Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
- Được đăng: Thứ năm, 12 Tháng 2 2015 14:55
- Lượt xem: 4568
Ngày 29-5-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều tác động tích cực, nhiều chương trình, dự án chăm lo, phát triển toàn diện trẻ em được thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các mục tiêu vì trẻ em đạt kết quả khả quan hơn.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em và tạo dư luận bức xúc trong xã hội. Việc chăm lo sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí cho trẻ em gặp không ít khó khăn; công tác vận động trẻ em đến nhà trẻ, mẫu giáo chưa đạt yêu cầu, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý, kinh doanh các sản phẩm văn hóa và dịch vụ internet chưa thật sự chặt chẽ, không ít những ấn phẩm có nội dung đồi trụy, độc hại đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em.
Nguyên nhân thực trạng trên là do một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; công tác quản lý Nhà nước chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc thực thi các chính sách pháp luật về trẻ em chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực chuyên môn, đặc biệt là cấp xã. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận dân cư chưa tốt.
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm pháp luật và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong những năm tới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1- Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 28-6-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII); Kế hoạch số 01-KH/TU, ngày 06-3-2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”; Chỉ thị 35-CT/TU, ngày 11-12-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2- Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể gắn với việc đẩy mạnh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em ngay tại gia đình và cộng đồng; phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình. Xây dựng chương trình hành động vì trẻ em tại địa phương, đơn vị mình, đưa nội dung công tác này thành nội dung trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể. Tăng cường nguồn lực ngân sách địa phương hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu vì trẻ em giai đoạn 2011-2020, xây dựng các điểm vui chơi dành cho trẻ em tại cơ sở thông qua cuộc vận động xây dựng quỹ bảo trợ trẻ em tại các xã, phường, thị trấn.
3- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em, các mục tiêu trong giai đoạn 2011-2020; tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả, đồng thời, phê phán những biểu hiện tiêu cực, việc làm thiếu trách nhiệm đối với trẻ em. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn và tạo mọi điều kiện để trẻ em thực hiện tốt quyền tham gia ý kiến, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020.
4- Kiện toàn tổ chức bộ máy, thành lập mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, lực lượng cộng tác viên; đồng thời bố trí đủ biên chế theo yêu cầu hoạt động của ngành, nhất là cán bộ ở cơ sở; có kế hoạch đưa đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
5- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, triển khai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, rà soát các văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để kịp thời kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Đưa nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 5 năm, đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp, thực hiện tốt công tác phòng chống xâm hại trẻ em.
6- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ban, ngành liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU, ngày 11-12-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em” gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị này.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
(Đã ký)
Phan Văn Sáu