Truy cập hiện tại

Đang có 105 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Thoại Sơn phát huy tiềm năng, lợi thế

(TUAG)- Thoại Sơn vốn là một huyện thuần nông với cơ sở vật chất, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu. Tuy nhiên, với truyền thống lao động cần cù, tích cực học hỏi, năng động, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ và Nhân dân Thoại Sơn, đã biến nơi đây thành một vùng đất trù phú qua hơn 40 năm khai phá, sáng tạo.

Khơi dậy những tiềm năng

Nhìn lại quá trình phát triển, kể từ khi tái lập huyện (ngày 23/8/1979), cứ mỗi chu kỳ trên dưới 10 năm, vùng đất Thoại Sơn lại có một bước chuyển mình mới. Giai đoạn 1979-1989, với sức người là chính, kết hợp với một phần máy móc, Thoại Sơn tập trung chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ, năng suất thấp sang lúa 2 vụ, hoàn thành vào năm 1990, đưa địa phương trở thành huyện có sản lượng lương thực cao nhất tỉnh.

Giai đoạn 1989-2009, Thoại Sơn tập trung xây dựng hệ thống đê bao khép kín và nhanh chóng chuyển toàn bộ 35.000 ha đất nông nghiệp sang làm 3 vụ, tăng vòng quay của đất, kết hợp với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo, khai thác thiên nhiên và các di tích văn hóa – lịch sử để phát triển du lịch (Nông nghiệp và du lịch được xác định là 2 mũi nhọn trong phát triển kinh tế). Đồng thời, đây cũng là giai đoạn Thoại Sơn thực hiện các Đề án kinh tế - xã hội (13 đề án) nhằm đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững. Kết thúc thực hiện các đề án, Thoại Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 2009) vì đã có “thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1999 đến năm 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Năm 2010, Thoại Sơn bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Phát huy những thành tựu đã đạt được, với quyết tâm cao, Đảng bộ Thoại Sơn tiếp tục dựa vào sức dân và nhanh chóng trở thành điểm sáng, được chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang. Kết quả xây dựng nông thôn mới tác động mạnh mẽ đến đời sống Nhân dân. Cuối năm 2018, mức thu nhập bình quân đầu người/năm vượt 47.000.000 đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Đến nửa đầu năm 2019, Thoại Sơn hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu của huyện nông thôn mới, trước thời hạn 1 năm; đồng thời có 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao là Vĩnh Trạch và Thoại Giang (cuối năm 2019).

Qua 40 năm kể từ khi tái lập huyện, Thoại Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” và “Huyện nông thôn mới” đầu tiên của tỉnh An Giang; là huyện đầu tiên của cả nước nhận được 3 danh hiệu trên, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế

Bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao (mục tiêu đến năm 2025) và nông thôn mới kiểu mẫu, Thoại Sơn xác định tiềm năng, lợi thế của mình là: Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực trung tâm tứ giác Long Xuyên; giáp ranh, có trục giao thông đường bộ và cả đường thủy kết nối với 3 thành phố lớn (Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá). Là huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long, với tiềm năng về đất đai còn lớn, tiếp giáp với nhiều vùng nguyên liệu, sẽ là những tiền đề quan trọng để huyện vừa mời gọi, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Bên cạnh đó, Thoại Sơn cũng là địa bàn có nhiều di tích văn hoá lịch sử, đặc biệt là di tích văn hoá cấp quốc gia Óc Eo – Ba Thê, Thiền Viện Trúc Lâm An Giang cùng với cảnh quan đa dạng, phong phú, là nền tảng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đảng bộ Thoại Sơn có truyền thống đoàn kết, thống nhất; đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong huyện có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, năng lực và trình độ. Người dân Thoại Sơn ham học hỏi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Để đạt được mục tiêu trong giai đoạn mới, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn đề ra và quyết tâm thực hiện thắng lợi một số giải pháp quan trọng như:

- Phấn đấu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn quốc gia.

- Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ và công nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, truyền thống anh hùng và khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Với tinh thần không ngừng đổi mới, phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết của Đảng bộ, quân và dân huyện nhà, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hiện có, ngay sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Thoại Sơn đã bắt tay ngay vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao. “Không được có tâm lý nghỉ ngơi, “xả hơi”. Với sự tính toán kỹ lưỡng và kế hoạch đã vạch ra, Thoại Sơn sẽ quyết tâm vượt lộ trình của tỉnh trong xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu”  – Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thành Đô khẳng định./.

NGUYỄN QUỐC KHÁNH
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37155274