Truy cập hiện tại

Đang có 256 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học Bác làm báo - không chỉ để “lưu danh thiên cổ”

(TUAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu tuyệt vời sức mạnh của ngôn từ và sự tác động của nó vào đời sống tinh thần, đạo đức, tư tưởng, tình cảm và hành động của quần chúng. Bản thân Người là tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng, Người viết không chỉ để "lưu danh thiên cổ". Suốt đời, Người chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân.
 
Bác Hồ với các phóng viên báo chí. (Ảnh tư liệu)

Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Bác sử dụng gần 200 bút danh. Mỗi con chữ, bài viết của Bác là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng Cộng sản và con đường giải phóng dân tộc. Đối với Bác, làm báo là làm cách mạng. Bởi theo Bác, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.

Theo Bác đã là nhà báo, chiến sĩ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì? Từng giai đoạn lịch sử đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Khi đất nước còn trong vòng nô lệ phải làm thức tỉnh và động viên Nhân dân đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Khi có chính quyền thì động viên sức mạnh toàn dân tộc giữ gìn chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập thống nhất đất nước, đưa đất nước tiến lên một giai đoạn phát triển mới.

Bác khuyên dạy các nhà báo, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động.

Học Bác làm báo là chúng ta học Người làm cách mạng. Mỗi nhà báo phải luôn ý thức được báo chí phục vụ lợi ích của xã hội, phục vụ Nhân dân. Mỗi sản phẩm báo chí đến được với công chúng phải đáp ứng được nhu cầu của họ; đồng thời làm thế nào để công chúng tự nguyện, tự giác đến với báo chí, đó là nguyên lý của báo chí cách mạng.

Nhà báo phải cùng đồng bào, đồng chí cả nước tận tâm, tận lực phấn đấu cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người làm báo chân chính có trách nhiệm với xã hội, trước hết phải là người vui với niềm vui của toàn Ðảng, toàn dân, lo với nỗi lo chung trước mỗi thử thách khó khăn của toàn xã hội. Nhà báo với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước Nhân dân, luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động, hào hùng của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước là nguồn đề tài vô tận, những chất liệu mới sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, cổ vũ, nhân rộng cái đẹp, cái tích cực trong xã hội.

Ngày nay báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Công chúng báo chí đã và đang mệt mỏi vì thông tin hỗn loạn, xô bồ. Và nhu cầu thông tin trí tuệ, thấu hiểu, vượt lên thông tin xô bồ, thị hiếu rẻ tiền vẫn là nhu cầu cơ bản của một xã hội lành mạnh… Nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí vẫn kiên định với hướng đi này và tin rằng độc giả sẽ không quay lưng.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời đại truyền thông kỷ nguyên số, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều tìm cách làm riêng, lối đi riêng của mình để phụng sự, tồn tại và phát triển. Nhưng những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó có quy định về đạo đức nghề nghiệp và luật pháp phải là ánh sáng soi rọi trên mỗi bước đường lao động báo chí. Kiến thức, thông tin ở trong đầu và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí cách mạng, nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người.

Thời gian vẫn không ngừng trôi, khói bụi mọi cuộc biến động thời cuộc rồi cũng dần lắng xuống, nhưng những tác phẩm báo chí giàu sức thuyết phục, được kết tạo nên bằng công sức và trí tuệ, bằng mồ hôi và nước mắt của các nhà báo cách mạng Việt Nam sẽ còn mãi trong tâm trí công chúng. Trước dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc, "người thư ký của thời đại" với cái tâm trong sáng, ngòi bút sắc sảo, vẫn ngày đêm trên tuyến đầu của cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng quyết liệt. Và mỗi nhà báo cách mạng chân chính luôn phải mang trong mình khát vọng có những bài báo hay, nhưng không phải chỉ với mục đích "lưu danh thiên cổ" mà mục đích cuối là những giá trị nhân văn cao cả, vì sự phát triển vững bền của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Tóm lại "Báo chí phải là cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả. Tiếp tục vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân" như lời phát biểu  của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tại Hội nghị Giao ban công tác báo chí, xuất bản, diễn ra ngày 16/6/2021, tại Hà Nội vừa qua.

NGỌC HÂN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40079519