Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Một số hạn chế cần khắc phục về công tác gia đình ở An Giang trong giai đoạn hiện nay

(TGAG)- Chúng ta đã thường quan niệm “Gia đình là tế bào của xã hội”, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, công tác xây dựng những tế bào lành mạnh cho xã hội là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp quan tâm đặc biệt.

Tất cả nỗ lực của các ngành, các cấp, suy cho cùng là để phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi người dân và nó được thể hiện thông qua sự thịnh vượng của đất nước gắn liền với sự hạnh phúc của từng tổ ấm gia đình. Quán triệt quan điểm “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”, trong những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các ngành, các cấp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình.


Năm 2013, UBND tỉnh  An Giang ban hành Quyết định số 670/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang. Bám sát nội dung và thực hiện các mục tiêu mà Kế hoạch đã đề ra, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh An Giang đến nay đã có những bước tiến triển rõ rệt. Song song với những mặt tích cực, công tác gia đình ở tỉnh An Giang hiện nay vẫn còn những mặt tồn tại cần phải khắc phục.

Trước nhất là về bộ máy tổ chức, cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của công tác gia đình. Ở cấp tỉnh, bộ máy hoạt động chủ yếu là một bộ phận do Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch quản lý. Đến cấp huyện, công tác này thường chỉ được giao cho một chuyên viên của Phòng Văn hóa - Thông tin phụ trách. Đến cấp xã, công tác này hiện đang do cán bộ (những người hoạt động không chuyên trách) xóa đói giảm nghèo - gia đình và trẻ em phụ trách. Đối với cấp ấp, hoàn toàn không bố trí cán bộ phụ trách công tác gia đình, mặc dù cấp này mới là cấp thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình xây dựng gia đình ở địa phương. Nhân sự ở cấp huyện và xã không cùng một hệ thống quản lý nên rất khó khăn trong công tác triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của công tác gia đình.

Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp gồm những thành viên kiêm nhiệm từ nhiều ban, ngành, không có điều kiện tập trung cho việc thực thi các nhiệm vụ đã đề ra. Về phương thức hoạt động, công tác gia đình hiện nay chủ yếu tập trung phương thức tuyên truyền, vận động, chưa xây dựng được quy trình tác nghiệp cụ thể tác động trực tiếp đến đối tượng từng hộ gia đình.

Nhận thức về công tác gia đình của người dân còn rất yếu do trình độ dân trí còn thấp. Quan niệm “trọng nam khinh nữ”, phong cách “gia chủ”, tâm lý “xấu chàng thì hổ ai” còn tồn tại trong đại bộ phận người dân vùng nông thôn. Mức sống của phần lớn các gia đình còn thấp, nhiều gia đình phải ly tán, đi làm ăn xa để tìm kế sinh nhai nên không có điều kiện để giáo dục con cái, chăm lo hạnh phúc gia đình, dễ gây ra đổ vỡ.

Kinh phí để đảm bảo cho công tác gia đình ở các cấp hiện nay cũng là một hạn chế cần khắc phục. Nhiều đề án, kế hoạch hoạt động ở cấp dưới xây dựng một cách máy móc, rập khuôn theo các đề án, kế hoạch từ cấp trên ban hành xuống mà không tính đến nguồn lực để thực hiện.

Để công tác gia đình trong thời gian sắp tới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tích cực khắc phục những hạn chế kể trên.

Trước nhất, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt tầm quan trọng của công tác gia đình trong thời kỳ hội nhập quốc tế đến các cấp lãnh đạo. Tác động làm thay đổi nhận thức của nhân dân lao động, nhất là đối với nông dân các quan niệm tiến bộ về gia đình. Bổ sung chỉ tiêu phát triển gia đình bền vững vào hệ thống các chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Về tổ chức nhân sự, cần linh động hình thành hệ thống quản lý và tác nghiệp công tác gia đình khép kín từ tỉnh đến cấp khóm, ấp; củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác gia đình; về lâu dài, cần thuyết phục, đề xuất với các bộ, ngành, hình thành cơ quan chuyên trách về công tác gia đình, đủ sức đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cần xác lập tư duy năng động, sáng tạo, trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển gia đình từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực hiện công tác gia đình theo chỉ đạo của Trung ương, đồng thời phải nghiên cứu tình hình của địa phương để đề ra những bước đi cụ thể, phù hợp với nguồn lực, hiệu quả cụ thể đến đời sống cộng đồng.

Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án cụ thể của từng bộ, ngành, hội - đoàn của Trung ương để đạt các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong các kế hoạch, phải xác định cụ thể nguồn lực để thực hiện, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân phụ trách các chương trình trong kế hoạch.
                                                      
TRƯƠNG BÁ TRẠNG
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40794545