Truy cập hiện tại

Đang có 118 khách và không thành viên đang online

Sắc màu văn hóa trong đám cưới Chăm

Người Chăm ở An Giang đa số đều theo đạo Hồi. Họ tuân thủ nghiêm ngặt những giáo điều trong luật đạo, rõ nét nhất là tục cưới hỏi. Song song đó, những đám cưới của người Chăm cũng cho thấy phong tục độc đáo, tạo nên dấu ấn văn hóa riêng.

Tự do tìm bạn đời

Quá trình theo chân chúa Nguyễn vào Nam, người Chăm ở An Giang đã an cư nơi vùng đất mới. Tuy chung sống hòa hợp cùng các dân tộc khác nhưng họ vẫn lưu giữ được những tập quán đặc trưng. Phong tục cưới hỏi của người Chăm mang nhiều nét khác biệt, phản ánh văn hóa tín ngưỡng của đạo Hồi.

Mùa cưới của người Chăm thường diễn ra khi tháng ăn chay Ramadal kết thúc. Tuy nhiên, với điều kiện sống hiện nay, họ có thể tổ chức lễ cưới vào những dịp thuận tiện.

“Lễ cưới của người Chăm ngày trước thường theo lịch Hồi giáo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể tổ chức bất cứ lúc nào tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Các ngày thường được chọn để tổ chức lễ cưới là thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Nơi tổ chức lễ cưới là thánh đường, các tiểu thánh đường hay nhà cô dâu tùy vào hoàn cảnh” - ông Salâymal, Phó Giáo cả làng Chăm Khánh Hòa (Châu Phú), cho biết.

Theo lời ông Salâymal, những thanh niên Chăm đi làm xa xứ thường tận dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để tổ chức lễ cưới. Tết Ất Mùi vừa qua, rất nhiều nam thanh nữ tú của làng ông đã tổ chức lễ cưới, mang đến niềm hoan hỷ cho cả xóm.

74T6a.jpg
Chuẩn bị món cà ri bò cho đám cưới

Ngày trước, nam nữ Chăm đến tuổi dựng vợ gả chồng thường đặt dưới sự lựa chọn của cha mẹ. Nếu cảm thấy “ưng ý” cô gái nào đó trong làng, việc đầu tiên của bậc cha mẹ là hỏi ý kiến con trai mình. Nếu chàng đồng ý, họ sẽ đến “đánh tiếng” với cha mẹ cô gái.

Mọi công việc của đám cưới được bàn bạc rất kỹ trước khi tiến hành. Theo sự phát triển của xã hội, những thanh niên người Chăm đã đi làm việc nhiều nơi, vì thế họ có thể “tìm hiểu nhau”, rồi quyết định đi đến hôn nhân dưới sự đồng thuận của 2 gia đình.

Đơn giản nhưng tươi vui

Nét riêng biệt trong lễ cưới của người Chăm là tục đưa rể chứ không rước dâu. Đây là điểm thú vị, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc này. Trong ngày hôn lễ, chú rể với bộ quần áo truyền thống sẽ được tộc họ đưa đến thánh đường làm lễ.

Đoàn “đưa rể” có khoảng vài chục người, toàn nam giới. Họ mang theo những cái ô đựng trầu cau, vôi gạo, muối, bánh, trái cây. Tại thánh đường sẽ diễn ra phần nghi lễ quan trọng nhất của đám cưới là lễ kà pụn (bắt tay giao con).

Trong phần lễ này, cha vợ và con rể sẽ bắt tay nhau, rồi thực hiện 2 câu đối - đáp với nội dung là lời tuyên bố việc gả - cưới, đồng thời thông báo số tiền sính lễ cho cộng đồng biết.

Sau lễ kà pụn, cô dâu và chú rể chính thức được xem là vợ chồng. Ngoài ra, còn có một số nghi lễ khác được tiến hành trong quá trình đưa chú rể sang nhà cô dâu để họ được chính thức sống cùng nhau trọn đời.

74T6.jpg
Cô dâu và chú rễ Chăm trong hôn lễ

Đám cưới của người Chăm diễn ra khá đơn sơ, giản tiện nhưng cũng không kém phần vui tươi. Theo luật đạo, người Chăm không uống rượu. Vì thế, tiệc cưới của họ diễn ra khá gọn nhẹ với các món ăn truyền thống. Tiệc mặn trong đám cưới thường là món cơm cà ri bò.

“Thông thường, tiệc mặn sẽ được mời với số lượng khách cụ thể. Vì thế, người ta có thể tính số khách mời, từ đó chuẩn bị lượng thịt bò phù hợp. Mỗi vị khách sẽ có khẩu phần bằng nhau, nên có thể tiết kiệm chi phí cho gia chủ” - ông Salâymal giải thích.

Trong đám cưới, mọi người cùng ca hát, nhảy múa chúc phúc cho cô dâu và chú rể. Anh Mohamed Sales, người dân làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), chia sẻ: “Người Chăm chúng tôi rất đoàn kết cộng đồng nên ai cũng muốn góp phần chia vui. Tuy đàn ông không uống rượu nhưng hôn lễ cũng rất vui vẻ, chương trình văn nghệ thường kéo dài đến tận khuya. Cánh phụ nữ cùng nhau giúp đỡ gia chủ một cách nhiệt tình, dù chỉ là hàng xóm chứ không phải người trong tộc họ”.

Sau hôn lễ, chú rể sẽ tiếp tục ở rể bên nhà cô dâu. Thời gian ở rể có thể là vài ngày, vài tháng, vài năm hay thậm chí... cả đời tùy vào “giao kèo” của hai bên gia đình trước đó.

AGO online
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40400823