Truy cập hiện tại

Đang có 250 khách và không thành viên đang online

An Giang phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc

(TGAG)- Giám sát và phản biện xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, trên tinh thần Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trên cơ sở Thông tri 04/TTr-MTTW-BTT ngày 29/8/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Hướng dẫn quy trình giám sát bằng Đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp cùng Sở Nội vụ, Sở Tư pháp tổ chức 02 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu Trưởng, Phó Trưởng ấp, khóm nhiệm kỳ 2017-2020, bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân và bầu Hòa giải viên cơ sở tại 11 huyện, thị xã, thành phố và 33 xã, phường, thị trấn; phối hợp cùng Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở đối với huyện Phú Tân, thành phố Long Xuyên. Tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng cao tại 2 huyện Chợ Mới, Thoại Sơn; phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2017 và kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về Môi trường năm 2017 tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Trung Tâm NCKHXH&NV Trường Đại học An Giang tổ chức 02 cuộc điều tra xã hội học về “Sự hài lòng của người dân đối với các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” và “Sự hài lòng của người dân đối với lĩnh vực hành chính công và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bên cạnh hoạt động giám sát của hệ thống MTTQ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn trong việc lựa chọn nội dung bức xúc trong nhân dân để tiến hành khảo sát như: về chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh, kết quả thực hiện các quyết định về đất đai có hiệu lực của tỉnh... Sau khảo sát, thành viên các Hội đồng tư vấn có nhiều ý kiến tư vấn giúp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị đối với Trung ương, tỉnh, các ngành chức năng nhằm quan tâm hơn và có giải pháp đối các vấn đề mà đoàn phát hiện, đề xuất để nâng cao chất lượng hiệu quả góp phần vào việc thực hiện các chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh; góp phần vào kết quả thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ của mình Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia với các đoàn kiểm tra, giám sát với Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; tham gia cùng Thường trực, các Ban của HĐND, các sở ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người, giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, an toàn thực phẩm, tiến độ xử lý việc đóng lấp bãi rác gây ô nhiễm, tiến độ thi công hệ thống thoát nước thải trên địa bàn thành phố Long Xuyên, công tác phòng chống buôn lậu, hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh...

Tổ chức 02 cuộc tọa đàm về công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Qua đó, tìm ra nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, kinh nghiệm và đề ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 1.802 vụ, việc đối với những nội dung quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó giám sát 824 công trình phúc lợi do nhân dân đóng góp. Qua giám sát, đã thực hiện 162 kiến nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị thẩm quyền khắc phục, xử lý 132 vụ, việc còn sai sót, hạn chế. Kết quả trên tiếp tục khẳng định hoạt động giám sát tại cộng đồng dân cư là một trong những nội dung quan trọng, thường xuyên, liên tục góp phần phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của nhân dân trong việc thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở, cùng chính quyền địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chấp hành đúng chính sách, pháp luật của nhà nước... góp phần tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được MTTQ các cấp tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thông qua việc tổ chức cho người dân góp ý kiến đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền ngày càng có hiệu quả.

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 22 cuộc giám sát chuyên đề; các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Mặt trận tập trung giám sát các chuyên đề quan trọng khác.

Tóm lại, công tác giám sát giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan đơn vị liên quan được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền và phối hợp ngày càng chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh sẽ phát huy vai trò của mình, triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

TỪ THANH KHIẾT
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37179483