Truy cập hiện tại

Đang có 64 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nhơn Hội - xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(TUAG)- Xã Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Phía Bắc giáp xã Khánh Bình, phía Đông và Đông Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp xã Phú Hội, phía Tây và Tây Bắc giáp xã Quốc Thái. Ngày 22/8/1998, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Nhơn Hội vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Chi bộ và Nhân dân xã Nhơn Hội luôn anh hùng, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Nhơn Hội đã lập được những thành tích xuất sắc trong các hoạt động chính trị, vũ trang, binh vận tiêu biểu như:

Hiệp định Genève được ký kết, Chi bộ lãnh đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện ba hình thức đấu tranh (hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp). Cán bộ, đảng viên và các cơ sở cách mạng được cài vào nhiều vị trí trong bộ máy hành chính xã, ấp để tạo cơ sở nội ứng cho phong trào cách mạng.

Chi bộ tăng cường tổ chức Nhân dân treo cờ, rải truyền đơn, hưởng ứng việc ký tên vào bản kiến nghị đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cán bộ, đảng viên còn vận động Nhân dân cử đại diện gặp Ủy hội quốc tế ở Tân Châu để trao kiến nghị và đấu tranh đòi đổi “bạc xé hai”.

Tháng 8/1957, ngụy quyền bắt dân phải dỡ 107 căn nhà ở Thạnh Hòa để xây đồn trú quân kiểm soát tuyến biên giới. Chi bộ xã lãnh đạo, huy động hơn 2.000 quần chúng đấu tranh yêu cầu Hội đồng xã can thiệp không dời nhà và buộc phải chỉ dẫn cho dân làm đơn gửi ngụy quyền cấp trên xem xét. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi.

Năm 1961, phong trào diệt ác, kêu gọi dân chúng chống bầu cử kết hợp với các hoạt động đấu tranh chính trị (mít-tinh, biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, chống bắn pháo, chống giết người vô tội, chống qui khu dồn dân) ở Nhơn Hội vẫn diễn ra mạnh mẽ. Địch đã thừa nhận: “Đêm 8 rạng 9/3/1961, hồi 0 giờ có 8 Việt cộng võ trang trực thuộc Tiểu đoàn 510, từ hướng biên giới Miên - Việt kéo đến 2 ấp Thạnh Hòa và Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của chúng và xuyên tạc cuộc bầu cử Tổng thống khóa II tới. Thi hành xong thủ đoạn và trước khi rút lui về hướng cũ, chúng có rãi truyền đơn, bích chương và cờ xanh đỏ ngôi sao vàng”.

Năm 1962, du kích xã phục kích lực lượng bảo an của địch, tiêu diệt tên trung đội trưởng và một tên khác. Ngày 30/11, lực lượng cách mạng tấn công đồn dân vệ xã Nhơn Hội tiêu diệt 2 tên, 2 tên bị thương.
    
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phong trào thi đua phá ấp chiến lược, nhiều ấp ở Nhơn Hội tìm tòi cách thức đấu tranh hiệu quả. Chi bộ chủ động cài đoàn viên thanh niên tham gia lực lượng dân vệ của địch. Trưởng ấp Bắc Đai cũng là nội tuyến của ta. Nhờ vậy, ban đêm binh lính địch chỉ ra khỏi đồn khoảng 300m. Quần chúng đi phá rào ở ấp Tắc Trúc, Bắc Đai làm cho địch phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Vào mùa nước, Nhơn Hội phối hợp với Phú Hội phục kích lực lượng dân vệ gần đồn Bắc Đai. Được Huyện đội hỗ trợ, một tổ trinh sát đã tổ chức đánh địch khi chúng lọt vào ổ phục kích. Ta thu được 1 súng lục, 6 cây mã lai, 8 khẩu carbine, 1 thùng đạn m26, bắt tên trưởng ấp và phụ tá an ninh để giáo dục. Sau mùa nước, hai ấp chiến lược Bắc Đai và Tắc Trúc bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Năm 1964, hưởng ứng chiến dịch Xuân - Hè, tiểu đội du kích xã và bộ đội địa phương bao vây đồn Bắc Đai kết hợp với hỏa lực từ bên kia bờ sông bắn sang đã áp chế khiến địch hoảng sợ không dám ra khỏi đồn. Ta rải truyền đơn kêu gọi binh lính ngụy đầu hàng. Tổ chức cho cán bộ là phụ nữ vận động vợ tên đồn trưởng, đồn phó kêu gọi chồng ra hàng. Kết quả, đồn Bắc Đai bị cách mạng chiếm, thu 14 súng. Đêm 13/4, giải phóng quân và du kích xã còn tiêu biệt hoàn toàn đồn đồng Cô-ky, diệt 14 tên, bắt 17 tên, thu 32 súng và nhiều đạn.

Ngày 28/7/1967, để đấu tranh chống cuộc bầu cử của ngụy quyền, bộ đội địa phương và du kích xã đã phối hợp đặt 3 quả mìn và bắn đạn cối vào đồn địch ở ấp Đời Mới tại đồng Cô-Ky. Tháng 10/1967, địa phương quân và du kích xã đã đặt mìn phá hủy hoàn toàn trụ sở ngụy quyền ở xã.

Ngày 31/5/1968, quân ta tấn công và pháo kích vào đồn địch ở đồng Cô-Ky, diệt 2 tên, 1 tên bị thương. Ngày 24/12/1968, Tiểu đoàn 3 của ta và du kích xã bao vây đồn Bắc Đai.

Giữa năm 1969, địch xếp Nhơn Hội thuộc diện xã “mất an ninh”, đặc biệt là ấp Tắc Trúc. Tháng 3/1969, Sư đoàn 9 của ngụy điều một tiểu đoàn càn quét Cua Dâu, Cua Dơi. Du kích xã đã nhanh trí, sáng tạo cài hàng ngàn quả lựu đạn chặn địch. Không qua được, chúng tức tối bắn pháo rồi kéo đi.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chi bộ xã phổ biến, tuyên truyền nội dung Hiệp định Paris để quần chúng hiểu, làm thất bại âm mưu xuyên tạc, lừa gạt người dân của ngụy quyền. Năm 1973, ở Nhơn Hội, Vĩnh Xương tổ chức báo tin cho thanh niên trốn đi lính cho địch và đã tập hợp được 6 nhóm thanh niên chống bắt lính, mỗi nhóm có từ 3-5 thanh niên, do đảng viên nòng cốt lãnh đạo. Trong tháng 7/1973, quần chúng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở các xã Tân An, Vĩnh Xương, Phú Hữu, Khánh Bình, Nhơn Hội, Khánh An đi lại tiếp xúc với cách mạng dễ dàng hơn trước. Thông qua đó, ta tổ chức tấn công binh vận vô hiệu hóa 8 đồn dân vệ, phát triển được một số cơ sở mới, trong đó có 1 thiếu úy cảnh sát và 4 cảnh sát viên cảm tình.

Ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Trong đêm, lực lượng ta bao vây đồn Bắc Đai, tạo áp lực lớn khiến bọn địch hoảng sợ bỏ chạy, một trưởng ấp đầu hàng và giao nộp vũ khí cho cách mạng. Xã Nhơn Hội được hoàn toàn giải phóng./.

KIM TUYẾN
TTCTTT số 7-2021
_____________
Tài liệu tham khảo:
 1. Địa chí An Giang, 2013.
 2. Lịch sử Đảng bộ xã Nhơn Hội 1945 - 2015.
 3. Lịch sử Đảng bộ huyện An Phú.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37327775