Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Phê phán luận điểm “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không còn phù hợp ở thế kỷ XXI” (phần 4)

(TGAG)- Vấn đề thứ ba: “Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận,… Học thuyết về lịch sử của C. Mác chỉ là một phiên bản thế tục của thuyết quyết định luận. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa”.

Bằng biện giải và chứng cứ thực tiễn, T. Eagleton đã bộc lộ ngụ ý cho rằng: Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản mà chính phong trào chống áp bức, bóc lột của giai cấp công nhân ở châu Âu đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ông sống. Các khái niệm về giai cấp xã hội, ý niệm về giai cấp vô sản cũng là những sản phẩm khoa học quen thuộc của nhiều nhà tư tưởng thế kỷ XIX như Hegel, William Thompson. Mác chỉ là người đã định nghĩa lại một cách cẩn trọng, tỉ mỉ toàn bộ những khái niệm ấy. Trong hệ tư tưởng của Mác có hai học thuyết chính: Một là, vai trò cơ bản của kinh tế trong đời sống xã hội. Hai là, ý niệm về sự kế tiếp nhau của phương thức sản xuất trong suốt quá trình lịch sử.

T.Eagleton đã phân tích đầy sức thuyết phục về sự cần thiết phải hiểu đúng, hiểu đủ về tuyên bố nổi tiếng của Mác trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh gia cấp.” Ở đây phải hiểu đúng tư tưởng của Mác rằng, đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất, là động lực trực tiếp của lịch sử nhân loại.

Tác giả nêu nhiều cứ liệu lịch sử để luận giải mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, khẳng định sự chiến thắng của lực lượng sản xuất trước quan hệ sản xuất, từ đó đi đến khẳng định tư tưởng của Mác về sự sụp đổ của giai cấp tư sản và chiến thắng của gia cấp công nhân là “tất yếu như nhau”. Và như vậy, một khi chủ nghĩa tư bản hoàn toàn thất bại thì tất yếu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng, nhưng không phải “ngủ yên” như thuyết quyết định luận để chiến thắng, mà phải hành động và hành động sáng tạo để làm nên lịch sử. Đây là yếu tố khác nhau cơ bản giữa học thuyết Mác và thuyết quyết định luận.

Vấn đề thứ tư: “Chủ nghĩa Mác là giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn…Cách nhìn nhận ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người. Người ta đơn giản cho rằng, cái xấu xa trong con người không tồn tại… Chính viễn cảnh ngây ngô của Mác về tương lai phản ánh sự phi thực tế đến vô lý trong toàn bộ hệ thống quan điểm chính trị của ông”.

Tác giả công trình Tại sao Mác đúng? đã phân tích từ góc độ nhận thức luận về quá khứ, hiện tại, tương lai để khẳng định rằng sự phê phán Mác về những vấn đề trên là không đúng. T. Eagleton đã phân tích, chỉ ra sự khác nhau giữa Mác và những nhà không tưởng khác. Theo ông, Mác có kế thừa các triết gia không tưởng như Charles Fourier, Saint Simon và Robert Owen, nhưng ông phản đối tư tưởng của họ trên nhiều chiều cạnh, trong đó có vấn đề cốt yếu là niềm tin của những triết gia không tưởng về việc giành thắng lợi trước đối thủ chỉ toàn bằng sức mạnh của lý lẽ. Xã hội đối với họ là một cuộc đấu tranh tư tưởng chứ không phải sự đấu tranh vì lợi ích vật chất. Tác giả cũng lược khảo cách nhìn về tương lai không đúng đắn của nhiều học giả khác. Từ đó khẳng định rằng, vấn đề đối với Mác không phải là mơ mộng về một tương lai tốt đẹp, mà là giải quyết mâu thuẫn hiện tại đang cản trở sự xuất hiện một tượng lai tốt đẹp hơn. Mác khẳng định, tương lai là tất yếu. Ông phác thảo ra một tương lai mà hình ảnh thật sự của tương lai (xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa) chính là sự thất bại của hiện tại. Ở tương lai đó, nội dung sẽ nhiều hơn hình thức.

Tác giả so sánh những nhà tư tưởng có những quan điểm khác nhau về sự phát triển của lịch sử loài người, về bản chất của con người. Ông khẳng định rằng, Mác luôn tin vào bản chất thực sự của con người và tin con người có thể biến đổi những điều kiện hiện tồn của mình trong quá trình mà ta gọi là lịch sử. Khi làm được điều đó, con người sẽ biến đổi, hoàn thiện chính mình. Tức là, thay đổi không phải là mặt đối lập của bản chất con người, vì con người là loài sáng tạo, cởi mở và chưa hoàn thiện cho nên con người luôn khát vọng vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Nếu người ta phê phán khái niệm bình đẳng trong chủ nghĩa xã hội, thì Eagleton đã chỉ ra rằng: “Chủ nghĩa xã hội không phải là tất cả mọi người đều mặc cùng một bộ quần áo may sẵn. Chính chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đã khoác những bộ đồng phục lên công dân của mình…” Và cuối cùng, ông mượn lời của một tác giả khác – Theodor Adorno để trả lời sự phê phán Mác là nhà triết học không tưởng: “ Mác là kẻ thù của không tưởng chính vì tính hiện thực trong tư tưởng của ông”.

Vấn đề thứ năm: “Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận về kinh tế… Khi quan điểm của  Mác bị chi phối bởi kinh tế học như vậy, Mác đã trở thành một hình ảnh nghịch đảo về hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông từng lên án”.

Tác giả Eagleton đã minh giải rằng, những người phê phán chủ nghĩa Mác đã mạo danh các loại học thuyết như: thuyết đa nguyên, thuyết quyết định luận kinh tế, thuyết kinh tế về lịch sử, thuyết giản hóa luận kinh tế,… để cho rằng chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế rõ ràng là cố chấp, “đơn giản hóa vô lý và lố bịch”. Ông đã lược khảo các tác phẩm của Mác, phân tích từng khía cạnh tư tưởng của Mác, trên cơ sở đó chỉ ra rằng, theo Mác, hoạt động mang tính lịch sử đầu tiên chính là sản xuất ra các phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Sau đó con người mới sáng tạo ra nghệ thuật, viết nên những vần thơ trữ tình…Đó là quá trình như chính Mác nói : Con người sáng tạo ra sự vật theo quy luật của cái đẹp.

Cơ sở của văn hóa chính là lao động. Không có hoạt động sản xuất vật chất thì không có nền văn minh. Chính cách con người sản xuất ra đời sống vật chất của mình sẽ đặt ra giới hạn cho các thiết chế văn hóa, pháp luật, chính trị và xã hội mà con người tạo ra… Kinh tế không trực tiếp sáng tạo ra một cái gì mới cho nghệ thuật cả, nó chỉ là cơ sở để mở đường cho cái mới hình thành và phát triển. Cần hiểu đúng một điều mà người ta hay xuyên tạc như Ăng-ghen cảnh báo là: “Theo quan niệm duy vật lịch sử, thì trong lịch sử, nhân tố quyết định cuối cùng là sức sản xuất và tái sản xuất đời sống kinh tế. Cả Marx và tôi, chúng tôi không khẳng định điều gì hơn cả. Nhưng nếu người ta muốn xuyên tạc lời nói đó đến nỗi bảo rằng câu ấy ý nói nhân tố kinh tế duy nhất quyết định, thì người đó biến câu ấy thành một câu trống rỗng, trừu tượng, phi lý”. Mác nói tổng quát trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức: “Giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội”         

T.Eagleton đã nêu ra hàng loạt dẫn chứng để đi đến xác tín rằng: Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác mới theo thuyết giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích đơn thuần và tin vào nội hàm hẹp hơn của khái niệm “sản xuất”.

Tác giả cũng phân tích kỹ học thuyết lịch sử của Mác, phân tích rõ mối quan hệ giữa kinh tế và đấu tranh giai cấp, tìm hiểu kỹ quan niệm của Mác về cuộc sống con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa – đó là cuộc sống tốt đẹp, trong đó lao động được giải phóng khỏi sự nhọc nhằn, “khổ sai”, để trở thành nhu cầu sống lành mạnh của con người. Nói cách khác, chính Mác là người “mong muốn một xã hội mà trong đó kinh tế không còn chi phối và tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực nữa”. Từ những luận giải đó, T.Eagleton khẳng định rõ rằng, cách hiểu chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế là “sự đơn giản hóa chủ nghĩa Mác một cách ngớ ngẩn”.(còn tiếp)
NC-GDLLCT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37175755