Truy cập hiện tại

Đang có 146 khách và không thành viên đang online

Thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 đã nâng cao vị thế của Việt Nam

Thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 không chỉ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và du khách nước ngoài. Đây là những đánh giá của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen trong cuộc trả lời phỏng vấn với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen. (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Phóng viên (PV): Trong khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới thì Việt Nam đã cơ bản khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh. Bà đánh giá như thế nào về thành công này của đất nước chúng tôi?

Đại sứ Grete Lochen: Đại dịch COVID-19 không chỉ là một khủng hoảng y tế toàn cầu mà nó còn đi kèm với những hậu quả kinh tế xã hội to lớn. Hàng triệu người thất nghiệp, các doanh nghiệp phải đóng cửa, và toàn bộ nền kinh tế thế giới đang chậm lại. Virus corona đã ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, trong đó, bị tác động nhiều nhất vẫn là những người yếu thế như người già, ốm đau, người nghèo, người khuyết tật, người nhập cư v.v…. Chính vì thế, khi xem xét các biện pháp ứng phó và phục hồi, chúng ta cần phải tính tới lợi ích của những người này

Tôi xin được một lần nữa khen ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân của mình và các vị khách quốc tế. Trong khi số lượng các ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng, Việt Nam đã trải qua hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ những biện pháp mà Việt Nam áp dụng đã rất có hiệu quả.

PV: Đại sứ có thể chia sẻ cảm nghĩ về những nỗ lực cụ thể ứng phó với đại dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc đưa công dân từ vùng dịch trở về nước?

Đại sứ Grete Lochen: Một trong những ưu tiên của bất kỳ chính phủ nào khi xảy ra khủng hoảng như đại dịch COVID-19 là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Việt Nam đã rất xứng đáng khi được cộng đồng quốc tế ghi nhận về những biện pháp dự phòng hiệu quả, quyết đoán được áp dụng từ rất sớm để ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Thật khích lệ khi thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ động trong công tác lãnh sự để bảo hộ hơn 5 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống và học tập ở nước ngoài. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ công dân, như thiết lập các đường dây nóng hoặc tổng đài hỗ trợ 24/7, hỗ trợ kịp thời những người bị kẹt tại các sân bay ở nước ngoài và thăm hỏi động viên công dân. Ở trong nước, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp tích cực và chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng nước ngoài để đưa người Việt Nam về nước.

Trong khi Việt Nam đang thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo không phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hơn 13,000 người Việt Nam ở nước ngoài đã được đưa về nước trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi, người già, ốm đau, người lao động đã hết hạn hợp đồng hoặc không còn nơi ở, sinh viên không có ký túc xá, khách du lịch bị mắc kẹt, và một số trường hợp đặc biệt. Đây quả là một nỗ lực lớn, vì nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt như trang thiết bị cần thiết, cơ sở cách ly và nguồn nhân lực.

Ở Na Uy, từ tháng 3-4, chính phủ chúng tôi đã khuyến khích công dân Na Uy ở nước ngoài trở về nước ngay khi nhận thấy các nước bắt đầu đóng cửa biên giới, và khi các chuyến bay quốc tế ngày càng ít đi. Ở một số quốc gia, chúng tôi cũng đã phải phối hợp chặt chẽ với các nước Bắc Âu khác và Liên minh Châu Âu để tổ chức các chuyến bay đặc biệt đưa công dân Na Uy về nước. Có những thời điểm, tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao của Na Uy ở nước ngoài kể cả Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phải làm việc hàng tuần liên tục chỉ để thực hiện công tác lãnh sự và hỗ trợ công dân Na Uy. Lãnh sự là một phần quan trọng không thể tách rời của bất cứ cơ quan đại diện ngoại giao nào. Việc ban hành và áp dụng các quy chế hướng dẫn thiết thực rõ ràng cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng. Việc xây dựng các kế hoạch dự phòng chắc chắn và rút ra các bài học kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng khác là việc làm then chốt.

PV: Thời gian qua, truyền thông, các nhà ngoại giao và giới học giả quốc tế đã ca ngợi những thành công của Việt Nam trong kiểm soát COVID-19 và tin tưởng vào tiềm năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, nhận định của bà về vấn đề này ?

Đại sứ Grete Lochen: Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19 đã trở thành tiêu đề của nhiều bài báo quốc tế trong thời gian qua. Thách thức đối với mỗi quốc gia là làm sao vừa ngăn chặn được sự lây lan của virus vừa phải mở cửa trở lại nền kinh tế. Tóm lại, chúng ta cần học cách sống chung với virus cho tới khi tìm được một loại vắc xin nằm trong khả năng chi trả của tất cả mọi người.

Mặc dù các biện pháp y tế đã có tác dụng, nhưng Việt Nam cũng như mọi quốc gia đều không tránh khỏi những tác động kinh tế nghiêm trọng do COVID-19 gây ra. Chúng ta đều là một phần của nền kinh tế thế giới, và các nước dựa vào xuất khẩu như Việt Nam và Na Uy chắc chắn sẽ dễ bị tổn thương bởi những cú sốc kinh tế bên ngoài cũng như những đứt gãy trong chuỗi giá trị. Đại dịch COVID-19 đã làm nổi lên những xu hướng mới trong nền kinh tế thế giới như số hóa và bảo hộ thương mại.  Trong bối cảnh này, bảo vệ cơ chế thương mại quốc tế dựa trên luật pháp và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới thân thiện với môi trường là việc cần làm.

Việt Nam đã mở cửa lại nền kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường, người dân lại đi ăn hàng và mua sắm, các công ty lữ hành trong nước bận rộn hơn để phục vụ du khách trong nước. Dấu hiệu phục hồi tích cực đã xuất hiện khi doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp trong nước đã gia tăng trở lại. Chính phủ cũng vừa phê duyệt một số dự án lớn để thúc đẩy đầu tư công và tư. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam cũng phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế của các đối tác đầu tư và thương mại của các bạn. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải dần mở cửa trở lại để phát triển kinh doanh và du lịch. Thành tích phòng, chống COVID-19 của Việt Nam sẽ nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.

Khi bước vào giai đoạn phục hồi và mở cửa lại nền kinh tế, chúng ta cần nhận thức rằng, việc quay lại giai đoạn trước COVID-19 không quan trọng bằng duy trì trạng thái “bình thường mới”. Ngoài ra, cần đổi mới sáng tạo nhiều hơn, quản lý và phân bổ phúc lợi công bằng. Tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” quan trọng hơn bao giờ hết!

Châu Á là điểm tấn công đầu tiên của COVID-19 và cũng có thể là địa bàn đầu tiên phục hồi. Điều này đem lại lợi thế nhất định cho châu Á, nếu các quốc gia trong khu vực có thể cân bằng tốt các hoạt động của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà Đại sứ!

Nguồn: ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36731382