Truy cập hiện tại

Đang có 79 khách và không thành viên đang online

Xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò chủ thể của Người dân trong xây dựng nông thôn mới

(TUAG)- Xây dựng nông thôn mới phải phát huy vai trò chủ thể của người dân vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy, nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân cùng với nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới thì sớm đạt đích xã nông thôn mới.

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện ở chỗ người dân chính là người được thụ hưởng khi tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình. Vai trò của nhà nước, chính quyền địa phương chỉ là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt. Điều này thể hiện quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và tư tưởng Hồ Chí Minh “lấy sức dân để làm lợi cho dân”. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới vì nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp trong khi đó nguồn lực từ trong Nhân dân dồi dào, phải huy động nhiều nguồn lực mới có thể đem lại thành công của chương trình. Mà nguồn lực của Nhân dân cần huy động ở đây không chỉ là tiền của, công sức mà còn là cả trí tuệ.


Phát huy cả trí tuệ và nguồn lực từ nhân dân trong xây dựng, phát triển quê hương

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy chỉ có phát huy vai trò chủ thể của người dân mới bảo đảm sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 5/2022, tỉnh An Giang có 3 đơn vị cấp huyện (Thoại Sơn, TP Long Xuyên và TP Châu Đốc) có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 67/116 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” và không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Trong đó, có 25 xã đạt chuẩn “Xã Nông thôn mới nâng cao”. Đối với huyện nông thôn mới Thoại Sơn, đã có 13/14 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”. Xã Phú Thuận đã được tỉnh thẩm định và đang hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét công nhận. Vậy, sau khi Phú Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện thoại Sơn có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - huyện đầu tiên hoàn thành và dẫn đầu của tỉnh trong triển khai thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị của huyện Thoại Sơn cũng như sự đồng thuận, chung sức của các tầng lớp nhân dân. Thế mới thấy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong” - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã để lại bài học quý báu, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy sức dân.

Từ khi huyện Thoại Sơn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay đã hơn 10 năm, thời gian không dài nhưng huyện đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhân dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Quá trình đó, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp.

“Tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020 - 2025, Thoại Sơn đặt mục tiêu phấn đấu, năm 2023 hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, có 100% xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; phấn đấu 2 xã Vĩnh Trạch, Định Thành đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, Thoại Giang đạt xã NTM thông minh. Với mục tiêu đó, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị huyện tiếp tục thể hiện quyết tâm cao. Đồng thời, tích cực huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nhất là khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh.


Nguồn lực nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là không nhỏ

Là người dân có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, ông Đinh Thừa Tự (70 tuổi, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) bày tỏ: “Từ khi địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới, diện mạo nông thôn đã thay đổi hoàn toàn. Từ điện, đường đến trường, trạm đều khoác lên mình một diện mạo mới đẹp hơn. Người dân chúng tôi lại càng phấn khởi hơn khi được địa phương tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Qua thành quả đạt được từ xã nông thôn mới, chúng tôi ý thức được rằng, nông thôn mới nâng cao sẽ càng góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng quê hơn. Thời gian qua, bản thân tôi và gia đình luôn tích cực đóng góp tiền của, công sức tham gia cùng chính quyền địa phương và bà con nhân dân xây dựng nông thôn mới như: xây cầu, làm đường, cất nhà cho hộ khó khăn… Tôi cho rằng, khi mỗi người dân đều ý thức xây dựng nông thôn mới không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương thì khi đó việc gì cũng thành công!”.

Vai trò chủ thể của người dân trước hết thể hiện rõ ở việc phát huy quyền làm chủ qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chính quyền địa phương, từng cán bộ, đảng viên là người định hướng, tuyên truyền để nhân dân thấy và hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình thì nông thôn mới sẽ thật sự thành công.

PHƯƠNG LAN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40075213