Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga!

(TGAG)- Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11/1917 - 7/11/2017: Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình, ngày 27- 1-1924 , Nguyễn Ái Quốc đã viết trên báo Pra-vơ-đa (Sự thật) của Liên Xô, những dòng chữ đầy tình cảm như sau: "... Từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin...". "Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức”.


Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến nước Nga lạc hậu thành một siêu cường, Liên Xô trở thành chỗ dựa vững chắc cho các dân tộc bị áp bức đứng lên chống lại ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngay những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người … mà nhân dân lao động có được trong các nước tư bản chủ nghĩa cũng là nhờ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười. Bác Hồ viết: “... chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng…”.

Đối với nước ta, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp cả ba miền. Tất cả đều sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng là thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước.

Trong bối cảnh đó, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy học thuyết của Lênin về vấn đề giải phóng thuộc địa. Người nhận đó là cái cần thiết cho chúng ta, đó là con đường giải phóng chúng ta… Năm 1924, trả lời phỏng vấn phóng viên báo L'Unita của Đảng Cộng sản I-ta-li-a, Người nói: “Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” ở các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được”.

Chuẩn bị thành lập Đảng ta, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Muốn làm cách mạng phải có Đảng, Đảng có vững cách mạng mới thành công, Muốn Đảng vững mạnh phải có chủ nghĩa làm cốt… Ngày nay học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng cách mạng nhất, chân chính nhất là chủ nghĩa Lênin…; trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và đã thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam…
   
Từ năm 1930 đến nay, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Nhưng, giành chính quyền rất khó, giữ được nó còn khó hơn! Nhiều cuộc cách mạng tư sản trước đây, điển hình là Cách mạng tư sản Pháp cũng đã diễn ra như vậy: Bắt đầu từ năm 1789, trải qua bao biến cố thăng trầm, phục hồi và chống phục hồi chế độ quân chủ, mãi đến tháng 2-1848, nghĩa là mất gần 60 năm, nền thống trị của giai cấp tư sản mới được xác lập tuyệt đối và hoàn toàn. Lịch sử là như vậy, Lê-nin chỉ rõ: “Sự xuất hiện của một giai cấp mới trên vũ đài lịch sử, với tư cách là người lãnh tụ và người lãnh đạo xã hội, không bao giờ diễn ra mà lại không có một thời kỳ “tròng trành” hết sức dữ dội, một thời kỳ chấn động, đấu tranh và bão táp…”.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thành tựu vĩ đại, mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã có những khiếm khuyết, nhược điểm nghiêm trọng nhưng chậm phát hiện và khắc phục, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế-xã hội, dẫn tới khủng hoảng. Cùng với đó, khi tiến hành cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô lại mắc sai lầm rất nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô là sự kiện bi thảm nhất ở thế kỷ XX; là một tổn thất lớn chưa từng có đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập tự do trên toàn thế giới. Nó làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên quy mô toàn cầu giữa cách mạng và phản cách mạng, có lợi cho chủ nghĩa đế quốc, bất lợi cho các lực lượng cách mạng. Nhưng ngay cả trong điều kiện chủ nghĩa xã hội bị khủng hoảng, xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng không hề suy giảm. Cách mạng tháng Mười tiếp tục tác động đến chiều hướng của lịch sử loài người trong thế kỷ XXI, thế kỷ của đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản ở tầm cao mới.

Đảng ta nhận định: Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Thời gian ngày càng lùi xa, thực tiễn ngày càng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc; nó phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”./.

TRUNG THÀNH
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37053840