Truy cập hiện tại

Đang có 65 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử giai đoạn thành lập chi, đảng bộ

(TGAG)- Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đến đầu tháng 4/1930, Chi bộ đầu tiên của tỉnh An Giang được thành lập. Sau đó, chi bộ Đảng ở các địa phương lần lượt ra đời. Từ khi có Đảng, Nhân dân ta tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, cùng chung tư tưởng và hành động cách mạng, giành những thắng lợi to lớn.

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử giai đoạn thành lập chi, đảng bộ, chúng ta cần thể hiện được các nội dung chính như sau:

Thứ nhất, trình bày tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội địa phương trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta; chính sách cai trị hà khắc của thực dân. Đặc biệt, cần làm rõ mâu thuẫn xã hội (có nhiều mâu thuẫn khác nhau như: mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược, người dân với bọn tay sai... Và khẳng định mâu thuẫn chủ yếu là giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược); sự phân hóa giai cấp; sự ra đời của các giai cấp, tầng lớp mới, những người yêu nước, có tinh thần đấu tranh chống áp bức, bất công...

Thứ hai, trình bày các hoạt động, phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng ở địa phương trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Làm rõ khuynh hướng (phong kiến, tư sản...), lãnh đạo, biện pháp đấu tranh, địa bàn hoạt động, diễn biến, kết quả, đóng góp và ý nghĩa của các hoạt động, phong trào. Qua đó khẳng định, các hoạt động, phong trào đấu tranh chống Pháp trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo thể hiện truyền thống yêu nước, chống áp bức, bất công, kiên cường, bất khuất bảo vệ quê hương của nhân dân. Tuy nhiên, các phong trào đều thất bại do thiếu đường lối cứu nước đúng đắn và thiếu giai cấp đủ khả năng lãnh đạo.

Thứ ba, trình bày quá trình hình thành chi, đảng bộ của địa phương. Trong phần này, cần đề cập đến ba nội dung chính:

Nội dung thứ nhất: Khái quát quá trình Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, cần thể hiện các sự kiện đặc biệt quan trọng như: Năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Người đặc biệt quan tâm tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, tìm thấy trong luận cương lời giải đáp về con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam: Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; mở các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ Việt Nam; lựa chọn người ưu tú gửi đi học các trường Đại học Phương Đông và trường Lục quân Hoàng Phố nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam...

Sự phát triển của phong trào yêu nước, phong trào công nhân, dẫn đến sự ra đời ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Biên soạn nội dung này, chúng ta cần thống nhất mốc thời gian ra đời của ba tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ngày 17/6/1929; An Nam Cộng sản Đảng được thành lập vào ngày 15/11/1929; những ngày cuối tháng 12/1929 là thời điểm hoàn tất quá trình thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tham khảo Công văn số 469-CV/BTGTU ngày 13/1/2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về thống nhất mốc thời gian ra đời của ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam)...

Nội dung thứ hai: Khái quát quá trình thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh An Giang. Cần thể hiện các sự kiện chủ yếu như: Năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh An Giang được thành lập ở Long Điền gồm 3 đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư, Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn. Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang ngày nay). Tháng 02/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập, Châu Văn Liêm làm Bí thư. Tỉnh bộ mở các lớp huấn luyện chủ yếu lấy nội dung cuốn Đường cách mệnh và Điều lệ Hội Thanh niên làm tài liệu giảng dạy. Tháng 3/1930, Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Cưng làm Bí thư. Đầu tháng 4/1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang được thành lập tại Long Điền (Chợ Mới) gồm có 3 đồng chí Lưu Kim Phong làm Bí thư và Bùi Trung Phẩm, Đoàn Thanh Thủy; nêu chủ trương, đường lối cách mạng, xây dựng cơ sở, phát triển tổ chức đảng, quần chúng của Đảng bộ...

Nội dung thứ ba: Trình bày chi tiết quá trình ra đời chi, đảng bộ của địa phương. Trong đó cần làm rõ sự chuẩn bị về mặt tư tưởng chính trị, tổ chức: Ai là người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng; việc tuyên truyền những tài liệu, sách, báo cách mạng tại địa phương; việc xây dựng lực lượng nòng cốt, cơ sở cách mạng, các tổ chức yêu nước (tên gọi, địa điểm, thời gian thành lập, người lãnh đạo, nội dung và hình thức đấu tranh...). Cần xác định thời gian và địa điểm, số lượng đảng viên, họ tên bí thư, phó bí thư và các đảng viên khi thành lập chi, đảng bộ. Việc chi, đảng bộ xác định chủ trương, đường lối cách mạng, xây dựng cơ sở, phát triển đảng, tổ chức quần chúng như thế nào sau khi thành lập. Vai trò và ý nghĩa của việc thành lập chi, đảng bộ đối với phong trào cách mạng địa phương...

Để nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn thành lập chi, đảng bộ, chúng ta phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Trong đó, cần tham khảo những ấn phẩm về lịch sử chung: Văn kiện Đảng toàn tập (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2001), Hồ Chí Minh toàn tập (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000), Lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 2011), Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2007), Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930 - 2002 (Nhà xuất bản Lao động, 2003)...; các ấn phẩm lịch sử địa phương: Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang - tập 1 (1927 - 1954) (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang, 2007); Địa chí An Giang (Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, năm 2013); lịch sử đảng bộ cấp trên trực tiếp và lịch sử đảng bộ các địa phương lân cận...

P. LLCT&LSĐ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37129772