Truy cập hiện tại

Đang có 346 khách và không thành viên đang online

Anh - EU “đứt gánh”

Đúng 22 giờ ngày 23-6 theo giờ Anh (tức 4 giờ sáng 24-6 theo giờ Hà Nội), các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Anh đã đóng cửa, kết thúc cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của quốc gia này tại Liên minh châu Âu (EU). Cuối cùng, người Anh đã chọn quyết định rời khỏi EU, một liên minh với bề dày lịch sử 60 năm.


 
 Anh quyết định rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016. Ảnh: TTXVN

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ ngày 24-6 (giờ Hà Nội), 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit), trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại “ngôi nhà chung”. Với tỷ lệ chênh lệch là 1.269.501 người (tương đương 4%), phần thắng đã thuộc về phe những người ủng hộ Brexit.

Từ quan hệ nhiều thăng trầm…

EU được thành lập theo Hiệp ước Maastricht vào ngày 01-11-1993, dựa trên tiền thân của EEC (ra đời năm 1952) và hiện đã phát triển thành Liên minh gồm 500 triệu dân với 28 quốc gia thành viên. Năm 1973, Anh gia nhập liên minh và chỉ 2 năm sau (năm 1975), một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC đã được tổ chức ở Anh và kết quả là 67,2% người dân bỏ phiếu không ủng hộ việc rút lui này. Thế nhưng, sau hơn bốn thập niên gắn bó với EU, một bộ phận người dân Anh lại thấy rằng, mối quan hệ giữa nước Anh và EU không mang lại lợi ích cho quốc gia của họ, thậm chí còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề người nhập cư của khối.

Có thể thấy rõ tâm lý hoài nghi tồn tại ở Anh ngay từ khi nước này tham gia “ngôi nhà chung châu Âu”. Hầu hết 28 nước thành viên EU gia nhập Liên minh này vì những lý do rõ ràng và lâu dài. Đối với Pháp và Đức, hợp tác với EU là biện pháp để chữa lành những vết thương chiến tranh. Nước Bỉ nhỏ bé thấy đây là cơ hội để nâng được tiếng nói và tính hiệu quả của hoạt động ngoại giao. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Hà Lan nhìn thấy những cơ hội thương mại lớn. Còn đối với những nước mới gia nhập gần đây ở Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Hungary và Estonia,... EU được coi là sự cứu cánh về kinh tế và bảo đảm an ninh cho những nước này. Nước Anh thì ngược lại, gia nhập liên minh này vào năm 1973 một cách do dự, không hề nhiệt tình.

Đây là nền tảng cho chủ nghĩa hoài nghi EU lan khắp Đảng Bảo thủ và một bộ phận lớn người dân Anh. Nước Anh chưa bao giờ thực sự muốn trở thành một thành viên đúng nghĩa của EU ngay từ những ngày đầu tiên, thể hiện rõ qua việc đến nay, Anh vẫn đứng ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại (Shenghen). Trong chừng mực mà đất nước này muốn, thì động lực gia nhập EU là nhằm tiếp cận những lợi ích thương mại tự do tại khu vực. Tuy nhiên, Anh chưa bao giờ có ấn tượng tốt với các chính sách trợ cấp được thiết kế cho nông dân Pháp và các quyền lợi đặc biệt khác. Anh là quốc gia đóng góp lớn cho ngân sách EU kể từ khi nước này trở thành thành viên của khối (riêng năm 2015 đóng góp 13 tỷ bảng) nhưng khoản ngân sách EU “rót lại” cho nước này lại không nhiều (chỉ khoảng 4,5 tỷ bảng trong năm 2015).

Sự mở rộng dần quyền lực và các quy định mang tính can thiệp của EU vào hệ thống tư pháp, các nguyên tắc của thị trường lao động và nhiều lĩnh vực khác đã gây ra những bất bình lớn trong người dân Anh và sự thất vọng càng lớn hơn với những rắc rối đang diễn ra trong Eurozone. Đó còn chưa kể đến sự sụt giảm đáng kể về vị thế và tiếng nói của người Anh trong khối này. Vì thế, Anh càng có lý do để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai vào ngày 23-6-2016.

… đến những nỗ lực vận động tận phút chót

Các nhà vận động của cả hai phe ủng hộ và phản đối Brexit đã nỗ lực đến phút chót để truyền tải thông điệp của họ tới các cử tri trước khi nước Anh bước vào cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ngày 23-6 nhằm quyết định mối quan hệ của mình với EU.

Trong ngày vận động cuối cùng, Thủ tướng Anh D. Cameron đã đến thành phố Bristol cùng với cựu Thủ tướng J. Major và cựu Thủ lĩnh Công đảng H. Harman để thuyết phục cử tri bỏ phiếu lựa chọn Anh ở lại EU.

Cùng ngày, Thủ tướng D. Cameron nói trên đài phát thanh BBC Radio 4 rằng, quyết định rời khỏi EU sẽ tác động to lớn tới nước Anh, gây ra những thiệt hại không thể tính toán hết cho tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và ngân sách của mỗi gia đình. Thủ tướng D. Cameron cho rằng, không có nguy cơ nào từ việc ở lại EU khi Eurozone đang bắt đầu hồi phục và điều này sẽ tác động tới lượng người nhập cư đổ vào Anh sau một “giai đoạn bất thường”. Thủ tướng D. Cameron cũng nói rằng, ông sẽ vận động cho những thay đổi hơn nữa về các quy tắc cho phép đi lại tự do theo các phán quyết của Tòa án châu Âu nếu Anh bỏ phiếu ở lại, đồng thời khẳng định tiến trình cải cách EU sẽ tiếp tục ngay vào ngày 24-6 và giảm lượng nhập cư ròng không phải là một “mục tiêu không tưởng”.

Ở một sự kiện khác, xuất hiện cùng Thủ hiến xứ Wales C. Jones và Thị trưởng London S. Khan, Thủ lĩnh Công đảng J. Corbyn kêu gọi các ủng hộ viên của Công đảng tích cực đi bỏ phiếu và lựa chọn ở lại. Thông điệp của ông J. Corbyn nêu rõ “rời bỏ EU sẽ đe dọa nền kinh tế của chúng ta - đồng nghĩa với ít việc làm hơn và ít tiền hơn để trang trải cho dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và các dịch vụ công sống còn khác”.

Trong khi đó, các nhà vận động Brexit cũng ráo riết không kém trong nỗ lực lôi kéo những cử tri còn lưỡng lự. Có mặt tại chợ thủy hải sản Billingsgate nổi tiếng ở thủ đô London trước khi thực hiện chuyến đi xuyên xứ Anh để vận động cử tri, cựu Thị trưởng London B. Johnson kêu gọi người dân Anh tin tưởng vào đất nước và chớp lấy thời cơ này để lấy lại “tự do” cho nước Anh. “Đây là thời điểm để bắt đầu một mối quan hệ hoàn toàn mới với các bạn của chúng ta và các đối tác ở bên kia Kênh đào”, ông B. Johnson nói, “đây là thời điểm để tách khỏi hệ thống EU thất bại và bế tắc”. Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) N. Farage bày tỏ cá nhân ông và đảng UKIP đã trải qua “một hành trình dài và đơn độc” từ hơn 20 năm qua để theo đuổi mục tiêu rời khỏi EU và ông tin rằng, những người ủng hộ UKIP sẽ sẵn sàng bước trên chông gai để bỏ phiếu Brexit. Ông N. Farage kêu gọi cử tri Anh “bỏ phiếu với trái tim và linh hồn” để đưa Anh trở lại là một đất nước thông thường tự viết lên các điều luật của mình và tự quyết phẩm giá của mình trong tương lai.

Và cái kết sau hơn 4 thập niên

Năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”. Anh gia nhập EU một cách do dự, không hề nhiệt tình và đầy sự hoài nghi. 43 năm sau “cuộc hôn nhân gượng ép”, cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23-6-2016 càng chứng minh nhận định của Thủ tướng W. Churchill, Anh và EU đã không thể hòa hợp và gắn bó. Với tỷ lệ 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit và 48,1% số phiếu phản đối, người dân Anh đã tự quyết định đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ thành viên của EU.

Kết quả này không hoàn toàn bất ngờ vì trong suốt 4 tháng vận động quyết liệt của cả hai phe, nhiều người đã tiên đoán được kịch bản Brexit. Cho dù EU đã có nhiều sự nhượng bộ thông qua việc trao cho Anh “quy chế đặc biệt”, và các nhà lãnh đạo Anh và châu Âu, cũng như các chuyên gia kinh tế liên tục vẽ ra những viễn cảnh ảm đạm đối với việc Anh rời EU thì rốt cuộc người dân Anh vẫn có sự lựa chọn riêng của họ. Lịch sử một lần nữa cho thấy khi các cử tri đưa ra quyết định, họ hiếm khi tập trung vào vấn đề chính như các chính trị gia đề cập. Với người dân, lợi ích trước mắt và liên quan trực tiếp mới là quan trọng. Chẳng hạn, như trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp EU năm 2005, người Hà Lan tập trung vào đồng euro, trong khi người Pháp lại lo lắng rằng các thợ ống nước đến từ Ba Lan sẽ lấy đi việc làm của họ.

Tâm lý hoài nghi châu Âu vốn dồn nén suốt 43 năm qua đã được thể hiện qua lá phiếu của đa số cử tri Anh. Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, những mối lo ngại về an ninh - khủng bố và sự chán nản cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước trong Eurozone chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến nhiều cử tri Anh cảm thấy có lý do chính đáng để lựa chọn ra khỏi EU.

Thực tế trong vài năm gần đây, tại Anh ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ việc nước này ra khỏi EU. Nhiều công dân Anh cho rằng, họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Bản thân những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng, Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách.

Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Bên cạnh đó là tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu cũng như sự ổn định chính trị của cả Anh lẫn EU. Đặc biệt, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4% - 5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.

Ngoài ra, các chuyên gia dự báo đồng bảng Anh cũng sẽ rớt giá 14% - 15% chỉ trong vòng một năm, đẩy nước Anh đứng trước nguy cơ mất đi vị trí trung tâm tài chính toàn cầu. Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội.

Tác động rõ ràng tiếp theo đối với Anh là nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”. Brexit có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh. Sự chia tay của Anh cũng sẽ đẩy EU vào giai đoạn bất ổn mới. Anh ra đi đồng nghĩa với việc EU mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của EU. Hiệu ứng dây chuyền của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước châu Âu khác, dễ dàng nhất là trường hợp của Tây Ban Nha. Sự lựa chọn của cử tri Anh có thể là tiền lệ xấu cho một số vùng như xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha. Bản thân các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sự mất ổn định chính trị trong nước, trong khi EU sẽ suy yếu bởi sự gắn kết lỏng lẻo giữa các quốc gia thành viên. Việc Anh rời EU sẽ khiến liên minh này phải phụ thuộc vào một hoặc một số cường quốc trong khi giảm vai trò của các nước “nhỏ” còn lại. EU cũng sẽ mất dần “sức nặng” trên trường quốc tế, trong khi Anh sẽ trở thành quốc gia riêng rẽ với EU khi ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác quốc tế. Khi tiếng nói của Anh không còn nhiều “trọng lượng” như khi còn nằm trong EU thì rõ ràng vai trò của Anh trên các diễn đàn quốc tế cũng suy giảm.

Đối với Thủ tướng D. Cameron, đây là một thất bại. Những bước đi chính trị sai lầm trong ngắn hạn đang khiến ông rơi vào cái bẫy do chính mình đặt ra. Về cơ bản, Thủ tướng D. Cameron không sai khi đấu tranh cho quyền lực của London. Tuy nhiên, ông không có chiến lược để đạt được mục tiêu. Khi tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý, Thủ tướng D. Cameron nghĩ rằng, lời hứa này sẽ chấm dứt những bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ và buộc EU phải thay đổi theo mong muốn của Anh. Nhưng điều đó lại chỉ khiến làn sóng “bài châu Âu” tăng cao hơn bao giờ hết ở trong nước. Sau thất bại này, Thủ tướng D. Cameron chịu áp lực rất lớn từ nội bộ đảng Bảo thủ yêu cầu ông từ chức.

Anh rời EU có thể sẽ châm ngòi cho thời kỳ biến động tại châu Âu, tạo ra “hiệu ứng Domino”. Các nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu đưa ra những phản ứng trước quyết định mang tính lịch sử này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk tuyên bố EU quyết tâm thể hiện sự đoàn kết sau khi cử tri Anh quyết định nước này rời khỏi EU. Trong tuyên bố của mình, ông D. Tusk tuyên bố: “Thay mặt lãnh đạo của 27 nước, tôi có thể tuyên bố rằng chúng tôi quyết tâm duy trì sự đoàn kết. Đây là thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn không phải thời khắc của những phản ứng kích động”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, đây là quyết định “đáng buồn” khi người Anh lựa chọn rời khỏi “mái nhà chung” EU, đồng thời cho rằng châu Âu cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân trong khối này. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông rất lấy làm tiếc về quyết định của người dân Anh khi chọn rời khỏi EU, đồng thời gọi ngày 24-6 là “ngày buồn của châu Âu”.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Pháp Marine Le Pen - một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới, đã hoan nghênh quyết định của người Anh và kêu gọi nước Pháp và các nước châu Âu khác tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân tương tự như ở Anh. Còn tại Hà Lan, nghị sĩ có quan điểm chống đạo Hồi, Geert Wilders đã kêu gọi nước này tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc có nên rời khỏi EU hay không.

Cuộc bỏ phiếu ngày 23-6 là cuộc trưng cầu ý dân thứ hai trong lịch sử nước Anh về mối quan hệ với EU đã kết thúc sự lựa chọn tiếp tục làm thành viên EU của Anh. Đây là quyết định sẽ có những tác động không nhỏ tới nước Anh và cả Liên minh. Các nước thành viên EU vẫn chưa thống nhất được chiến lược sau sự kiện này nhằm thúc đẩy trở lại công cuộc xây dựng một châu Âu hợp nhất. Còn nước Anh sẽ phải đối mặt ít nhiều trước những thách thức từ nhiều cảnh báo và dự đoán về tác động cũng như hậu quả trong ngắn và trung hạn khi kịch bản Brexit đã xảy ra. Chặng đường tiếp theo với cả Anh hay EU đều dài để tìm kiếm lại sự ổn định cả ở chính trường và sự tăng trưởng kinh tế trong quốc gia và toàn khối./.

Tuấn Phương (tổng hợp)
Nguồn: TCCS
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40100490