Truy cập hiện tại

Đang có 117 khách và không thành viên đang online

Hành trình của những thước phim

(TUAG)- Như những thước phim tiếp nối và bất tận, hơn 50 năm qua, hình ảnh những người đi chiếu bóng lưu động luôn hiện diện trong đời sống văn hóa của Nhân dân một cách gần gũi và thân tình. Họ không chỉ mang đến những thước phim để dệt nên ký ức dài hạn, mà họ còn mang đến những viên gạch niềm tin, xây đắp nên một nền tảng văn hóa tinh thần, đánh thức sức sống cho bao miền đất hứa!


Đội Chiếu bóng lưu động những ngày đầu 1977 (ảnh tư liệu sưu tầm).

Những ngày gian khó

Chú Trần Phú Thạo (Ba Thạo) - Đội trưởng đầu tiên của Đội Chiếu bóng An Giang, nhớ lại, từ những năm 1962 – 1963, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cho thành lập Đội Chiếu bóng lưu động ngay tại căn cứ B1 (nay thuộc huyện An Phú, An Giang). Lúc bấy giờ B1 là vùng biên giới xa xôi, rừng rậm hoang vu, nhiều đế sậy, với những kinh rạch len lỏi, kết nối qua những xóm làng người Việt và phum sóc của người Campuchia, từ lâu đã là “phên dậu” vững chắc của cách mạng.

Thuở sơ khai, Đội được trang bị một máy chiếu phim 16 ly của Tiệp Khắc, 1 máy chiếu phim 35 ly của Liên Xô và một máy nổ hiệu Koler 7. Ít lâu sau được trang bị thêm máy chiếu phim 16 ly của Mỹ - đây là chiến lợi phẩm quân ta thu được sau trận đánh. Bằng các máy chiếu thô sơ ngày ấy, với phương châm “tiếng loa hòa tiếng súng”; máy chiếu được xem là súng, băng phim là đạn và các anh em chiếu bóng là những chiến sĩ của mặt trận văn hóa, thông tin cổ động, Đội đã lặn lội mang những thước phim tuyên truyền đến khắp các xóm làng biên giới, lúc thì ở vùng giải phóng, lúc lại ở vùng “da beo”, khi thì vào trong vùng địch tạm chiếm, và cũng không ít lần sang các phum sóc ở đất bạn chiếu phim tuyên truyền cho bà con Campuchia xem.
Lần theo lời kể của chú Ba Thạo, chúng tôi quyết tâm tìm đến những thành viên trong Đội Chiếu bóng năm nào. Sau hơn 50 năm, người còn, người mất… Nhưng khi gặp các chú, ai nấy cũng hồ hởi như được sống lại những năm gian khó mà hào hùng, dưới ánh đèn pha máy chiếu, họ đã sống và đặt từng viên gạch cho công tác tuyên truyền, lan tỏa văn hóa của cách mạng. Chú Đỗ Thanh Đoàn (nguyên Giám đốc Công ty Điện ảnh An Giang, một trong những cán bộ của Đội Chiếu bóng lưu động ngày ấy), kể với chúng tôi rằng, những năm bom đạn ác liệt, để có được những buổi chiếu phim cho bà con thưởng thức, các anh em trong Đội phải tìm cách trao đổi phim với các đơn vị bạn, thậm chí không ít lần lặn lội đạp xe, len lỏi đường rừng ròng rã hàng chục ngày trời lên căn cứ R ở Tây Ninh để chở những bành phim về B1.

Có phim trong tay, còn phải lo địa điểm chiếu cho người dân coi. Lúc bấy giờ các xóm làng ở biên giới thường xa xôi, đường đi khó khăn, địch đóng quân nhiều nơi, rình rập rất sát sao. Để đem những thước phim tuyên truyền về cuộc chiến tranh chính nghĩa của Nhân dân ta, về lòng yêu nước và cỗ vũ tinh thần chiến đấu, Đội phải linh hoạt, tìm cách chuyên chở máy móc sao cho an toàn và không quên mang theo cả súng đạn sẵn sàng chiến đấu; băng rừng, len lỏi qua kinh rạch mấy chục cây số để đến với dân; nhiều lúc vào sâu trong vùng địch chiếm đóng. Đến nơi, Đội phải đào hầm kín đáo tránh tiếng ồn, ngụy trang máy móc, dùng tăng, chiếu che máy chiếu, không để ánh sáng rực ra ngoài làm địch phát hiện. Bên cạnh đó, Đội còn đào hào để phòng khi địch pháo kích thì người dân có nơi mà ẩn nấp. Vậy mà có lần đang chiếu phim thì bị địch oanh tạc, cả Đội và người dân phải xô máy, nhảy xuống hào tránh pháo. Tan cuộc pháo kích, có thanh niên hừng hực ý chí, xin các anh em cho theo về căn cứ để đi kháng chiến.

Hồi ấy, Đội đến đâu chiếu phim là bà con đến xem đông như hội, người ta mang theo cả chiếu mền cho trẻ con nằm ngủ. Phim chiếu hết 1 bộ, bà con lại muốn xem thêm. Hễ còn người xem là Đội còn chiếu, cho đến khi nào hết các bành phim mang theo mới thôi, có khi chiếu đến cả 1 – 2 giờ sáng. Những thước phim quay cảnh Bác Hồ đi thăm dân công, thăm nông dân, cưỡi ngựa đi công tác, dạy võ, lội suối, băng rừng, chơi bóng chuyền… do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn – một người con An Giang vinh dự quay những thước phim đầu tiên về Bác tại chiến khu Việt Bắc, được chiếu cho Nhân dân xem, đầy xúc động. Những tựa phim tài liệu như: Chung một dòng sông, Nổi gió, Chiến thắng đường 9 Nam Lào, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội hoặc các phim truyện Người chiến sĩ trẻ, Đường về quê mẹ… được đông đảo người dân yêu thích. Có phim bà con vừa xem vừa cảm động rưng rưng, đập tay xuống đất căm thù giặc, quyết theo cách mạng đánh đuổi ngoại xâm.

Nhưng đâu chỉ có chiếu phim cho quần chúng nhân dân xem, Đội còn chiếu phim cho cả những binh lính giặc bị bắt làm tù binh. Có người đã khóc khi xem phim Không nơi ẩn nấp, Đường về quê mẹ... Và chính họ, khi được thả về, đã vận động người thân, binh sĩ trong hàng ngũ địch trở về với chính nghĩa, ủng hộ cuộc kháng chiến của cách mạng đến ngày thắng lợi.

Những năm 1968 - 1972, chiến tranh nổ ra ác liệt, nhu cầu quân số trực tiếp chiến đấu ngày một tăng. Những trận đánh lớn khi cần bổ sung lực lượng, các anh em kỹ thuật viên trong Đội Chiếu bóng đều xung phong cầm súng ra trận, đối mặt với quân thù. Và không ít người trong số họ đã anh dũng hy sinh, khi vẫn mang bao ấp ủ và lời hứa với bà con xóm thôn phum sóc, sẽ đem đến chiếu một bộ phim về ngày thắng lợi rực rỡ của Nhân dân ta, gần thôi! Đồng đội ở lại, tiếp tục mang những thước phim đến với dân, không khỏi nghẹn ngào khi có người hỏi, chú Năm sao không đến như đã hẹn? Và họ không nén nỗi xúc động, nghẹn ngào thương nhớ, dâng trào thêm niềm quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, xua đi đêm tối của chiến tranh, mất mát!

Là lực lượng bám địa bàn cơ sở, đi vào từng ngõ ngách vùng sâu vùng xa, vùng “da beo”, nơi địch tạm chiếm, các thành viên Đội Chiếu bóng luôn nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cách mạng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Gần gũi với người dân, trực tiếp mang những món ăn tinh thần cho Nhân dân, Đội đã góp phần đem ánh sáng văn hóa của cách mạng đến khắp những nơi xa xôi, cách trở; tuyên truyền về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiêu mộ dân quân, khơi dậy lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu. Họ là những người mang sứ mệnh “xây dựng” nền tảng thắng lợi của cách mạng trên cả 3 mặt trận: Chính trị, dân vận và văn hóa tư tưởng!

Một thời “hoàng kim”

Ngày 30/4/1975, Đội Chiếu bóng An Giang từ kháng chiến ra được phát triển và thành lập thêm 11 đội, chia ra phụ trách các huyện, thị; vừa chiếu các phim tài liệu tuyên truyền cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa duy trì chiếu một số phim truyện đáp ứng nhu cầu phát triển tinh thần của Nhân dân.

Ông Nguyễn Sĩ Hùng (Phó trưởng Phòng Tuyên truyền cổ động và Điện ảnh – Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang), nhớ lại, những năm đầu sau giải phóng, ở thị xã mới có điều kiện đi xem phim chiếu rạp, còn ở các huyện, đặc biệt là vùng sâu vùng xa và vùng đồng bào dân tộc, phum sóc ven biên giới thì hầu như người dân chỉ trông vào những dịp Đội Chiếu bóng về.
Lúc bấy giờ các Đội Chiếu bóng hầu như hoạt động liên tục chứ không chỉ ở mỗi dịp lễ tết. Những nơi thuận lợi thì đi xe, nhưng hầu như phải đi ghe xuồng, men theo kinh rạch, một đợt hàng chục ngày. Đội đến đâu bà con cũng vui mừng chào đón. Có khi xuồng chở máy chiếu sắp đến nơi đã thấy bà con kéo ra đón mừng, làm anh em trong Đội như xua đi bao cực nhọc và mệt mỏi. Không ít lần mưa gió bất ngờ, anh em nhường phông bạt che cho máy móc, mình mẩy ướt nhem mà sau mưa, dân còn ở chờ là còn mở máy lên chiếu tiếp bộ phim đang dang dở… Tùy vào tình hình mỗi địa phương mà Đội sẽ tìm và chọn phim khác nhau, đến mùa mưa thì chiếu thông tin diệt lăng quăng, đến mùa sắp gieo sạ thì chiếu thông tin nhà nông cần biết… Những chương trình chiếu phim bấy giờ không chỉ là món ăn tinh thần mà còn đem đến những kiến thức hết sức bổ ích cho bà con nhân dân, nên ai ai cũng mê cũng thích…
 

Một buổi chiếu phim cho bà con Khmer huyện Tri Tôn

Một thời hoàng kim mở ra từ những năm đầu sau giải phóng, khi thị hiếu và nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người dân phát triển, Đội Chiếu bóng lưu động được phát triển thành Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Công ty Điện ảnh, Quốc doanh phát hành phim với những hoạt động phát hành băng đĩa, chiếu phim tại rạp và cả chiếu phim lưu động; đạt doanh thu cao, một thời phát triển gần như mạnh nhất nhì trong ngành Văn hóa thông tin địa phương. Năm 2019, Đội Chiếu bóng trở thành một bộ phận của Phòng Tuyên truyền cổ động và Điện ảnh thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang.

Văn hóa chiếu bóng trong thời đại 4.0

Những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, phần nào làm cho không khí sôi nổi của những buổi chiếu phim lưu động dần bị quên lãng, chìm vào lắng đọng. Trước quy luật đó, đòi hỏi Đội Chiếu bóng phải không ngừng nâng chất hơn nữa về cả mặt nội dung và công nghệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu tinh thần của người dân. Các anh em bước vào một mặt trận mới, mặt trận chiếu phim lưu động trong thời đại 4.0.

Đời sống được phát triển, nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người dân cũng ngày một cao và đa dạng hơn. Những người làm công tác chiếu bóng của tỉnh luôn trăn trở và tìm giải pháp làm sao để nâng chất nội dung phim, cải thiện hình thức hoạt động, trang thiết bị ngày một theo kịp sự tiến bộ của công nghệ thì mới thu hút được đông đảo Nhân dân đến xem. Mà thu hút được người dân đến xem thì việc truyền tải văn hóa song song với nhiệm vụ chính trị tuyên truyền vận động Nhân dân mới đạt được hiệu quả.

Trước mỗi buổi chiếu phim, anh em trong Đội đều tìm hiểu kỹ thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của đối tượng khán giả, lựa chọn phim cho phù hợp. Ngoài nguồn phim do Cục Điện ảnh cấp, Đội luôn đổi mới và tìm nguồn phim từ nhiều nơi, kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí để thu hút được đông khán giả.

Ngày nay, các thước phim về với bà con ngày một đa dạng và phong phú từ hình thức đến nội dung. Không chỉ là phim ảnh giải trí mà còn là những kiến thức về giáo dục, khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sức khỏe sinh sản, giữ vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội… lồng ghép, phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sưởi ấm niềm tin cho Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa. Những bộ phim ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử hào hùng cách mạng của đất nước và địa phương, về ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước… đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới… Vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, vừa phát huy được tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ giao phó: “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.

 
Một buổi chiếu phim cho đơn vị bộ đội đóng ở gần biên giới Việt - Campuchia

Những ngày tỉnh nhà phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chương trình chiếu phim lưu động bị gián đoạn. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, các cán bộ chiếu phim đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng sự phổ biến của các trang mạng xã hội để đăng tải nhiều phim, tư liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch một cách nhanh nhạy và hiệu quả, lan tỏa đến đông đảo quần chúng nhân dân. Trong gian khó từ thời chiến tranh ác liệt, đến những năm đổi mới còn nhiều thiếu thốn và trước tình hình mới khi dịch bệnh xảy ra, hình ảnh của những người đi chiếu bóng vẫn luôn lặng lẽ mà những thước phim của họ luôn hiện diện trước Nhân dân như người lặng thầm đi xây dựng niềm tin của Đảng, đưa ánh sáng văn hóa đến với quần chúng nhân dân ở mọi thời đại, mọi hoàn cảnh… đúng như tinh thần lời dặn dò của Bác Hồ, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”…

Trong những ngày thực hiện bài viết này, tôi lặn lội theo chân anh Sĩ Hùng đi chiếu phim ở những xã vùng sâu ven biên giới, gặp gỡ chú Ba Thạo, chú Đoàn… nghe các chú kể chuyện. Sau mỗi mẫu chuyện, như có một thước phim tôi vừa được xem bằng sự hình dung rằng, những người làm công tác chiếu bóng ở An Giang trong hơn 50 năm qua, không chỉ mang đến những thước phim để dệt nên ký ức cho bao người; mà họ còn mang đến những viên gạch niềm tin, xây đắp nên một nền tảng văn hóa tinh thần cho bao vùng đất xa xôi bừng thức dậy. Như những con ong cần mẫn, họ nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho, lặng lẽ vun đắp dựng xây, đầy nhiệt huyết. Họ chắt lọc từ đất mẹ những hạt phù sa tươi tốt nhất để đúc nên những viên gạch hồng đẹp đẽ, rắn chắc và hữu dụng. Họ lại lặng lẽ dùng cả tâm huyết của mình để hóa hồ kết dính từng viên gạch một thành bức tường “phên dậu” cho cách mạng, những nấc thang đưa người dân đến với ánh sáng, tri thức và niềm tin của Đảng!
 
Lê Quang Trạng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40065938