Truy cập hiện tại

Đang có 275 khách và không thành viên đang online

Việt Nam luôn tôn trọng, đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng

(TGAG)- Những năm qua, thành tựu trong việc chăm lo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo của Việt Nam luôn được người dân theo tôn giáo và không theo tôn giáo trong nước cũng như dư luận quốc tế thừa nhận. Thế nhưng gần đây, ngày 26/4/2017, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ ra “báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế” năm 2017, trong đó có các thông tin sai lệch, đánh giá thiếu khách quan về tình hình ở Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng. Đảng, Nhà nước ta ngay từ khi thành lập đã hiểu rõ nhu cầu tâm linh của người dân và coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của người dân. Xuyên suốt quá trình lịch sử của đất nước, quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng đã được Nhà nước cụ thể hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, trong đó có lĩnh vực tôn giáo.

Từ chỗ chỉ có ba tổ chức tôn giáo được công nhận thì đến nay cả nước có 40 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động. Hàng nghìn công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự được xây mới, nâng cấp, sửa chữa. Các tổ chức tôn giáo đều có xuất bản báo, tạp chí, bản tin. Một số hoạt động kỷ niệm, đại hội, diễn đàn hội nghị tôn giáo được tổ chức với sự tham gia của đông đảo chức sắc, tín đồ và khách nước ngoài là minh chứng sinh động về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, đại bộ phận đồng bào có đạo, chức sắc trong các tôn giáo không chỉ đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước mà còn tích cực tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng quê hương đất nước theo tinh thần “tốt đời đẹp đạo”.

Ở Việt Nam không có ai bị bắt vì lý do hoạt động tôn giáo. Mọi công dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo cũng là công dân Việt Nam, phải có nghĩa vụ chấp hành luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có một số chức sắc, tín đồ do bất mãn cá nhân hoặc có tư tưởng chống đối chế độ đã có những hoạt động vi phạm pháp luật như kích động, tổ chức gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, ngăn cản việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây tình hình phức tạp an ninh, trật tự ở một số địa phương, buộc cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành khởi tố, điều tra theo đúng pháp luật.

Luật pháp quốc tế và của nhiều quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân trong khuôn khổ của pháp luật Nhà nước. Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo”. Tuy nhiên, quyền tự do này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền tự do cơ bản của người khác”.  

Mọi chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc và tương thích với Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Bất cứ tổ chức, quốc gia nào ban hành “báo cáo” về tình hình tôn giáo ở Việt Nam đều vi phạm luật pháp quốc tế, là can thiệp trắng trợn vào nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, là điều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế hiện nay./.

Sự thật
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39158886