Truy cập hiện tại

Đang có 178 khách và không thành viên đang online

Bảo vật quốc gia - “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

(TGAG)- Trong khối di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, trong đó, có “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” bản viết tay của Bác. Trải qua 72 năm (19/12/1946 - 19/12/2018) nhưng lời kêu gọi bất hủ có giá trị lịch sử sâu sắc đó đã trở thành một văn kiện, một bản thiên cổ hùng văn, trường tồn cùng lịch sử Việt Nam trong mọi thời đại.

Bản viết tay Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta được hưởng tự do và làm chủ vận mệnh của đất nước. Mỗi người được cầm lá phiếu tự do lựa chọn người đại biểu cho mình ở cơ quan lãnh đạo nhà nước, được tự do khai hội, mít tinh, vui chơi trong không khí hội hè của những tháng năm đầu Cách mạng. Nhưng bất kể một cuộc cách mạng nào vừa thành công cũng đều đứng trước những khó khăn không nhỏ, nào thù trong, giặc ngoài, nào giặc đói, giặc dốt thi nhau phá hoại và ngăn chặn sự phát triển của cách mạng. Đất nước bị đế quốc bao vây bốn phía. Sự mất còn của cách mạng, của nền độc lập, thống nhất đất nước đặt vào một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước yêu cầu bức thiết đó, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mở rộng khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước; đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến chống Pháp xâm lược là kháng chiến lâu dài. Ngay đêm 19/12/1946, trên căn gác xép nhà ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có gần 200 chữ rất ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị nhưng đanh thép, đã vạch trần dã man xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta. Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang.

Mở đầu Lời kêu gọi Người viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”, cách mở đầu này cũng giống với cách mở đầu của tuyên ngôn Độc lập “Hỡi đồng bào cả nước!” khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng hai chữ “đồng bào” để xóa đi khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân dân, cũng như xóa đi khoảng cách giữa những người dân với nhau, bằng cách nhất mạnh vào một điểm chung duy nhất: tất cả đều là người Việt Nam, đều là anh em. Diễn văn này của Hồ Chí Minh bên cạch mục đích cụ thể luôn được tận dụng để tạo sự đoàn kết trong toàn dân. Tiếp đó, chỉ bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tính chính nghĩa của Việt Nam khi đòi hỏi hòa bình, đồng thời chỉ ra thái độ ngang ngược và âm mưu quyết tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Điều này đã nói lên đúng tâm tư, cảm xúc của mỗi người dân Việt Nam khi đó, họ đều cảm thấy mỗi hành động nhân nhượng cho hòa bình chỉ càng đẩy vị thế của mình thấp hơn và càng khiến cho thực dân Pháp hung hãn hơn trong hành động. Sự nhẫn nhịn từ phía Việt Nam đã bị thực dân Pháp đẩy đến giới hạn, tức là không phải Việt Nam muốn chiến tranh, mà chính thực dân Pháp đã buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên chiến đấu, đó là sự lựa chọn cuối cùng của nhân dân Việt Nam.
 
Có thể nói, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ở câu này, Hồ Chí Minh đã lột tả được toàn bộ và tận cùng cái tinh thần của người Việt Nam tại thời điểm đó và trong suốt chiều dài lịch sử. Với người Việt Nam, Tổ quốc là trên hết, dân tộc là trên hết. Nhắc nhở chúng ta rằng: không có lỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước, không có lỗi nhục nào bằng nỗi nhục nô lệ. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ quyền sống thiêng liêng của dân tộc, quyết không chịu trở lại với cuộc đời nồ lệ tăm tối! Một khi Tổ quốc bị lâm nguy, thì không có gì quan trọng bằng Tổ quốc, chúng ta sẵn sàng đánh đổi tất cả, hy sinh tất cả cho Tổ quốc.

Cuộc chiến tranh toàn quốc bùng nổ, toàn dân tộc lại đứng trước một thử thách mới lớn lao, Bác đã chỉ ra phương châm trong cuộc kháng chiến này đó là “toàn dân, toàn diện”. Người đã kêu gọi toàn dân: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Toàn diện được thể hiện ở chỗ: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Điều đó thể hiện ý chí toàn thể dân tộc Việt Nam quyết “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để bảo vệ nền tự do, độc lập mà Người đã tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thế giới. Có thể nói, nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là văn kiện mang tính Cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân tộc. Nhưng để phát huy sức mạnh của dân tộc, thực hiện toàn dân kháng chiến phải lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Cùng với kêu gọi toàn dân kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lời kêu gọi dành riêng cho bộ đội, tự vệ, dân quân: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Tất cả con dân Việt Nam sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để đạt được mục đích là “Việt Nam độc lập và thống nhất…”. Kết thúc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người truyền niềm tin thắng lợi cho toàn dân, toàn quân ta “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Đúng như dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 9 năm vào năm 1954 “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc gian khổ chiến đấu và hy sinh dành lại một nửa Việt Nam và hai mươi năm sau, với chiến thắng mùa xuân 1975, lực lượng Mỹ, Ngụy hoàn toàn bị quét sạch. Nước Việt Nam thống nhất một dải suốt từ Bắc chí Nam. Cuộc chiến tranh đã kết thúc thắng lợi.

Bảo vật quốc gia - “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc; là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu với mọi vũ khí sẵn có với một ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Kỷ niệm 72 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37174146