Truy cập hiện tại

Đang có 145 khách và không thành viên đang online

Nâng cao vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong xây dựng nông thôn mới

(TGAG)- Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm MTTQ Việt Nam tuyên truyền, vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới và thực hiện phong trào “Đoàn kết, sáng tạo” diễn ra tại tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang vào chiều ngày 18/6.



Theo Phó Chủ tich Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua ở khu vực miền Tây Nam bộ đã từng bước làm thay đổi sâu sắc mọi mặt xã hội trên địa bàn nông thôn; góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống và chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã thể hiện vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; công tác xây dựng nông thôn mới tại các địa phương từng bước đi vào thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…

“Các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo tính bền vững, trong đó MTTQ phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình, nhất là giám sát việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng xây dựng nông thôn mới; tiến hành giám sát và “đeo bám” cũng như chuyển các sáng kiến, ý tưởng trong xây dụng nông thôn mới của người dân gửi đến Mặt trận, nhờ Mặt trận chuyển đến các cơ quan, banh ngành ở địa phương nhằm khắc phục, xử lý những vấn đề, nội dung mà người dân chưa hài lòng, qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đến nay, cả nước có 4.402 xã (49,39%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 76 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.


Riêng đối với các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, MTTQ các cấp đã tích cực triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các nội dung tập trung chủ yếu được triển khai thực hiện có hiệu quả như vận động nhân dân xây dựng các công trình giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững thông qua các hoạt động Quỹ “Vì người nghèo”… Tính đến nay đã có 528 xã (41,06%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 28,16% so với cuối năm 2015, cả nước đạt 49,38%); bình quân cả khu vực đạt 15,43 tiêu chí/xã (tăng 1,53 tiêu chí so với cuối năm 2015), cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã) và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có 9 đơn vị cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8 đơn vị so với cuối năm 2015). Qua báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của các đơn vị cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt trên 95 - 97%.

Tuy nhiên, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa thể hiện được hết vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Tính chủ động, sự sáng tạo trong triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế; kết quả công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới chậm được đổi mới và chưa được làm thường xuyên. Vai trò của MTTQ và các thành viên trong việc giám sát, phản biện trong xây dựng nông thôn mới chưa thực sự được nổi bật nhất là việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là: giám sát bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; giám sát việc sử dụng nguồn lực xây dựng nông thôn mới bao gồm nguồn lực do Nhà nước hỗ trợ, nguồn lực xã hội hóa, việc nợ đọng xây dựng nông thôn mới... Việc tham gia phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch chương trình, dự án… về nông thôn mới liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân hiệu quả chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, cho thấy chưa có sự  thống nhất trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Kết quả đánh giá ở một số nơi chưa phản ánh chính xác mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương…

Tại buổi tọa đàm, đại diện các địa phương trong khu vực Tây Nam bộ đều khẳng định MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động, kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương từng bước đi vào thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống nhân dân; nhân dân tích cực đổi phương thức sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm; tham gia bảo vệ môi trường gắn với phát huy các giá trị văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... Điển hình như mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết tại tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang, Long An thành phố Cần Thơ…; mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch homestay ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang,… đã đem lại hiệu quả thực chất trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương...

Để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, các đại biểu kiến nghị Trung ương xem xét thống nhất chung một bộ hồ sơ và một danh hiệu đối với ấp văn hóa và ấp văn hóa nông thôn mới nhằm giảm bớt kinh phí, hồ sơ, thủ tục và áp lực đối với cơ sở; các Bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện việc sáp nhập các Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thành một Ban Chỉ đạo để thống nhất chỉ đạo chung trong cả nước. Vì hiện nay, nhiều địa phương trong khu vực đã tiến hành sáp nhập các Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành một; đồng thời sáp nhập Bộ tiêu chí xã văn hóa với Bộ tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới, Bộ tiêu chí ấp văn hóa với Bộ tiêu chí ấp văn hóa nông thôn mới nhưng khi xây dựng hồ sơ, vẫn phải làm hai hồ sơ riêng biệt theo hướng dẫn của hai cơ quan Trung ương là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đến sự chồng chéo, tốn kém cho cơ sở.



Ngoài ra, để nâng cao vai trò tham gia của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng nông thôn mới, các đại biểu đề xuất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần có văn bản phối hợp với cấp ủy địa phương trong công tác quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và toàn thể cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành đối với việc MTTQ Việt Nam tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ ở từng địa phương.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng đại biểu 13 tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam bộ đã tới thăm, tặng 26 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo tại Khu dân cư Đại đoàn kết phường Mỹ Thới (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), mỗi phần trị giá 700 ngàn đồng và tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang)./.

Công Mạo
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37119591