Truy cập hiện tại

Đang có 108 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Kỳ 3: Tình quân dân như cá với nước, chung sức vì biên cương giàu mạnh

(TGAG)- An Giang đã tập trung xây dựng và phát triển các mô hình quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới. Hiệu quả các mô hình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng ở địa phương. Nhiều mô hình hiệu quả, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa cán bộ, nhân dân các địa phương vùng biên, củng cố quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Campuchia. Qua đó, góp phần xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên tuyến biên giới...; nhân dân một lòng đi theo Đảng.

* Chung sức vì biên cương giàu mạnh

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, bằng nhiều hình thức, các huyện biên giới phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Xây dựng và phát huy có hiệu quả các mô hình, phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự trên tuyến biên giới như: “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới bảo vệ an ninh tổ quốc”; phong trào “Điểm sáng văn hóa biên giới”, “Thanh niên làm chủ biên giới”, “Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, “Tổ nông dân tự quản đường biên - cột mốc”... đã thu hút hàng ngàn lượt hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân tham gia. Trong đó, người dân đóng vai trò hết sức quan trọng cùng với chính quyền địa phương bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Thông qua các phong trào tự quản, hiệu quả của công tác tuyền truyền đến quần chúng nhân dân rất tốt. Người dân nhận thức ý nghĩa của việc bảo vệ đường biên, cột mốc nên tích cực phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định tại khu vực biên giới cũng như bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc.

Để phát huy hiệu quả, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn biên giới, các Tổ tự quản đường biên cột mốc thường xuyên phối hợp với lực lượng Đồn Biên phòng tổ chức tuần tra biên giới. Vận động chị em phụ nữ buôn bán qua lại biên giới chấp hành tốt quy chế biên giới, không đi đường tiểu ngạch, nông dân có đất sản xuất sát đường biên cột mốc quan sát, bảo quản hiện trạng đường biên, cột mốc, để thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện có những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới... Nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng 4.720 tin, trong đó có 1.880 tin có giá trị, góp phần giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới.


Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với tuổi trẻ địa phương thực hiện mô hình Đoạn đường biên thanh niên làm chủ

Các đơn vị Biên phòng duy trì 399 tổ/73 khóm, ấp tự quản đường biên, cột mốc và tất cả các hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới. Hiệu quả lớn nhất mà công tác đối ngoại Biên phòng trong những năm qua đạt được là góp phần giữ vững và xây dựng mối quan hệ giữa tỉnh An Giang với hai tỉnh TàKeo và KanDal (Campuchia) ngày càng thân thiện hơn. Qua đó tăng cường sự tin cậy, hiểu biết, đoàn kết của nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện và phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Liêm cho biết: "Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang phát huy hiệu quả. Đã huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ hướng về các xã biên giới trong công tác nắm tình hình địa bàn  biên giới, phương pháp vận động quần chúng và tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc”; sánh bước cùng phụ nữ nghèo khu vực biên giới, giúp chị em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia".

Mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả nhân rộng trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang (Việt Nam) với 2 tỉnh Tàkeo, KanDal (Campuchia). Qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa cán bộ, nhân dân các địa phương vùng biên, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Campuchia.
    
* Tình quân dân như cá với nước

Những người lính biên phòng nơi biên giới thường được gọi trìu mến là người lính quân hàm xanh. Bên cạnh việc bảo vệ những cột mốc biên giới, các anh còn xây dựng những cột mốc ngay trong lòng người dân vùng biên. Ngoài những lúc tuần tra đường biên, bảo vệ mốc giới, kiểm soát các hoạt động ra vào biên giới, thời gian của người lính biên phòng dành cho các hoạt động học tập, tăng gia sản xuất và nhất là thâm nhập giúp đỡ người dân trên địa bàn. Từ sản xuất, chăm lo sức khỏe, đến tuyên truyền đường lối của Đảng và nhà nước đến nhân dân; tham gia giúp chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xử lý an ninh trật tự địa bàn và nắm bắt diễn biến tư tưởng đời sống của nhân dân.

Bộ đội Biên phòng tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi.

Đi về vùng biên giới, tận mắt chứng kiến, dễ thấy được hình ảnh thân thương, cảm động của anh lính Biên phòng gần dân, sát dân, lắng nghe dân. Chúng tôi cảm nhận được cả tình cảm anh lính biên phòng trầm mình dưới dòng nước chảy xiết để cứu đê, cắt lúa giúp dân chạy lũ, lái tắc ráng đến từng nhà dân rước các cháu học sinh đến trường, cõng các cháu qua sông... Hay hình ảnh con nuôi Đồn Biên phòng, đưa học sinh cắp sách đến trường...
     
Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ đội Biên phòng An Giang thông tin: "Hưởng ứng phong trào “Bộ đội Biên phòng An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng đã tham gia thực hiện được 350 công trình, phần việc, tập trung giúp dân khắc phục thiên tai, lao động sản xuất; xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội;... với trên 30.500 ngày công lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng tham gia xây dựng 186 nhà tình nghĩa, tình thương, trị giá 5,6 tỷ đồng, di dời và sửa chữa 828 căn nhà, trị giá 1,2 tỷ đồng, san lấp sửa đường giao thông nông thôn 25,430 km; làm mới và sửa chữa 11 cây cầu gỗ; 23 cầu bê tông, chữa cháy rừng 4,95 ha.... có 4.998 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đơn vị còn phối hợp với mặt trận các cấp, chính quyền thực hiện Chương trình “Mái ấm cho người nghèo trên biên giới”, xây cất được 385 căn trị giá 8 tỷ đồng. Phối hợp hỗ trợ tiền quà, hiện vật cho dân nghèo biên giới đón tết hàng năm với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng 4 công trình dân sinh (trạm xá quân dân y kết hợp trị giá gần 4 tỷ đồng, triển khai 4 dự án nước sạch trị giá 9 tỷ đồng phục vụ cho bộ đội và 1.000 hộ dân biên giới); khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới 689.696 lượt người (miễn phí 30.784 người), trị giá tiền thuốc trên 1,5 tỷ đồng".

Các Đồn Biên phòng phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Những ngày lễ, Tết truyền thống của Campuchia như: Lễ Ðônta, lễ Ok Om Bok, Tết Chôl Chnam Thmây, Bộ đội Biên phòng đều cử cán bộ, chiến sĩ sang thăm, chúc mừng bà con, các vị sư sãi các chùa dọc biên giới. Qua các hoạt động đó, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” vững mạnh.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ đội Biên phòng An Giang chia sẻ: Những năm qua, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa cán bộ, nhân dân các địa phương vùng biên, củng cố quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với nước bạn Campuchia. 5 năm qua, 5 Cụm kết nghĩa dân cư 2 bên biên giới thường xuyên phối hợp giáo dục tuyên truyền về truyền thống hợp tác hữu nghị giữa 2 nước, các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, các Hiệp định, Hiệp nghị chung giữa 2 nước đã ký kết, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống và tố giác tội phạm; phối hợp tốt với các cấp, các ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chống phá đường lối, chính sách, tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân và hai nước,… được 250 lần, có 1.260 lượt người dân 2 bên biên giới tham gia. Qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân về độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; chấp hành thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới, nêu cao tính tự tôn dân tộc, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

20 năm qua, 3 trạm Quân dân y kết hợp khám chữa bệnh, cấp thuốc cho 126.637 lượt người dân (trong đó có 5.716 lượt người được khám miễn phí). Ngoài ra, các đơn vị cơ sở phối hợp các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 211.290 lượt người, tặng 7.750 phần quà tổng trị giá 3,6 tỷ đồng. An Giang còn phối hợp nước bạn Campuchia tham gia củng cố hệ thống cơ sở chính trị, các tổ chức đoàn thể của hai bên vững mạnh; cùng nhau giải quyết tốt ngay từ cơ sở các vấn đề nảy sinh như xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất sản xuất, chôn cất mồ mả, khai thác cát, đánh bắt thủy sản trái phép; phối hợp Công an địa phương bắt xử lý 1.454 vụ/1.556 đối tượng liên quan đến an ninh trật tự trên khu vực biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.


Bộ đội Biên phòng sát cánh cùng dân cứu để bảo vệ diện tích lúa trong mùa nước nổi.

Nổi bật là phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới” ở An Giang đã góp phần huy động người dân khu vực vùng biên chung sức bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng thế trận “Quốc phòng toàn dân” vững chắc. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương có điều kiện tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra, chăm sóc và bảo vệ, giữ gìn cột mốc biên giới. Trong quá trình sản xuất, làm ăn, người dân luôn có ý thức chú ý theo dõi, báo cáo kịp thời các hiện tượng lạ, những diễn biến phức tạp trong khu vực biên giới, kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Đơn cử như xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) có vị trí chiến lược nơi tuyến đầu biên giới An Giang, có đường biên giới dài 2,5km, tiếp giáp với xã Kaomsano, huyện Lekdek, tỉnh KanDal (Camphuchia). Những năm qua, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn xã Vĩnh Xương cơ bản ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tôn giáo đều hoạt động đúng theo tôn chỉ, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương…, góp phần ổn định tuyến biên giới. Đó là nhờ hiệu quả từ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” và Tổ tự quản đường biên, cột mốc xã Vĩnh Xương, "Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc"... Chị Huỳnh Thị Cẩm Giang chia sẻ: "Mỗi lần tuần tra, đứng nghiêm chào cột mốc của nước mình tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động, nên sẽ quyết tâm cùng bà con bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Hiện tỉnh đã thành lập gần 30 tổ mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc biên giới” ở 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh. Phần lớn các tổ này hoạt động tích cực, hiệu quả cao, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn thôn, ấp. Chị Trương Thị Liêm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Long Bình kiêm Tổ trưởng Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc ấp Tân Bình chia sẻ: "Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc ra đời góp phần trang bị cho hội viên phụ nữ ý thức về chủ quyền, an ninh biên giới, về đường biên, cột mốc".

Thật vậy, những “bóng hồng” nơi biên giới đã góp phần quan trọng cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng An Giang xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Gia Nguyễn Thị Vân cho biết: "Hội đã thành lập 2 Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, với 30 thành viên tham gia. Mỗi tháng một lần, những “bóng hồng” tích cực tuần tra đường biên, cột mốc cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Gia. Hằng quý, tổ chức sinh hoạt, cập nhật các thông tin về tình hình biên giới, địa bàn, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức pháp luật về biên giới quốc gia, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới".

Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế sông Tiền, những người lính quân hàm xanh nơi đây luôn bám sát địa bàn, bám trụ biên giới, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ từng cột mốc, đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ. Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế sông Tiền và chính quyền địa phương tích cực làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; thường xuyên tuyên truyền vận động bà con tín đồ không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các phần tử xấu, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương còn phối hợp Đồn Biên phòng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Nghị định, Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới đất liền giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia, các văn bản pháp luật về biên giới Quốc gia, không sang nước bạn thuê đất, khai thác thủy sản trái phép, khi qua lại làm ăn, thăm thân, du lịch…

Thấm nhuần lời Bác dạy: “Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”, Bộ đội Biên phòng đã áp dụng vào những việc rất thực tế. Các đại đội đóng quân nơi phum sóc Bộ đội ngày càng gần gũi với bà con hơn; phum sóc với doanh trại thực sự như anh em chòm xóm với nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhiều hoạt động ý nghĩa: cất nhà “Đồng đội”, nhà “Tình đồng đội”, nhà “Tình nghĩa”...; tham gia lao động giúp dân di dời, sửa chữa nhà, thu hoạch lúa, đắp đường nông thôn, vệ sinh môi trường. Tình làng nghĩa xóm, tình quân dân từ những câu chuyện đời thường về làm ăn, mùa màng, dịch bệnh, phong tục, lắng nghe và tìm biện pháp giúp đỡ những khó khăn của bà con thắt chặt thêm tình quân dân như cá với nước; đoàn kết quân dân được phát huy, góp phần tô thắm bản chất, truyền thống tốt đẹp và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Nhiều cá nhân điển hình bảo vệ dân phố vùng biên giới được khen thưởng đột xuất như anh Trần Ngọc Phú và anh Lê Văn Nhỏ - thành viên của Ban Bảo vệ dân phố phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ, truy bắt đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Tại biên giới xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), hơn 3 năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã tổ chức lực lượng đưa rước học sinh vùng ven biên giới đến trường, mỗi ngày hai buổi, mỗi buổi hai lượt đi và về. Nhiều học sinh hoàn cảnh cha mẹ mưu sinh xa quê, nhà nghèo, Ban Chỉ huy quân sự xã nhận về cơ quan cho ăn và nghỉ cùng với chiến sĩ.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển các mô hình quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên tuyến biên giới.  
   
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ 4: Thầm lặng những người xây “cột mốc lòng dân”

Ps: Đảng trong lòng người dân biên giới.
Kỳ 1: Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân ở An Giang

Kỳ 2: Phát huy vai trò của Đảng trong xây dựng đường biên cột mốc
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37050590