Truy cập hiện tại

Đang có 148 khách và không thành viên đang online

“Khiêm tốn mà nói” thì... không khiêm tốn tí nào!

(TG)- Theo cách hiểu thông thường, một cá nhân được coi là người khiêm tốn khi tập thể hoặc những người xung quanh nhận định - xác nhận đức tính đó (đánh giá khách quan), còn khi cá nhân đó luôn tự nhận và cho mình là người khiêm tốn theo kiểu “tôi là người khiêm tốn” hay “khiêm tốn mà nói…” thì dường như anh ta… không khiêm tốn tí nào!


(Hình minh họa)

Dù có những diễn giải khác nhau về “khiêm tốn” - trong nhiều bộ Từ điển Tiếng Việt, Từ điển Hán - Việt, Từ điển Hán - Nôm nhưng tựu chung đều thống nhất: Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao mình trước người khác. Người khiêm tốn là người biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải và dè dặt…

Trái ngược với đức tính khiêm tốn là thái độ tự cao, tự đại, kiêu căng, tự phụ, luôn tỏ ra hơn người khác trong mọi lĩnh vực. Người không khiêm tốn không chỉ ngộ nhận về khả năng của mình, mà còn luôn “thổi phồng” “có ít xít ra nhiều” so với những gì họ có. Bên cạnh việc thích khoe khoang về gia thế, tiền tài địa vị... người không khiêm tốn còn thường “không biết mình là ai”, đề cao “cái tôi” một cách quá lố. Nói theo ngôn ngữ thời @ thì đó là những người thích “chém gió”, thích “nổ” về bản thân mình ở bất kỳ hoàn cảnh - môi trường nào, với bất cứ ai…

Như vậy, khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp, một phẩm chất quý giá, đáng được trân trọng trong mọi thời đại và mọi xã hội. Khi chúng ta nói đến tính khiêm tốn đi kèm với thành tích, tài năng của một cá nhân nào đó, nghĩa là cá nhân đó đang được tập thể, xã hội kính trọng, thừa nhận như một tấm gương sáng, một biểu tượng đáng học tập. Thông thường, người ta chỉ nói đến một cá nhân có đức tính khiêm tốn, chứ ít khi nói đến một tập thể khiêm tốn (ngay cách nhận định mang tính “tổng kết” về một quốc gia - dân tộc kiểu như “Dân tộc A là một dân tộc khiêm tốn” thì xem ra cũng không ổn!). Và cũng theo cách hiểu thông thường, một cá nhân được coi là người khiêm tốn khi tập thể hoặc những người xung quanh nhận định - xác nhận đức tính đó (đánh giá khách quan), còn khi cá nhân đó luôn tự nhận và cho mình là người khiêm tốn theo kiểu “tôi là người khiêm tốn” hay “khiêm tốn mà nói…” thì dường như anh ta… không khiêm tốn tí nào!

Về mặt ngôn ngữ, cho đến thời điểm hiện tại, tính từ khiêm tốn không có một ý nghĩa “ngoại lai”, “tiếp biến” hay “cách tân” nào khác ngoài những giá trị mà nó biểu đạt. Nếu có, thì “khiêm tốn” cũng chỉ được “biến tấu” trong khẩu ngữ với hàm ý hài hước - vui vẻ. (Ví dụ: “Cô ấy được cái tốt nết, mỗi tội hơi bị “khiêm tốn” về dung nhan và chiều cao”; “Tớ cũng muốn tham gia lắm, kẹt nỗi là tiền bạc và sức khỏe dạo này đang “khiêm tốn” quá”…).

Ấy vậy mà lâu nay, trong không ít báo cáo thành tích, bài viết nêu gương (về tập thể hay cá nhân) hoặc trong giao tiếp, chúng ta vẫn “bắt gặp” những nội dung sử dụng tính từ “khiêm tốn” như sau:

1. “Mặc dù kết quả còn khiêm tốn, nhưng có thể khẳng định, những thành tựu nổi bật của cơ quan trong năm qua đã thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo và tinh thần đoàn kết không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo và công nhân viên…”.

2. “…Tuy nhiên, những kết quả của chúng ta vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, nhiều lĩnh vực chưa đạt mục tiêu đề ra…”.

3. “Với tinh thần khiêm tốn, chúng tôi cho rằng những thành tích vượt trội trong quá trình đổi mới phương pháp dạy và học của mình xứng đáng được tuyên dương…”.

4. “Khiêm tốn mà nói, cho đến thời điểm hiện tại thì những “chỉ số” đạt được của chúng tôi cũng là “xưa nay hiếm”…”.v.v..

Trước hết, phải khẳng định, tính từ “khiêm tốn” trong những văn cảnh nêu trên đều được sử dụng với thái độ nghiêm túc của người viết, người nói (chứ không hề mang tính “khẩu ngữ” hay hài hước, châm biếm). Bên cạnh đó, về mặt khách quan, những “trích dẫn” này cũng không thể hiện sự kiêu căng hay phô trương, khoe mẽ - trái ngược với “khiêm tốn” (mà hoàn toàn phù hợp với với văn cảnh của một báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo thành tích hay một bài viết nêu gương…). Vậy điều chưa đúng, chưa chuẩn khi sử dụng “khiêm tốn” trong các ví dụ trên là gì?

Chính là sự nhầm lẫn về ngữ nghĩa và do thói “sính chữ” “nghe lâu quen tai” - thấy hay, thấy sang thì “bê” vào cho “thêm phần văn vẻ”.

Trong ví dụ 1 và 2, người viết mặc nhiên “đánh đồng” nghĩa của từ “khiêm tốn” với “chưa tới tầm”, “chưa đạt mục tiêu đề ra”, “chưa được như mong muốn”, thậm chí coi “khiêm tốn” là “cái còn hạn chế” “điều còn thiếu sót” trong tổng thể thành tích, kết quả đạt được. Trong trường hợp này, thiết nghĩ, nên khắc phục và “chỉnh” lại - thay vì viết hoặc nói “Mặc dù kết quả còn khiêm tốn…”, thì nên nói hoặc viết “Mặc dù kết quả chưa được như mong muốn” hoặc “…chưa đáp ứng kỳ vọng cũng như mục tiêu đề ra”…

Ở trích dẫn 3 và 4, người nói, người viết dường như lại “nhầm nghĩa” giữa“khiêm tốn” với “tự hào”. Hoặc cũng có thể vì muốn nói tránh đi - vì e ngại người khác đánh giá là thiếu khiêm tốn, nên sử dụng cụm từ “Với tinh thần khiêm tốn…” “Khiêm tốn mà nói…”. Nếu vậy thì việc sử dụng tính từ “khiêm tốn” trong ngữ cảnh này lại là thừa, là “vô duyên”! Cách “nói đúng, viết đúng” nhất trong trường hợp này là thay“khiêm tốn” bằng: “Với niềm tự hào…”, “Tự hào mà nói…”.

Không ít người cho rằng, khi đánh giá về một kết quả chưa được như ý muốn chủ quan hoặc kết quả đó còn có ở mức trung bình hoặc dưới trung bình, thì sử dụng “khiêm tốn” là “đắt” nhất, vì nó vừa mang tính hai mặt (hiểu thế nào cũng được), vừa góp phần “không khí văn chương” vào báo cáo, bài viết, thậm chí là thể hiện sự khiêm tốn của tập thể và cá nhân… Hiểu như vậy là chúng ta đang vô tình “bóp méo” và làm biến dạng cái đúng, cái hay, cái đẹp của tiếng Việt.

Xin kết thúc bài viết ngắn với mẩu chuyện nhỏ liên quan đến “định nghĩa” về “khiêm tốn” của Bác Hồ: Ngày 23-7-1957, trong bữa cơm trưa thân mật, Chủ tịch nước Ba Lan Davátski hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là một người nổi tiếng về khiêm tốn. Vậy theo đồng chí, khiêm tốn phải thế nào?”. Bác trả lời: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức... Ðối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Ðối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Ðối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”(1)./.

____________________________
(1) Nhiều tác giả: Khắc sâu những lời Bác dạy, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, tr. 56-57.

Minh Triết
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40680456