Truy cập hiện tại

Đang có 55 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Một số vấn đề cần quan tâm về an toàn thực phẩm hiện nay

(TGAG)- Nhận thức tầm quan trọng của an toàn thực phẩm (ATTP) đối với đời sống xã hội, đến sức khoẻ con người, sự phát triển nòi giống và phát triển kinh tế - xã hội, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng và quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát hằng năm tại các địa phương. Phấn đấu đến năm 2020, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà.


Công tác tuyên truyền, truyền thông về ATTP được quan tâm thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phù hợp, phong phú, nhất là trong dịp lễ, tết, tháng hành động vì ATTP. Các cơ quan báo, đài tỉnh, huyện có các chương trình, chuyên mục, chuyên trang thường xuyên tuyên truyền, thông tin về thực phẩm an toàn và những vụ việc vi phạm. Thực hiện đăng, phát 2.583 bài tuyên truyền về ATTP; treo 6.500 băng rôn; cung cấp 1.185 đĩa tuyên truyền; thiết kế và lắp đặt 76 pano; thiết kế và in ấn 33.427 tờ gấp; tổ chức 77 lớp tập huấn kiến thức về ATTP, với trên 37 ngàn người tham dự, nhất là những người làm việc ở các bếp ăn tập thể, căn - tin trường học, cán bộ quản lý giáo dục... Qua đó, đã huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong việc tham gia bảo đảm chất lượng ATTP, giúp người dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiểu đúng và thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về ATTP.

Từ năm 2013 đến nay, các ngành chức năng đã tiến hành 56.958 lượt thanh tra, kiểm tra, phát hiện 17.328 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 9,775 tỷ đồng, với các lỗi như: sản xuất thực phẩm không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, hoặc có nhưng đã hết hiệu lực; không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ; sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm; sản phẩm không đạt chất lượng so với công bố ghi trên nhãn; vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch…

Việc kiểm soát lò giết mổ tập trung và nhỏ lẻ ở các huyện, thị cũng được kiểm soát đúng quy định. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, mùa thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh, tháng hành động vì ATTP và dịp cuối năm, nhất là tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu qua biên giới.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã cấp 2.350 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (trong đó, 450 cơ sở sản xuất, 32 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.868 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống); 7.981 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký bản cam kết bảo đảm ATTP. Chỉ tính loại hình dịch vụ ăn uống, đã cấp giấy chứng nhận cho 1.838/3.417 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đạt 53,8%). Ngoài ra, cấp giấy chứng nhận cho 02 cơ sở sơ chế rau đảm bảo điều kiện ATTP tại phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc và xã Kiến An, huyện Chợ Mới.

Hỗ trợ kinh phí và đã cấp giấy chứng nhận sản xuất rau đủ điều kiện ATTP cho 04 tổ hợp tác sản xuất rau ATTP với tổng diện tích 32,11 ha, gồm: Tổ hợp tác xã sản xuất rau an toàn phường Vĩnh Mỹ (3,7 ha); Tổ sản xuất rau an toàn Mỹ Hòa Hưng (7,6 ha); Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp Long Thượng (4,31 ha); Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp Long Hạ (6,5 ha); Tổ sản xuất rau xã Bình Thạnh (10 ha). Kiểm soát và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y giết mổ cho 02 cơ sở: cơ sở Thuận Yến; cơ sở Thuận Tín (huyện Châu Thành). Thực hiện đầu tư 2 lò giết mổ tập trung ở thành phố Châu Đốc và huyện Tịnh Biên.

Để triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, trong 5 năm qua, tỉnh đã chi kinh phí 3,285 tỷ đồng thực hiện chương trình vệ sinh ATTP; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ các chương trình phục vụ đảm bảo ATTP; đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt theo tiêu chuẩn ISO 17025; xây dựng mới trụ sở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.

Bên cạnh những thành quả đạt được, vấn đề bảo đảm ATTP thời gian qua vẫn còn bất cập, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra và có xu hướng gia tăng, gây nhiều bức xúc. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, an toàn tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nhận thức của người sản xuất kinh doanh, người dân chưa đầy đủ, còn quá giản đơn, xem nhẹ vấn đề ATTP. Còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, nhất là tại cơ sở giết mổ…

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng, chưa thể hiện được trách nhiệm trong việc đảm bảo ATTP; việc sử dụng dư lượng hoá chất trong thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi chưa được kiểm tra chặt chẽ; kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP cũng chưa được thường xuyên đang tạo nhiều lo lắng cho người dân.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của Nhân dân về ATTP; phải khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng để bảo đảm ATTP. Các cơ quan báo, đài của tỉnh xây dựng chuyên mục, chuyên trang đăng - phát tin, bài về ATTP theo hướng đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục, phù hợp với nhu cầu vùng, miền; biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất hàng hoá vi phạm ATTP... góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ người dân, đảm bảo an toàn và an sinh xã hội tại địa phương./.

Nguyễn Đăng Giai
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36569287