Truy cập hiện tại

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

Ngành Y tế An Giang đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống

(TGAG)- Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 22-3-2016 của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Để tổ chức thực hiện đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương

Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, các kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân phải được đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.

Các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, quy định rõ trách nhiệm và tăng cường công tác kiểm tra. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở cơ sở. Tăng cường công tác phát triển Đảng đối với đội ngũ cán bộ y tế trẻ; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành. Phát huy vai trò tham mưu của ngành y tế với cấp ủy và chính quyền địa phương; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo cho cấp ủy, chính quyền để kịp thời chỉ đạo.

Thứ hai, Phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, tập trung tạo chuyển biến rõ nét trong chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế

Tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh An Giang từ năm 2015 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ưu tiên phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế- dân số và nâng cao sức khỏe. Đẩy mạnh phong trào vệ sinh, phòng bệnh gắn với luyện tập thể dục thể thao. Tăng cường các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các hoạt động phục hồi chức năng.

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ để thực hiện tốt công tác sóc sức khỏe ban đầu, triển khai thực hiện tốt mạng lưới bác sỹ gia đình. Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, nâng cao chất dịch vụ khám chữa bệnh, chú trọng hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Từng bước xây dựng các bệnh viện chuyên khoa, chuyên sâu; liên kết với các bệnh viện tuyến trên, các viện, trường đại học chuyên ngành hình thành các bệnh viện, trung tâm dịch vụ kỹ thuật cao tại tuyến tỉnh. Huy động các nguồn lực phát triển các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện công cung ứng các dịch vụ y tế với chất lượng cao.

Đẩy mạnh phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền, kết hợp đông tây y, xây dựng bệnh viện y học cổ truyền. Khuyến khích người dân trồng và bảo tồn các dược liệu quý trên cơ sở quy hoạch vùng dược liệu, phát triển các cơ sở chế biến dược liệu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số và chỉ số phát triển con người.

Thứ ba, Đổi mới cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế

Đổi mới phân cấp quản lý theo hướng tổ chức, sắp xếp hệ thống y tế công lập theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ và Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp y tế. Tăng cường vai trò chủ động của ngành và sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp trong đầu tư phát triển sự nghiệp y tế.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho nhân dân. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về y tế, nhất là đối với bảo hiểm y tế, giá thuốc, hành nghề y - dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm... Xử lý nghiêm minh các vi phạm về đạo đức và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Thứ tư, Đổi mới cơ chế tài chính y tế công, huy động mọi nguồn lực cho phát triển sự nghiệp y tế

Đổi mới cơ chế tài chính y tế công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các nguồn tài chính công (bao gồm ngân sách nhà nước, phí bảo hiểm y tế), giảm dần việc thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh. Cơ cấu lại nguồn tài chính cho ngành y tế theo hướng tăng tỷ trọng nguồn tài chính công trong tổng ngân sách chi cho y tế từ tất cả các nguồn. Cơ cấu lại phân bổ ngân sách theo hướng ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, thông tin truyền thông giáo dục sức khỏe, vùng khó khăn,..., chuyển cơ chế đầu tư trực tiếp ngân sách nhà nước cho các cơ sở dịch vụ công sang đầu tư trực tiếp cho người hưởng thụ dịch vụ bằng mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có công với nước, người tàn tật, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo,...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia. Đồng thời, đổi mới chính sách viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế, bảo đảm rành mạch giữa phần hỗ trợ của Nhà nước và phần đóng góp của người dân trong giá dịch vụ, có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh lạm dụng thuốc, kỹ thuật, dịch vụ đối với người bệnh, cũng như việc phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh.

Đề ra giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc do những cơ chế, chính sách không phù hợp để giúp các cơ sở y tế công lập phát triển, tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập thu hút các nguồn vốn đầu tư khác như vay vốn, góp vốn với mọi hình thức để nâng cấp trang thiết bị hiện đại và hạ tầng cơ sở. Nâng cao nhận thức và tăng cường huy động các nguồn lực của cộng đồng một cách có hệ thống trên cơ sở tự giác, tự nguyện chủ động tham gia của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, Phát triển nguồn nhân lực y tế

Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2016 -2020. Đảm bảo đủ nhân lực theo cơ cấu lao động của ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển. Phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 08 bác sỹ/10.000 dân theo Nghị quyết X Đảng bộ tỉnh. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng; phối hợp chặt chẽ với các trường đại học y dược khu vực và cả nước để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngành y tế. Xây dựng Đề án thành lập trường Cao đẳng y tế để chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế.

Mở rộng đào tạo cán bộ có trình độ cao ở nước ngoài bằng kinh phí Nhà nước; khuyến khích du học tự túc các chuyên ngành đang có nhu cầu. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách về đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ cán bộ y tế theo các quy định; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh để thu hút cán bộ y tế, ưu tiên hỗ trợ phát triển cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, các lĩnh vực còn thiếu cán bộ của ngành y tế (tâm thần, lao, HIV/AIDS, y học cổ truyền,...), phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, kỹ thuật cao ở tuyến tỉnh.

Xây dựng chính sách luân phiên cán bộ thực hiện nghĩa vụ xã hội đối với vùng núi, vùng khó khăn, y tế cơ sở ở nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ về tiền lương, phụ cấp theo lương, phụ cấp đặc thù của Nhà nước; đồng thời thực hiện tự chủ tài chính, nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế công lập.

Thứ sáu, Nâng cao hiệu quả thông tin - giáo dục - truyền thông

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe, pháp luật, các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường sự chỉ đạo của ban tuyên giáo các cấp về việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân. Tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi, khuyến khích huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, mọi tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ bảy, Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, lồng ghép các yêu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường huy động các nguồn lực của cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm và khai thác các nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số./.

 

TỪ QUỐC TUẤN

 Giám đốc Sở Y tế An Giang

 

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40796085