Truy cập hiện tại

Đang có 219 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Xuân Ất Mùi nhớ về Xuân Mậu Thân


(TGAG)- Cơn gió bấc đi qua, báo hiệu mùa xuân đến. Không khí ấm áp mùa xuân làm cho vạn vật sinh sôi, đơm hoa, kết trái tạo nên cảnh sắc rực rỡ nhất của đất trời. Trong không khí tưng bừng đón chào năm mới, toàn Đảng, toàn dân đang nô nức lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi.
Đón xuân này ta nhớ xuân xưa - Một mùa xuân của hào khí, xuân chiến công, mùa xuân ước mơ ngày độc lập. Xuân Mậu Thân 1968 đã in sâu vào ký ức của những người từng sống và chiến đấu trong mốc son thiêng liêng đó.
Chấp hành chủ trương Khu 8 ngày giờ tấn công đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy An Giang xác định trọng điểm chính tấn công là thị xã Châu Đốc, Châu Thành - Long Xuyên là mục tiêu phụ, thị trấn Tri Tôn, Tân Châu là diện căng kéo địch.
Các địa phương chuẩn bị khẩn trương, chu đáo phương án tác chiến, hậu cần, cứu thương, giao liên, mục tiêu đánh chiếm... sẵn sàng chờ đến giờ G sẽ đồng loạt nổ súng tự giải phóng.
Hòa trong niềm vui tết cổ truyền dân tộc, chiều 30 Tết, lễ xuất quân được tổ chức trọng thể tại núi Dài lớn với khí thế tiến công và quyết tâm giải phóng quê hương sục sôi trong lòng bao cán bộ, chiến sỹ, đồng bào. Trong đêm 30 Tết, Ban chỉ huy chiến dịch cùng lực lượng vũ trang, dân công hành quân về Thới Sơn (Tịnh Biên) trong tiếng pháo đón giao thừa rộn rã. Trinh sát tỉnh phối hợp với địa phương quân huyện, du kích Thới Sơn bung ra khống chế đồn bót địch chung quanh. Tối mùng 1 Tết, toàn bộ lực lượng hơn 2.000 người hành quân thần tốc đến điểm tập kết “chòm gáo cò kêu” cách thị xã Châu Đốc khoảng 2 cây số.
Ở căn cứ B2, cánh quân tiền phương vượt kinh Vĩnh Tế đến hội quân với cánh chính ở khu vực quy định. Cuộc hành quân của hai cánh quân giữ được bí mật hoàn toàn dù ngọn đèn pha cực mạnh trên đỉnh núi Sam không ngừng quét sáng.
Cuộc hành quân diễn ra rầm rộ nhưng tuyệt đối bí mật. Tất cả các chiến sỹ trên dưới một lòng sẵn sàng chờ lệnh tổng tấn công vào sào huyệt quân thù. Mệnh lệnh như một sức mạnh kỳ diệu thúc giục mọi người tiến lên khí thế bừng bừng tạo nên cơn lốc dũng mãnh, bất ngờ. Giờ lịch sử đã điểm - hai giờ sáng ngày 31/01/1968 (mùng 2 Tết) các cánh quân của ta đã bí mật áp sát các mục tiêu. Lúc này, địch đang say sưa ăn tết vẫn không biết gì. Ba cánh quân giải phóng đồng loạt nổ súng giáng đòn bất ngờ trút xuống đầu quân địch!
Cánh thứ nhất gồm 2 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 1 chia làm hai mũi, mũi thứ nhất đánh từ đường Xe Lửa (Thủ Khoa Nghĩa) ra đường Xe Rác (Trưng Nữ Vương), đến ngả ba đường Phan Văn Ràng, đánh lên rạp hát Tân Việt, cắt ngang đường Bạch Đằng tiến tới chiếm cầu sắt An Biên. Mũi thứ hai đánh từ đường Xe Rác khống chế thành Thượng Đăng Lễ, tiến ra bờ sông chiếm Tòa hành chính tỉnh Châu Đốc. Cặp mé sông trên đường Gia Long đánh thẳng lên Chợ Gà chiếm cầu sắt ngoài, nhiệm vụ chốt giữ chân bọn lính thành PC. Tiểu đoàn 2 chia làm hai mũi, mũi một từ chùa Pháp Võ đánh xuống cầu Lò Heo trong, đến ngả ba Nguyễn Trường Tộ tiếp tục hướng ra cầu Lò Heo ngoài. Mũi hai từ chùa Pháp Võ đánh xuống Nhà Giảng, triển khai ra đường ngả ba Nhà Thờ, theo đường Liên tỉnh Mười xuống chiếm bến xe Châu Đốc, đề phòng con đường tiếp viện của địch từ Châu Phú lên.
Cánh thứ hai, Đội Biệt động thị xã đánh thẳng vào đường Núi Sam, làm nhiệm vụ chốt chặn. Nhanh chóng đắp các ụ chiến đấu trên đường, sẵn sàng chống lại sự phản kích của địch từ Tịnh Biên ra.
Cánh thứ ba, Huyện đội Châu Phú điều lực lượng đánh vào đầu trong đường Louis Paster, đoạn từ Thánh Thất Cao Đài ra sông Hậu, chiếm hãng rượu Vĩnh Phong Long, bung ra đánh lấn xuống bao vây, khống chế thành PC, chủ yếu là giữ chân địch tạo, điều kiện cho mũi chủ công chiếm nội ô Châu Đốc.
Quá bất ngờ, choáng váng địch trở tay không kịp! Chỉ trong vòng vài giờ chiến đấu, ta gần như làm chủ thị xã. Đến sáng ngày 31/01/1968, địch chỉ còn giữ được dinh Tỉnh trưởng, thành PC và nhà Phủ Vị (nơi đóng quân của đại đội bảo an 686) chờ viện binh tiếp cứu.
Sau khi hoàn hồn lại, quân chủ lực ngụy từ Cần Thơ lên, tiểu đoàn lực lượng đặc biệt từ An Phú qua tiếp viện Châu Đốc. Do các cánh quân hợp đồng không chặt chẽ, không cầm chân địch theo như kế hoạch nên để bảo toàn lực lượng, Ban chỉ huy quyết định rút quân, đêm 31/01/1968, lực lượng ta rút về căn cứ an toàn.
Kết quả, quân giải phóng đã phá hủy, đánh chiếm 21 địa điểm, căn cứ địch, loại hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ cả đại đội 810 bảo an Châu Đốc. Theo báo cáo của địch có 70 chết, 116 bị thương, mất 99 súng, cháy 10 xe.
Mặt trận Châu Thành - Long Xuyên, đêm 30/01/1968, lực lượng ta pháo kích tấn công đồn Trà Kiết (Vĩnh Hanh), phát loa và vận động gia đình binh sỹ gọi hàng. Nhưng bọn chỉ huy ác ôn khống chế, ra lịnh binh sỹ trong đồn bắn trả. Gần sáng, lực lượng ta rút về cánh đồng Năm Xã. Ngày 31/01/1968, địch ngăn chặn quanh khu vực ngả ba Lộ Tẻ, bịt kín các ngả vào nội ô còn lực lượng bên trong chỉ phá được một góc bến phà Vàm Cống. Quân giải phóng và chính quyền Sài Gòn đánh nhau quyết liệt ở cánh đồng Năm Xã, ta hy sinh 6 đồng chí (có 1 UVTV Huyện ủy, 2 HUV).
Tại Tân Châu, lực lượng vũ trang tấn công nhiều nơi, các xã đẩy mạnh hoạt động tại chỗ để căng kéo địch, chia lửa với cuộc chiến, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang tỉnh tấn công vào thị xã Châu Đốc.
Tại Tri Tôn, tối ngày 30/01/1968 (tối mùng 1 Tết), lực lượng Tri Tôn chia làm 3 mũi tiến vào thị trấn. Theo đúng kế hoạch, hai giờ sáng ngày 31/01/1968, quân giải phóng đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu trong thị trấn, đánh chiếm Chi cảnh sát diệt được tên Trưởng chi và một số cảnh sát, chiếm được khu chợ Tri Tôn, diệt một trung đội lính bảo an và 10 tên thám báo, thu 47 khẩu súng. Sáng mùng 2, quân giải phóng làm chủ hoàn toàn quận lỵ, cắt đứt lộ tẻ kinh 13, địch chỉ còn giữ được Chi khu. Riêng mũi cầu cây Me bị địch bắn chặn dữ dội nên không vượt qua được. Các xã trong huyện cũng bừng lên khí thế tấn công địch với nhiều mức độ khác nhau.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là đòn bẩy buộc địch phải xuống thang chiến tranh, làm động lực ép địch ký Hiệp định Paris, mở ra thời kỳ mới tiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, mỗi năm mùa xuân đến, khí thế Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn đọng lại đâu đây. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không thể lãng quên những chặng đường đầy gian khổ của các bậc tiền nhân đã ngã xuống để có mùa xuân hạnh phúc như hôm nay: Tổng tấn công Xuân Mậu Thân là một chiến thắng trong chuỗi lịch sử vàng son của tỉnh nhà

Ban Biên tập

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36576645