Truy cập hiện tại

Đang có 232 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

An Giang qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33) về văn hóa

(TGAG)- Ngày 09/06/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Hội nghị lần thứ 9 đã ban hành Nghị quyết số 33 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Để cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 33, ngày 21/05/2015.

Qua hơn 3 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 33 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, nhìn một cách tổng quan, đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực.

Trước hết là về mặt nhận thức. Có thể thấy rằng, với việc triển khai quán triệt nghị quyết khá đồng bộ, nghiêm túc cùng với việc cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương; chương trình hành động của Tỉnh ủy; kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương đơn vị. Khác với lần tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII trước đây, lần này UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh triển khai thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được thực hiện một cách tập trung và toàn diện hơn theo hướng chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh tuyên truyền chiều rộng bằng các hình thức trực quan, tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn tại 11 huyện, thị, thành phố, tập huấn tuyên truyền cho đối tượng là báo cáo viên cấp huyện và cơ sở, lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể cũng như đội ngũ văn nghệ sỹ, báo chí trên địa bàn.

Các phong trào văn hóa văn nghệ cũng từng bước được quan tâm củng cố nâng chất. Phong trào TDĐKXDĐSVH được gắn với triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo sự đổi thay tích cực bộ mặt nông thôn. Văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn: Kinh, Khmer, Chăm,  Hoa... cũng được quan tâm bảo tồn và quảng bá, giới thiệu ra bên ngoài. Nhiều giá trị truyền thống như: Nghệ thuật đờn ca tài tử, Diễn tấu đàn Chà Pây; Nghệ thuật viết Kinh trên lá Buông... được bảo vệ và phát huy. Quan tâm đầu tư các dàn nhạc Ngũ âm cho đồng bào dân tộc, bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, kiến trúc, văn hóa. Lễ hội truyền thống được giữ gìn và phát triển, quản lý lễ hội từng bước đi vào nề nếp. Nhiều nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Văn học nghệ thuật cũng có bước phát triển mạnh mẽ, tự hào là tỉnh hình thành được hệ thống Hội Văn học nghệ thuật tới cấp huyện và hoạt động rất hiệu quả với hàng ngàn hội viên. Đặc biệt không chỉ có sự da dạng đến từ văn hóa các dân tộc cùng cộng cư trên địa bàn, đời sống văn hóa của tỉnh cũng ngày một phong phú hơn nhờ bổ sung thêm các giá trị đến từ văn hóa các tôn giáo bản địa mang đậm tính hào hiệp, trượng nghĩa, thương người... tạo thành nhiều phong trào xã hội hóa rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Vui với những kết quả tích cực, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế đòi hỏi các cấp các ngành và toàn xã hội phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới.

Đạo đức xã hội còn nhiều biểu hiện đáng lo ngại, nhất là trong giới trẻ. Tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, nhất là vấn đề tệ nạn ma túy  gia tăng gây lo lắng bức xúc trong cộng đồng. Một số vụ án nghiêm trọng có liên quan tới đối tượng là người An Giang đi làm ăn xa, tác động không tốt tới hình ảnh thân thiện, hào hiệp, trượng nghĩa và giàu lòng mến khách của đất và người An Giang. Văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử trong cộng đồng xuất hiện những xu hướng không lành mạnh. Bệnh hình thức, bệnh thành tích... chi phối, trở thành nguyên nhân dẫn tới hệ lụy đạo đức công vụ xuống cấp, làm cho cán bộ ngại va chạm, thích xu nịnh, bợ đỡ, dối trên gạt dưới... nặng nề hơn dẫn tới suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.  Hệ thống thiết chế văn hóa nhất là các thiết chế văn hóa thiết yếu như quảng trường, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện chậm được đầu tư. Thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc, với tình trạng ngày càng thưa thớt người đọc vào thư viện và các phòng đọc sách. Vấn đề nghiện game online của giới trẻ, thực trạng bùng nổ thông tin mạng trong đó rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng làm cho người dân, nhất là giới trẻ dễ bị đầu độc do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, bản lĩnh ứng phó trong cơn bão thông tin đã và đang gây nhức nhối.   

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh, mặt tích cực là không thể phủ nhận, thế nhưng cũng còn không ít những nỗi lo hiện hữu!

Trong Báo cáo Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa (VIII) - một nghị quyết có ý nghĩa như chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đầu đổi mới. Bài học lớn mà Đảng đã thẳng thắn chỉ ra đó là: việc thể chế hóa nghị quyết còn chậm... phát triển văn hoá chưa tương xứng với phát triển kinh tế... một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa vai trò và tầm quan trọng của văn hóa... và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị!

NGUYỄN MẠNH HÀ


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39976029