Truy cập hiện tại

Đang có 137 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Trận phục kích tại Tây điểm cao 252 Núi Lớn

(TGAG)- Mùa khô năm 1984 - 1985, quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia mở chiến dịch tấn công Pôn Pốt gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Để bảo toàn lực lượng, địch chia lực lượng thành từng bộ phận nhỏ để tránh va chạm với quân tình nguyện của ta. Vì vậy các đợt truy quét của quân tình nguyện với quy mô vừa và lớn thường không mang lại kết quả. Trước tình hình khó khăn đó, Ban Chỉ huy Đoàn 9905 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 51, tổ chức thành những phân đội nhỏ ngày đêm băng rừng, vượt núi chiến đấu, truy quét Pôn Pốt và giúp bạn.

Nơi địch có nhiều hoạt động là phía Tây điểm cao 252 nằm trong dãy núi Lớn thuộc huyện Chhuk, tỉnh Campốt. Khu vực này là vùng thung lũng giữa phía Tây núi Lớn và những dãy đồi thấp phía Đông suối Kốt - Sala (huyện Chhuk, tỉnh Campốt), nơi có nhiều chỗ đóng quân của địch, mỗi chỗ có từ 15 - 30 tên, có chỗ sản xuất hậu cần cung cấp cho Quân khu Tây Nam và Vùng 33 của quân Pôn Pốt. Đó là bàn đạp để địch hoạt động ra vùng ven huyện Trạm Kôk (tỉnh Tà Keo) và huyện Chhuk (tỉnh Campốt).

Lực lượng quân tình nguyện tham gia hành quân tìm, diệt địch là Tiểu đoàn 51 lấy Đại đội 1 (c1), Đại đội 3 (c3) làm lực lượng chủ công, quân số 30 đồng chí gồm: đồng chí Cai, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Hải trợ lý tác chiến, chỉ huy chung; đồng chí Để, Đại đội phó, chỉ huy 1 trung đội gồm 10 đồng chí; đồng chí Lực, Đại đội phó, chỉ huy 1 trung đội gồm 12 đồng chí; đồng chí Minh, Phân đội phó, chỉ huy tổ trinh sát cùng 2 chiến sĩ thông tin và 1 y tá.

15 giờ 50 phút ngày 09/ 3/1987, lực lượng ta hành quân đến tọa độ 19.178 (nơi ta ta đánh giá có mật độ hoạt động cao của địch), bộ phận cảnh giới phát hiện một tốp địch đi từ phía Tây sang phía Đông, cách đội hình ta khoảng 50 mét. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho c1 cùng đồng chí tác chiến của Đoàn truy đuổi địch, nhưng do không phán đoán hướng di chuyển chính xác của địch.

Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đơn vị khẩn trương cảnh giới khu vực trú quân. Bộ phận trinh sát phát hiện một đường mòn mới mở thường xuyên có người qua lại và một nhánh cây mới chặt, vứt ngang đường. Từ đó, Ban chỉ huy nhanh chóng xác định cách đánh địch: Áp dụng chiến thuật phục kích đánh địch, ta sử dụng 1/3 lực lượng, kiên trì, bí mật đợi địch quay lại (có thể phải chờ 2 - 3 ngày), khi địch lọt vào trận phục kích, bất ngờ cho mìn Clây-mo nổ, bộ binh xung phong chặn đầu, khóa đuôi, tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch. Sáng ngày 10/ 3/1987, bộ phận còn lại sẽ hoạt động tìm địch ở phía Tây nơi trú quân.

Đại đội 3 chia đội hình làm 3 bộ phận: 2 đồng chí có nhiệm vụ chặn đầu, 3 đồng chí lãnh nhiệm vụ khóa đuôi, Đại đội phó chỉ huy 5 đồng chí ở giữa đội hình, chiếm lĩnh trận địa tại tọa độ 19.178, chiều dài đội hình khoảng 80 mét. Từng đồng chí lợi dụng ụ mối, gốc cây để làm vật che đỡ khi chiến đấu, xung quanh vị trí của từng người phải dọn sạch lá khô.

Cách con đường mòn 1 mét, ta bố trí 1 quả mìn Clây-mo, dài theo đội hình bố trí thêm 1 quả mìn, khoảng cách giữa hai quả mìn 15 mét. Khi địch quay trở về lọt vào đội hình phục kích, chờ tên đi đầu cách quả mìn thứ 2 khoảng 5 mét, ta sẽ cho nổ 2 quả mìn. Khi nghe mìn nổ, đơn vị xung phong tiêu diệt những tên địch còn sống sót. Trường hợp có tốp địch khác đi từ phía Tây sang phía Đông thì chờ cho tên cuối cùng đi qua mặt quả mìn thứ 2 sẽ cho mìn nổ.

Để đảm bảo đúng kỹ thuật, đồng chí Tiểu đoàn trưởng giao nhiệm vụ đặt mìn cho đồng chí trợ lý tác chiến, đồng chí Đại đội phó Đại đội 3 trực tiếp điểm hỏa (Mìn Clây-mo của Mỹ được ta cải tiến đánh bằng kíp và đầu gây nổ của mìn PoM Z2 giật nổ).

Mười hai đồng chí của cBB1 và 3 đồng chí trinh sát nhiệm vụ cảnh giới cho cBB3 triển khai trận địa phục kích. Sáng 10/3/1987, dưới sự chỉ huy của đồng chí tác chiến đi tìm địch ở phía Tây, khi nghe súng nổ nhanh chóng quay về phía trận địa phục kích sẵn sàng chi viện cho cBB3. Qua một đêm phục kích vẫn không thấy địch, sáng ngày 10/ 3/1987 bộ phận cBB1 và trinh sát đi về hướng Tây để hoạt động.

9 giờ 40 phút ngày 10/3/1987, tên địch đi đầu đã lọt vào khu vực có mìn, đồng chí Đại đội phó giựt mìn, hai quả mìn cùng nổ một lúc, đội hình địch chìm trong khói bụi mịt mù. Theo lệnh của chỉ huy, đơn vị xung phong ra trận địa, 5 tên địch đi sau chết ngay tại chỗ. Tên đi đầu bị thương vẫn ngoan cố chống cự, đồng chí Châu, Trung đội trưởng bắn tiêu diệt. Sau 3 phút nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu vũ khí trang bị. Bộ phận cBB1 và trinh sát đang hoạt động cách khoảng 500 mét về phía Tây nghe súng nổ liền vận động trở lại cùng tham gia lục soát trận địa. Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng, toàn bộ lực lượng rời khỏi trận địa, hành quân về phía Đông đường 348 tiếp tục đợt hoạt động.

Qua trận đánh, Tiểu đoàn 51 diệt gọn tốp địch thuộc bộ phận hậu cứ Vùng 33 Quân khu Tây Nam, thu 5 súng và đồ dùng quân sự. Trận phục kích tại Tây điểm cao 252 núi Lớn là một thắng lợi có ý nghĩa lớn đối với Tiểu đoàn 51, trận đánh có tác dụng tạo khí thế cho đơn vị nước bạn bước vào hoạt động trong những năm 1987, tạo được lòng tin tìm, diệt địch bằng các hình thức hoạt động nhỏ lẻ, rút ra bài học về đánh quân Pôn Pốt ở địa hình rừng núi phức tạp, để đơn vị bạn cùng rút kinh nghiệm và áp dụng./.

NGUYỄN TRÚC LINH
____________________
* Tài liệu tham khảo: Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, tập II do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, xuất bản 1993.



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095