Thị Hổi làm tổ trưởng. Tổ 2 và tổ 3 có nhiệm vụ đánh địch ở hướng chính diện và sườn phải trận địa.

Ban chỉ huy dự đoán các tình huống: nếu địch trụ lại Giồng Duối A, các tổ bám công sự bắn tỉa tiêu diệt địch; nếu địch dùng phi cơ, pháo binh đánh vào trận địa, các tổ kiên quyết bám công sự không rời vị trí chiến đấu; nếu địch đánh từ hướng Đông lên toàn bộ lật cánh qua hướng Đông chiến đấu, đội hình vẫn chia làm 3 tổ, mũi chủ yếu vẫn là tổ 1.

Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 28/9/1969, trận địa pháo An Phú bắn 2 quả vào Giồng Duối A gần đội hình của đội du kích, sau đó trận địa pháo Đồng Ky bắn khoảng 20 quả vào Giồng Duối A và khu vực Giồng Duối B. Đồng chí xã đội phó phán đoán “địch bắn dọn đường để chuẩn bị càn quét vào khu vực Giồng Duối”.

7 giờ các đồng chí ở đài quan sát báo địch hành quân bằng xuồng từ hướng Tây Bắc xuống, đồng chí Dõng nhanh chóng điều tổ 1 ra công sự hướng rạch Ô Môi, tổ 2 ở công sự giữa, tổ 3 ở công sự bên phải trận địa.

8 giờ địch đổ bộ lên Giồng Duối B, đến 8 giờ 40 phút pháo ngưng bắn, các tổ đều quan sát thấy có 6 tên địch trên 2 xuồng đi theo rạch Ô Môi qua dộc Hai Cô tiến vào hướng tổ 1, khi thấy địch cách công sự khoảng 12m, tổ đồng chí Dõng nổ súng tiêu diệt những tên đi trên xuồng. Bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng chạy lên Giồng Duối A dùng M79, đạn nhọn bắn vào trận địa của ta. Sau ít phút củng cố đội hình, địch tổ chức đợt tấn công sang Giồng Duối B nhưng chúng không dám đánh qua mà chỉ ở Giồng Duối A dùng hỏa lực bắn qua Giồng Duối B. Các tổ du kích quan sát phát hiện địch liền bắn tỉa và phóng lựu đạn bắn qua Giồng Duối A.

10 giờ địch lùi về hướng Tây cho xuồng đậu ngoài đồng, đồng thời 5 chiếc trực thăng chiến đấu chia thành 2 tốp rà soát trận địa bắn vào những nơi chúng nghi có công sự, chiến hào. Lợi dụng công sự vững chắc, đội du kích dùng AK, CKC bắn trực thăng, phát hiện đội du kích bắn trả, trực thăng tăng độ cao nhưng vẫn tiếp tục oanh tạc.

10 giờ 30 phút, máy bay trinh sát tìm mục tiêu và chiếc khu trục phóng rốc-két xuống trận địa ta, đến 11 giờ 5 phút máy bay phản lực đến ném bom trận địa. Suốt 1 giờ địch đánh 4 phi vụ xăng gây nhiều đám cháy trước trận địa, khu vực dộc Hai Cô và Giồng Duối B trận địa xơ xác, tiêu điều. 12 giờ trận địa im tiếng súng, đồng chí Dõng động viên anh em tăng cường quan sát sẵn sàng chiến đấu.

Đến 13 giờ, địch tiếp tục mở đợt tấn công, bộ binh chỉ ở Giồng Duối A dùng hỏa lực, đạn nhọn bắn vào trận địa của ta. Sau 30 phút, địch lui về hướng Tây Bắc, ra kinh xáng Hậu Giang. Im tiếng súng, đồng chí Dõng lệnh cho các tổ giữ vững trận địa, tăng cường quan sát đề phòng địch rút quân còn ém lại một lực lượng chờ ta ra khỏi công sự tiếp tục tấn công. Đến 18 giờ, đội du kích tổ chức lui quân về căn cứ B1 cho lực lượng khác thay thế.

Kết quả sau thời gian chiến đấu, đội du kích xã đã tiêu diệt và bắn bị thương 35 tên. Trận chống càn của đội du kích xã Phú Hữu đã thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu, dũng cảm, kiên cường bám trụ, thực hiện khẩu hiệu “một tấc không đi một ly không rời”. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt nhưng du kích xã đã khắc phục khó khăn chịu đựng gian khổ chiến đấu, giữ vững trận địa, giữ vững căn cứ./.

TRÚC LINH

_____________
* Tài liệu tham khảo: Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, tập I do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, xuất bản 1991.

 
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727207