Truy cập hiện tại

Đang có 147 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Ps: Đảng trong lòng người dân biên giới. Kỳ 1: Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân ở An Giang

(TGAG)- An Giang thuộc khu vực Tây Nam của Tổ quốc, có 100km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng bộ, chính quyền An Giang đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước thành hành động cụ thể, hợp lòng dân. Đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, xây dựng lực lượng Đảng bộ trong sạch vững mạnh khu vực biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Trong đó nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới, lực lượng vũ trang là nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách. Tập trung xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh về chính trị và kinh tế-xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới - kết quả từ "Ý Đảng-lòng dân" bảo vệ vững chắc dải đất biên cương phía Tây Nam nơi cuối nguồn của Tổ quốc.


Kỳ 1: Xây dựng cột mốc trong lòng nhân dân ở tỉnh biên giới An Giang


Biên giới quốc gia có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của mỗi quốc gia. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Việc xây dựng cột mốc lòng dân, tăng cường đối ngoại nhân dân để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước; tạo động lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển với các nước láng giềng.

* "Nóng" tình hình an ninh biên giới

Địa bàn biên giới An Giang có tổng dân số 49.935 hộ/209.387 nhân khẩu (chiếm gần 9,7% dân số toàn tỉnh), có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống; là địa bàn đa tôn giáo, trong đó Phật giáo và Phật giáo Hòa hảo là 2 tôn giáo chiếm đa số. Đồng bào dân tộc, tôn giáo đều chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương, biện pháp để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, củng cố quốc phòng an ninh kết hợp phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới đạt nhiều kết quả quan trọng. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, kinh tế-xã hội khu vực biên giới phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, thế trận biên phòng, quốc phòng toàn dân thế trận và an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.


Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ cột mốt biên giới

Tuy nhiên, điều kiện địa hình biên giới An Giang chủ yếu là đồng bằng, với nhiều đường mòn, hệ thống kênh, rạch chạy qua biên giới chằng chịt, thời tiết chia 2 mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) gây khó khăn đối với công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ để chống phá ta. Hoạt động xâm nhập, phá hoại, vượt biên trái phép của các loại tội phạm, lợi dụng tôn giáo, dân tộc, buôn lậu gian lận thương mại... Đồng bào dân tộc có mối quan hệ hai bên biên giới khá phức tạp; đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn. Một số đối tượng cực đoan trong một số tôn giáo thường có các hoạt động quá khích, dễ bị kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng. Địa bàn biên giới của tỉnh tuy được quan tâm đầu tư phát triển, song vẫn còn một số khó khăn tác động ảnh hưởng đến nhiệm vụ xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Do lịch sử để lại biên giới An Giang có nhiều đường mòn, kênh rạch qua lại biên giới, có năm nước lũ dâng cao ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, nhất là công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, mua bán người...hoạt động qua lại biên giới trái phép diễn ra phức tạp. Các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền tăng cường xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Đời sống nhân dân trên địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, nhiều hộ dân không có đất sản xuất. Nhận thức của một số quần chúng còn lạc hậu dễ bị kẻ địch, kẻ xấu lợi dụng.
 
* Nhiều biện pháp ứng phó, cách làm hiệu quả

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy An Giang, Bộ đội Biên Phòng tỉnh đã cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, đề ra Nghị quyết lãnh đạo, củng cố quốc phòng an ninh, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn. Xử lý các tình huống trên biên giới, tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới...

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng nền “Biên phòng toàn dân” và xây dựng lực lượng Bộ độ Biên phòng tỉnh vững mạnh về mọi mặt, trước hết là về chính trị, tư tưởng và tổ chức; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng; đẩy mạnh thực hiện phong trào vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt, tỉnh quán triệt sâu sắc quan điểm "Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt; tăng cường củng cố quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên" theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng củng cố thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.


Đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hóa, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường, thị trấn biên giới. Các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố biên giới có nhiều chương trình hoạt động sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Mặt khác, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn thể Nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh và trên địa bàn biên giới nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và đơn vị; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” trong thế trận “Quốc phòng toàn dân” gắn với thế trận “An ninh nhân dân” vững mạnh.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: "Giải pháp then chốt đó là xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị cơ sở. Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp với 5 huyện, thị, thành ủy biên giới và giữa các Chi, Đảng bộ các Đồn Biên phòng với Đảng ủy 18 xã, phường, thị trấn biên giới. Triển khai phân công giao nhiệm vụ cho 73 đảng viên ở các Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 73/73 Chi bộ khóm, ấp biên giới. Triển khai 81 lượt cán bộ tăng cường cho các xã khó khăn khu vực biên giới, thường xuyên bám, nắm tình hình địa bàn; qua đó đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của đảng viên được phân công, củng cố vững chắc hơn các chi bộ khóm, ấp biên giới. Đồng thời phân công 230 đảng viên, phụ trách 1.158 hộ gia đình ở khu vực biên giới, tham mưu cho cấp ủy địa phương bồi dưỡng và kết nạp được 902 đảng viên mới".


Buôn lậu tuyến biên giới còn phức tạp

Quán triệt và thực hiện tốt các Chỉ thị của Trung ương, tỉnh đã hình thành nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng trên khu vực biên giới như: “Tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Hiện nay, có 5/15 cặp Cụm dân cư kết nghĩa giữa các khóm, ấp của Việt Nam với các phum, sóc của Campuchia và 11 Đồn Biên phòng tuyến biên giới ký kết nghĩa với lực lượng Bộ đội Biên phòng Campuchia đối diện. Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới. Xây dựng 21 hòm thư tố giác tội phạm ở các cụm tuyến dân cư trên khu vực biên giới, đồng thời mở đường dây nóng tố giác tội phạm tại 5 Đồn Biên phòng trọng điểm.  

Theo Đại tá Phạm Văn Phong, với đặc điểm địa bàn An Giang trước đây đã xảy ra nhiều “Điểm nóng”, phức tạp về an ninh trật tự kéo dài. Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương, các lực lượng tăng cường tranh thủ những người tiêu biểu, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để giải quyết tốt các vụ việc xảy ra, xây dựng các mối quan hệ cộng đồng, biết chăm lo, bảo vệ lợi ích của người dân, được quần chúng nhân dân tín nhiệm để tuyên truyền vận động. Cùng với tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức quần chúng, đoàn thể. Tham gia bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Các Đồn Biên phòng đã tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố xây dựng 554 lượt chi bộ khóm (ấp), 820 lượt Tổ an ninh nhân dân, 470 lượt Tổ tự quản đường biên, cột mốc, 320 lượt Đội dân phòng, 120 lượt đơn vị dân quân, 116 lượt ban Mặt trận Tổ quốc xã, 350 lượt Chi đoàn khóm, ấp, 435 lượt Chi hội phụ nữ, 246 lượt Chi hội nông dân, 198 lượt Chi hội Cựu Chiến binh, 172 lượt Chi hội chữ thập đỏ... đảm bảo hoạt động thường xuyên, có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới. Qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, an tâm lao động sản xuất, gắn bó với biên giới, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phát triển.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ 2: Phát huy vai trò của Đảng trong xây dựng đường biên cột mốc
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40416268