Truy cập hiện tại

Đang có 203 khách và không thành viên đang online

Nhận diện những luận điệu xuyên tạc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng

(TGAG)- Trong lúc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai và đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào cuộc sống thì các đối tượng thù địch, phản động tung lên mạng những bài viết cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và xã hội ta. Những luận điệu xuyên tạc đó cần phải nhận diện là:

Thủ đoạn của chúng là đánh đồng doanh nghiệp nhà nước với thành phần kinh tế nhà nước ở nước ta hiện nay nhằm hạ thấp vai trò, vị thế và uy tín của thành phần kinh tế nhà nước.

Hệ thống doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của thành phần kinh tế nhà nước. Đánh giá vai trò của doanh nghiệp khu vực nhà nước không chỉ duy nhất nhìn vào kết quả hoạt động trực tiếp của bản thân nó mà quan trọng hơn là phải nhìn vào kết quả kinh tế - xã hội tổng hợp của cả nền kinh tế do hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mang lại. Thời gian qua, nhìn một cách tổng thể, doanh nghiệp nhà nước, bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng việc một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để phủ nhận vai trò kinh tế nhà nước, phủ nhận vai trò nòng cốt tạo động lực cho phát triển kinh tế của doanh nghiệp nhà nước. Đó là luận điệu phản động nhằm hạ thấp vai trò, vị thế và uy tín của thành phần kinh tế nhà nước, tiến tới làm chệch định hướng xã hội chủ của nền kinh tế nước ta.

Chúng xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Nhà nước ta.

Thành phần kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân. Qua 30 năm đổi mới, nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Đến nay Đảng ta đã coi kinh tế tư nhân “là một trong những động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân ngày càng phát triển. Tính đến nay, tỉ trọng trong GDP do kinh tế tư nhân đóng góp chiếm 39 - 40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, tham gia đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước. Đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Riêng năm 2016, cả nước có trên 110.100 doanh nghiệp được thành lập mới, tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động tăng 16,2% so với năm 2015, lập kỷ lục trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng mạnh, chiếm hơn 2/3 tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế tư nhân đều được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu trước khi ban hành, phải có ý kiến của doanh nghiệp tư nhân thông qua Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Hệ thống pháp luật, mà trọng tâm là Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp… cùng nhiều chính sách hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý ổn định cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh hoạt động. Những thành tựu đạt được nêu trên là những biểu hiện sinh động trên thực tiễn chủ trương “khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Vì vậy, luận điệu “khuyến khích kinh tế tư nhân” chỉ là khẩu hiệu mị dân của các thế lực thù địch là một sự xuyên tạc trắng trợn đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về khuyến khích, phát triển kinh tế tư nhân.

Tóm lại, những luận điệu mà bọn chúng đưa ra là sai sự thật, cố tình xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là tìm mọi cách để phủ nhận Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác, tỉnh táo để nhận diện và đấu tranh kiên quyết với những luận điệu sai trái trên./.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40466428