Truy cập hiện tại

Đang có 539 khách và không thành viên đang online

Tình hình và giải pháp phát triển du lịch An Giang qua điều tra xã hội học

(TGAG)- Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá kết quả sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/01/2013 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, để thu nhận ý kiến của nội bộ và Nhân dân về giải pháp phát triển du lịch thời gian tới.

Từ kết quả cuộc điều tra cho thấy, những năm qua tỉnh đã ban hành Chỉ thị về phát triển du lịch và phê duyệt quy hoạch tổng thể; tập trung đầu tư và phát triển các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng, sinh thái, tâm linh; tăng cường thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường...

Ngành Du lịch đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để khắc phục những hạn chế nhằm đưa tỉnh ta trở thành một trong những điểm đến thu hút đối với du khách trong và ngoài nước. Từ đó, tình hình phát triển du lịch có bước khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực, riêng trong hai năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã có hơn 17,3 triệu khách du lịch đến An Giang, đạt và vượt mục tiêu về số lượng khách du lịch hằng năm. Doanh thu xã hội đạt hơn 6.000 tỷ đồng; có hơn 2.500 lao động trực tiếp trong ngành; gần 700 hộ dân được đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo kỹ năng du lịch; tạo thêm việc làm cho 2.000 nông dân tham gia các dịch vụ du lịch...

Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng tình hình phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Theo kết quả điều tra, đánh giá chung về công tác phát triển du lịch của tỉnh trong ba năm qua vẫn còn ở mức trung bình (tỷ lệ đánh giá tốt 49%; trung bình và chưa tốt 51%). Hoạt động du lịch vẫn còn những hạn chế, chủ yếu là: chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu hấp dẫn để giữ chân du khách; hiệu quả hoạt động của ngành du lịch chưa cao; chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, còn nạn chèo kéo, tăng giá, ép giá du khách; thiếu nguồn lực đầu tư; phát triển du lịch còn mang tính tự phát; thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn du khách tại các khu, điểm du lịch (tỷ lệ đánh giá còn hạn chế từ 67,2% đến 50,6%). Từ đó dẫn đến mức độ hài lòng của du khách còn thấp. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu (sự hiểu biết của du khách về du lịch An Giang chủ yếu là từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân (64%) và qua truyền hình (45%), các loại hình quảng bá khác chỉ từ 04% đến 21%), phần lớn du khách chưa biết hoặc chỉ biết chút ít về các khu, điểm du lịch trong tỉnh (tỷ lệ biết chút ít và không biết lên đến 60,4%).

Phần lớn du khách đến An Giang tham quan vãn cảnh trong ngày rồi đi nơi khác chứ không lưu trú, tình hình này đến nay vẫn chưa được cải thiện. Số lượng du khách đến An Giang là khá lớn, nhưng hiệu quả doanh thu xã hội lại không nhiều (theo thống kê, thời gian qua, mỗi du khách đến An Giang chỉ chi tiêu bình quân trên dưới 350.000 đồng, trong khi mức chi tiêu du lịch bình quân ở những nơi khác trên 700.000 đồng). Nhìn chung, hoạt động du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa khai thác tốt tiềm năng.

Có khá nhiều nguyên nhân làm hạn chế công tác phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua, có thể tổng hợp những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là: sự tập trung, quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành các cấp chưa đúng mức. Yêu cầu của sự phát triển du lịch thì rất cao, nhưng thực lực còn hạn chế về: nguồn lực đầu tư; cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch; sự nhận thức và tham gia hoạt động, đầu tư, khai thác du lịch của cộng đồng. Công tác truyền thông, quảng bá về du lịch An Giang còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là về cơ chế, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực ngành du lịch.

Dự báo, lợi thế so sánh về tiềm năng du lịch An Giang đối với các địa phương lân cận trong vùng hiện nay và sắp tới vẫn được đánh giá rất cao (có đến 80% du khách cho biết đã đến du lịch ở tỉnh ta từ lần thứ 2, thứ 3 trở lên và có đến 78% du khách cho biết có thể và chắc chắn sẽ trở lại An Giang). Tiềm năng, lợi thế, sức thu hút và yêu cầu về phát triển du lịch của tỉnh là rất to lớn. Do đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp tích cực, hiệu quả để du lịch An Giang thực sự trở thành mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Qua tổng hợp, phân tích, đánh giá từ kết quả của cuộc điều tra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kiến nghị với Tỉnh ủy xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp như sau:

Về giải pháp chung

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch thực hiện của các cấp, các ngành sâu rộng trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân.

- Nâng cao nhận thức và tăng cường sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả của ngành du lịch từ tỉnh đến cơ sở.

- Tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch An Giang nói chung và về các khu, điểm du lịch trong tỉnh nói riêng.

Về giải pháp trước mắt

- Đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy. Qua đó, đánh giá  đúng tình hình và xây dựng kế hoạch thực hiện tích cực, khả thi trong thời gian tới.

- Đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu, có chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt thành lập Sở Du lịch tỉnh. Để từ đó có cơ chế tổ chức đủ mạnh, đủ điều kiện và khả năng thực hiện các giải pháp đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển theo mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra./.

VÕ THANH KHOA


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40530554