Truy cập hiện tại

Đang có 60 khách và không thành viên đang online

Phát huy vai trò của tuổi trẻ An Giang trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

(TGAG)- Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa lại cho chúng ta sự nhận diện khá đầy đủ, sắc nét về thực trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhận diện đúng để qua đó, mỗi cá nhân và tổ chức trong Đảng có thể tự soi mình. Nhận diện đúng là để suy ngẫm và hành động, để sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trong cuộc chiến đầy cam go này, không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của những đoàn viên, thanh niên đang công tác tại các cơ quan, tổ chức đoàn thể, và trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 

Trong thời gian qua, Đảng ta luôn đặt niềm tin yêu vào Đoàn TNCS  Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam. Đáp lại kỳ vọng đó, các lớp thế hệ trẻ đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Theo kết quả điều tra xã hội học về “Tình hình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tỉnh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện, tính đến tháng 11/2016 toàn tỉnh có gần 700.000 thanh niên dưới 30 tuổi, chiếm 30% dân số. Trong đó, có trên 197.000 thanh niên tham gia vào các tổ chức của Đoàn, Hội, chiếm 28% thanh niên toàn tỉnh. Nhìn chung, thanh niên An Giang có trình độ và tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống văn minh, hăng say lao động, sống có lý tưởng, thể hiện rõ ý chí quyết tâm phấn đấu của bản thân trong lập thân, lập nghiệp, vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Đa số quan tâm nhiều đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương, tham gia tích cực vào các phong trào Đoàn và các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít thanh niên đang công tác tại các tổ chức đoàn, hội trên địa bàn tỉnh thiếu tinh thần đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; thiếu tin tưởng vào sự phát triển địa phương, vào công cuộc đổi mới của đất nước... Những mặt tiêu cực này cũng bởi do thanh niên có đặc điểm rất nhạy cảm, dễ tiếp cận cái mới, tự khẳng định mình, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn hạn chế, dễ bị lôi kéo. Từ đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách kích động, nhất là lớp trẻ tri thức. Chúng bịa đặt, đưa nhiều thông tin sai lệch, lấp lửng, giật gân, khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội được báo chí trong nước đăng tải và hướng luồng dư luận vào những vụ việc này để kích động lớp trẻ tỏ thái độ bất mãn. Với chiêu bài này, chúng đã đạt được mục đích là hình thành một bộ phận thanh niên ít rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống nên không đủ kiến thức và sự tỉnh táo để nhận diện âm mưu thâm độc của chúng, nhằm làm chuyển hóa tư tưởng, dẫn tới quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Vấn đề này, nếu không được quan tâm giải quyết sẽ tạo ra lệch lạc trong nhận thức và hành động, gây hậu quả khó lường.

Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay của giới tri thức trẻ cần thực hiện nhiều giải pháp cơ bản, đồng bộ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định. Trong đó, nhiệm vụ giáo dục nâng cao nhận thức về mức độ nguy hại, bởi hiện nay, một số ít đoàn viên và thanh niên vẫn còn mơ hồ, chưa nhận thức đúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ nguy hiểm của nó đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ. Trước mắt, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi đoàn viên, thanh niên đang công tác tại các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhận thức được những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi đoàn viên, thanh niên trước sự tác động chuyển hóa, cùng những tiêu cực trong đời sống xã hội. Việc giáo dục nâng cao nhận thức phải đi đôi với khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, không thể hiện rõ lập trường, quan điểm trước những hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên trong giai đoạn hiện nay, đó vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Đối với bản thân mỗi thanh niên, đoàn viên cần không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Sống có mục tiêu, lý tưởng, có ước mơ, hoài bão cao đẹp. Đồng thời, cần nắm bắt, tự trang bị cho mình những kiến thức, hiểu rõ được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước, không để những đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo dẫn tới sa ngã. Khi tiếp nhận thông tin cần trang bị cho mình vốn kiến thức nhất định để biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời báo Tiền Phong nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017 đã khẳng định, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 trong đoàn viên, thanh niên, giới trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì phải chống ngay từ đầu, tức là khi mới có dấu hiệu của mầm bệnh thì chúng ta phải “bốc thuốc” chữa trị dứt điểm ngay, chứ để “bệnh nặng” rồi thì chữa trị sẽ vô cùng vất vả, phức tạp, tốn kém. Câu nói này cần xem như là phương châm để mỗi đoàn viên, thanh niên nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

NGỌC HÂN



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37196490